Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Năm, 28/7/2011 9:20'(GMT+7)

Dịch tay chân miệng: Cơ quan chức năng và người dân chưa quyết liệt

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Cơ quan chuyên môn cảnh báo không thể xem thường dịch bệnh này. Trong khi đó, thực tế lại cho thấy cả người dân và cơ quan chức năng đều chưa quyết liệt phòng chống bệnh tay chân miệng.

Giai đoạn 2008 đến 2010, mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 10.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay, bệnh nhân mắc bệnh này tăng đột biến với hơn 20.000 bệnh nhân, trong đó gần 60 trường hợp tử vong, tập trung chủ yếu tại miền Nam với 50 người chết. Trong khi dịch lây lan nhanh, diễn biến ngày càng phức tạp và số ca tử vong tăng bất thường nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa quyết liệt để ngăn chặn có hiệu quả.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh thừa nhận: việc các quận huyện của thành phố này quyết định cho trẻ em nghỉ học tràn lan thời gian qua chứng tỏ sự bất lực của hệ thống y tế cơ sở.

Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thì hiện rất khó nhận định về tình hình dịch trong thời gian tới vì theo quy luật một số năm gần đây thì từ tháng 9 tới tháng 11 mới là thời điểm có số ca mắc tăng cao. Về phía Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng chưa có thống kê và nhận định đầy đủ về tình hình dịch bệnh chân tay miệng.

Thạc sỹ Ngũ Duy Nghĩa, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết: “Hiện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang thu thập số liệu, quy mô để đánh giá cụ thể nguy cơ và tình hình dịch tễ học cũng như đặc điểm của bệnh tay chân miệng để tư vấn chính xác cho Bộ Y tế. Chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo trong 1 hoặc 2 tuần tới, mời các chuyên gia đầu ngành để trình bày các ý kiến để mô tả tình hình dịch bệnh”.

Không chỉ các cơ quan chức năng mà cả người dân cũng còn chủ quan với bệnh tay chân miệng. Tại TP.Hồ Chí Minh (nơi bệnh này bùng phát mạnh) nhưng nhiều người dân khi được hỏi đều nói: không biết tay chân miệng là bệnh gì chứ chưa nói đến việc áp dụng các biện pháp phòng chống.

Tại Ninh Bình (một trong những tỉnh phía Bắc bùng phát bệnh tay chân miệng sớm và tốc độ lây lan nhanh) cũng vậy; nhiều người dân chủ quan cho rằng con mình bị bệnh ngoài da, tự điều trị tại nhà, đến khi nhập viện nhiều trẻ đã bị biến chứng viêm não.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn 6, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình có con 14 tháng tuổi bị bệnh tay chân miệng nói:“Đầu tiên tôi cứ nghĩ cháu bị rôm sảy thôi. Khi các vết mọc nhiều tôi đưa cháu đến bệnh viện thị xã Tam Điệp thì bác sỹ chẩn đoán là bệnh thuỷ đậu nhưng lưỡi cháu lại lốm đốm nên gia đình xin chuyển cháu lên bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình. Lúc đó mới biết là bệnh tay chân miệng”.

Từ thực tế dịch tay chân miệng lây lan nhanh, chưa có dấu hiệu giảm và gây quá tải tại các bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác, bác sỹ Hà Vinh, Trưởng khoa Nhi B, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân quan tâm hơn nữa đến vệ sinh cá nhân cho con trẻ. Đồng thời cảnh báo người lớn cũng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho mình vì mọi người đều có thể mắc bệnh và thực tế đã cho thấy không chỉ trẻ em mắc bệnh này.

“Bệnh tay chân miệng do siêu vi trùng gây ra, bệnh này mới có ở nước ta khoảng 5 - 10 năm nay và càng ngày càng nhiều. Bệnh chủ yếu lây qua đường tay - miệng. Có nghĩa là tay sờ vào những con siêu vi trùng đó rồi đưa lên miệng, vào cơ thể gây ra bệnh. Do vậy cũng giống như bệnh đường ruột khác, biện pháp phòng ngừa là nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau rửa các dụng cụ trong nhà cũng như đồ chơi của các cháu bằng thuốc sát trùng thích hợp” - BS Hà Vinh khuyến cáo.

Tại Hội thảo "Dịch bệnh và nguy cơ ảnh hưởng chiều cao, chỉ số thông minh ở trẻ”, diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia y tế khẳng định: "Dịch tay chân miệng đang bùng phát mạnh dễ gây biến chứng viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trẻ em. Điều đáng lưu ý là sự suy giảm trí tuệ từ dịch bệnh này có thể là vĩnh viễn.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ trẻ nhỏ với dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng, đau miệng; loét miệng với vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi; phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối và mông. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh tay chân miệng và bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử lý kịp thời./.

(Theo: VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất