Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 19/5/2009 8:13'(GMT+7)

Dịch tiêu chảy cấp bùng phát, một bệnh nhân tử vong

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả. Điều tra dịch tễ, bệnh nhân từng có tiền sử nghiện rượu, thể trạng yếu, khi nhập viện đã mất nước nặng, suy kiệt cơ thể dẫn tới tử vong.
Theo TS. Nga, dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả đang có xu hướng lan rộng và nguy cơ bùng phát rất lớn. Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, dễ sinh ngập lụt là điều kiện để mầm bệnh phát triển và phát tán ra môi trường. Đặc biệt, do ý thức vệ sinh ăn uống của nhiều người dân còn rất hạn chế, cộng với sự giao lưu qua lại giữa các vùng, các khu vực ngày càng làm tăng nguy cơ nhiễm và phát tán mầm bệnh.
Tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền rất nhanh và có thể gây tử vong. Nếu người dân không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động đến các cơ sở điều trị sớm khi có dấu hiệu mắc bệnh thì nguy cơ dịch sẽ tiếp tục lây lan là rất lớn. Đối với các trường hợp đến bệnh viện muộn, mất nước có nguy cơ tử vong cao.
12 tỉnh, thành phố có bệnh nhân tiêu chảy cấp
Cũng theo ông Nga cho biết, tính đến hết ngày 18/5, đã có 12 tỉnh, thành phố có bệnh nhân mắc tiêu chảy cấp với tổng số 534 trường hợp, số ca được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả cũng tăng lên từng ngày. 12 tỉnh, thành phố đó là: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định, Hải Dương, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam và Hòa Bình, trong đó, 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Hoà Bình và Vĩnh Phúc là những địa phương mới nhất ghi nhận có người mắc tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Qua điều tra dịch tễ đối với những người mắc mới, đều có liên quan đến thịt chó, mắm tôm, rau sống và thực phẩm không bảo đảm vệ sinh.
Tại Hà Nội, đến nay toàn thành phố Hà Nội có gần 300 ca tiêu chảy cấp, trong đó có nhiều trường hợp tiêu được xác định dương tính với phẩy khuẩn tả. Bệnh nhân xuất hiện ở 125 xã, phường của 20/29 quận, huyện của thành phố. Nhiều bệnh viện lớn tại Hà Nội như: Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, bệnh viện E, Viện Nhi… đều rất đông bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện.
Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia đã trở lên quá tải vì nhiều người cùng nhập viện vì tiêu chảy cấp, nhiều bệnh nhân cũ chưa khỏi thì bệnh nhân mới đã nhập viện. Nhiều bệnh nhân đã phải nằm điều trị ngoài hành lang.
Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, cho biết, việc bệnh nhân phải nằm điều trị ngoài hành lang là bất khả khả kháng và nằm ngoài mong muốn của bệnh viện. Hiện nay Viện chỉ có 160 giường bệnh, cố gắng sắp xếp, Viện mới bố trí được 90 giường để điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp. Trước tình trạng bệnh nhân nhập viện liên tục trong những ngày gần đây, trung bình 30 bệnh nhân/ngày, đã khiến tình trạng quá tải xảy ra tại viện. Riêng Khoa Viêm gan của Viện cũng đã phải dành 1/4 diện tích cho điều trị bệnh nhân tiêu chảy cấp, nhưng số lượng bệnh nhân vào liên tục nên vẫn không thể đủ chỗ.
Nguy cơ lan rộng
Không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước đang đứng trước nguy cơ đe dọa bùng phát mạnh dịch tiêu chảy cấp do phẩy khuẩn tả. Hiện nhiều địa phương vệ sinh môi trường còn hạn chế, nhà vệ sinh “lộ thiên” còn chiếm tỷ lệ cao cộng với nguồn nước sông bị ô nhiễm.
Mới đây, một số mẫu nước rửa thịt chó, các dụng cụ như dao, thớt, bàn bày bán thịt chó... cũng cho kết quả dương tính với phẩy khuẩn tả, đặc biệt còn phát hiện thấy phẩy khuẩn tả trong đường ruột của chó. Qua phát hiện này cho thấy, nếu không kiểm soát được nguồn thịt chó mang phẩy khuẩn tả thì rất dễ bị phát tán ra môi trường và nguồn nước khiến dịch bệnh lan rộng.
Theo thông báo của Sở Y tế Hải Phòng, đến ngày 15/5 trên địa bàn thành phố đã có 33 ca cấp cứu vì mắc bệnh tiêu chảy cấp, trong đó có 16 ca dương tính với phẩy khuẩn tả và có 9/15 quận, huyện có ổ dịch. Như vậy, chỉ sau 4 ngày công bố có dịch (11/5) tiêu chảy cấp, Hải Phòng có số bệnh nhân nhập viện tăng gấp 3 lần, số người dương tính với phẩy khuẩn tả tăng gấp 4 lần và số địa phương có dịch tăng gấp đôi. Tại một số ổ dịch các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, và An Dương, thì vệ sinh môi trường còn nhiều rất kém, số nhà vệ sinh "lộ thiên" còn chiếm tới 40 - 50%.
Sở Y tế Bắc Ninh cũng cho biết, chỉ trong vòng 3 ngày, từ 11/5 đến 14/5, đã phát hiện thêm 51 người mắc tiêu chảy cấp, nâng tổng số người mắc bệnh lên 62 người, trong đó có 24 người xét nghiệm dương tính với phẩy khuẩn tả. Kết quả xét nghiệm nhiều ca bệnh dương tính với phẩy khuẩn tả đều liên quan đến các thức ăn như: rau sống, thịt chó, mắm tôm. Tuy nhiên, lo ngại nhất hiện nay của tỉnh Bắc Ninh là nguy cơ dịch tiêu chảy cấp bùng phát và lan nhanh trên diện rộng do nhiều địa phương từng là ổ dịch cũ và vẫn còn ủ mầm bệnh của những đợt dịch trước.
Bên cạnh những yếu tố môi trường, nguồn nước, thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nhiều người nhiễm dịch tiêu chảy cấp chính là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo đánh giá của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) hiện nay những người trực tiếp chế biến thức ăn và cả người tiêu dùng hầu như đều thiếu kiến thức và thiếu trách nhiệm trong việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, công tác thanh kiểm tra, đặc biệt là công tác hậu kiểm giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Cần phải cương quyết đình chỉ, không cấp giấy phép cho những cơ sở không đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, có như vậy mới loại bỏ được những mầm mống, những nguy cơ mất an toàn từ những hàng hóa, thực phẩm mang lại.


Để ngăn ngừa bệnh và phòng dịch bệnh lây lan, mọi người cần thực hiện những khuyến cáo sau:

1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:
-Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
-Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiêu.
-Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B... vào sau mỗi lần đi để sát khuẩn.
-Tránh tập trung ăn uống đông người như ma chay, cưới xin, cúng giỗ.
-Hạn chế người ra, vào vùng đang có dịch.

2. An toàn vệ sinh thực phẩm:
-Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi.
-Không ăn rau sống, không uống nước lã.
-Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh, nem chua.

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:
-Nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ.
-Tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hoá chất Cloramin B.
-Cấm đổ chất thải, nước giặt, rửa và đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Cấm vứt súc vật chết và rác xuống ao, hồ, sông, giếng.

4. Khi có người bị tiêu chảy cấp:
Khi gia đình có người bị tiêu chảy cấp, phải nhanh chóng báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

Theo Vn.Media

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất