Chủ Nhật, 22/9/2024
Văn hóa
Thứ Bảy, 30/3/2019 13:19'(GMT+7)

Điện ảnh tôn vinh vẻ đẹp phẩm giá con người

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Bộ phim “Hai Phượng” do nghệ sĩ Ngô Thanh Vân sản xuất và thủ vai chính, sau hơn 4 tuần công chiếu tại Việt Nam, Hoa Kỳ và Canada, đã thu về hơn 200 tỷ đồng tiền bán vé. Con số này chưa dừng lại vì đợt công chiếu phim vẫn đang tiếp tục.

“Hai Phượng” lập kỷ lục là bộ phim Việt Nam có doanh thu phòng vé cao nhất từ trước đến nay.

Là bộ phim hành động, yếu tố thu hút khán giả đến rạp là những pha hành động võ thuật điêu luyện, đẹp mắt, kết hợp với kỹ xảo điện ảnh hiện đại. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức nghệ thuật. Giá trị nhân văn của bộ phim nằm ở thông điệp tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng, phẩm giá của người phụ nữ. Dù quá khứ đau buồn, tội lỗi, nhưng trước hoạn nạn, tình mẫu tử thiêng liêng đã thúc bách người mẹ hành động quên mình để cứu con, thức tỉnh những phẩm giá cao đẹp của lương tri…

Những tác phẩm điện ảnh được công chúng yêu thích và giới chuyên môn đánh giá cao thời gian qua, đều hướng đến tôn vinh nét đẹp phẩm giá của con người. Đó là những bộ phim: “Dòng máu anh hùng”, “Huyền thoại bất tử”, “Thiên mệnh anh hùng”, “Cha cõng con”, “Trăng nơi đáy giếng”, “Cô Ba Sài Gòn”… Nhân vật chính trong những bộ phim có thể là người có phẩm chất anh hùng, dũng cảm, hành động quên mình vì nghĩa lớn, cũng có khi là những người phụ nữ mong manh, yếu mềm nhưng có trái tim nhân hậu, độ lượng và đức hy sinh cao cả.

Nhìn lại xa hơn, lịch sử phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam sau năm 1975 đến nay, dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng những tác phẩm có sức sống lâu bền trong công chúng, những nghệ sĩ thành danh với vai diễn để đời, đều có chung mẫu số nghệ thuật, đó là tôn vinh, ngợi ca phẩm giá con người Việt Nam.

Lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lấy chân-thiện-mỹ lấn át cái phi nghĩa, thấp hèn… là dòng chảy của sáng tạo nghệ thuật, cũng là hướng đi của đời sống xã hội. Những tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật đều là sản phẩm của quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật công phu. Người nghệ sĩ không chỉ có đam mê, tài năng mà nhiều khi phải chấp nhận cả những hy sinh thầm lặng để cống hiến cho nghệ thuật.

Một dạo, giới phê bình và những người nặng lòng với đời sống nghệ thuật nước nhà tốn không ít giấy mực phê phán kiểu làm ăn chụp giật, làm ra những sản phẩm nghệ thuật “giả cầy” nhảm nhí để giật gân, câu khách.

Sự vào cuộc của giới phê bình, truyền thông và thái độ của số đông công chúng đã góp phần chấn chỉnh thị trường nghệ thuật thứ bảy. Những năm gần đây, thể loại phim hài, nhảm, nhạt… không có chỗ trong các liên hoan phim. Nhãn quan và sự cảm thụ của công chúng ngày càng khắt khe, đòi hỏi cao khi môi trường điện ảnh có sự hội nhập, giao thoa mạnh mẽ với thế giới. Kiểu làm nghệ thuật chụp giật, ăn xổi dần dần bị tẩy chay.

Rất đáng mừng khi hiện nay, với chủ trương xã hội hóa mạnh mẽ, chúng ta đã có những tác phẩm điện ảnh vươn ra thị trường thế giới, lọt vào tầm ngắm của những nhà phát hành ở những nền điện ảnh hàng đầu thế giới. Dù cán cân giữa nhập khẩu và xuất khẩu nghệ thuật vẫn còn chênh lệch lớn, nhưng sự tiên phong của những nhà làm phim, những nghệ sĩ giàu tài năng và nhiệt huyết sáng tạo đã thổi luồng gió mới đầy sinh khí cho điện ảnh nước nhà thời hội nhập.

Cốt cách, tinh thần của con người Việt là linh hồn của bản sắc văn hóa Việt. Khi vẻ đẹp phẩm giá của con người Việt Nam được quảng bá, cộng hưởng thông qua ngôn ngữ điện ảnh, sức lan tỏa của nó trong đời sống văn hóa thế giới là rất mạnh mẽ. Điện ảnh nói riêng, các loại hình nghệ thuật nói chung sẽ có nhiều cơ hội để thực hiện sứ mệnh là “sứ giả” của văn hóa hội nhập, đưa hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, tinh thần Việt Nam có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế./.

Phan Tùng Sơn (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất