Qua 4 năm thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Điện Biên đã hỗ trợ trên 300 tỷ đồng cho 13.242 hộ nghèo làm nhà ở, đạt trên 99% tổng số hộ thực tế phải hỗ trợ.
Năm 2009, tỉnh Điện Biên đã khảo sát, phê duyệt với tổng số trên 14.000 hộ nghèo, cần được hỗ trợ làm nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Ban chỉ đạo chương trình đã phát hiện ra một số hộ tại nhiều địa phương không đủ tiêu chuẩn được thụ hưởng chính sách, nên đã tổ chức rà soát lại, qua đó đã giảm bớt 790 hộ, còn lại 13.337 hộ, trong đó có tới 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cho đến thời điểm này, đã có 7/9 địa phương trong tỉnh hoàn thành việc giải ngân, hỗ trợ cho các hộ nghèo làm nhà. Hai huyện còn lại là huyện Mường Nhé và Mường Chà đều đã đạt từ 98 - 99% kế hoạch. Trung bình, mỗi hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên được hỗ trợ gần 23 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, vốn của các tổ chức hỗ trợ và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội.
Một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất chương trình 167 của tỉnh Điện Biên là huyện Tủa Chùa. Từ cuối năm 2010, Tủa Chùa đã hoàn thành việc xây dựng 1.299 căn nhà cho người nghèo với tổng số tiền mỗi hộ được hỗ trợ, vay ưu đãi trên 40 triệu đồng. Để đạt được kết quả trên, huyện đã triển khai nhiều giải pháp như: Có chủ trương triển khai phù hợp với thực tế; thường xuyên kiểm tra đôn đốc, đánh giá rút kinh nghiệm để triển khai tại những nơi khác; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân tài trợ cho chương trình; tập trung tuyên truyền vận động, khơi dậy ý thức tự lực, tự vươn lên của các hộ nghèo được hưởng hỗ trợ; rà soát các đối tượng được thụ hưởng một cách công khai minh bạch, chú ý ưu tiên các đối tượng chính sách.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh Điện Biên cũng gặp phải một số khó khăn vướng mắc như: Phần lớn các hộ được thụ hưởng đều là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, đời sống hết sức khó khăn, mức hỗ trợ lại quá thấp so với thực tế nên không muốn vay vốn vì khó có khả năng trả nợ. Nhiều hộ vẫn còn mang tập quán du canh, du cư nên không muốn làm nhà cố định. Nhiều tổ chức tham gia hỗ trợ lại tập trung kinh phí về những vùng giao thông thuận tiện, dẫn đến việc phân bổ kinh phí không đều. Cụ thể như mức hỗ trợ tại huyện Tủa Chùa là trên 40 triệu đồng/hộ, tại huyện Mường Ảng là trên 30 triệu đồng/hộ... Trong khi đó, huyện Mường Nhé xa xôi nhất, khó khăn nhất, song mức hỗ trợ chỉ được chưa tới 25 triệu đồng. Điều này dẫn tới việc những địa phương được hỗ trợ nhiều có điều kiện để hoàn thành Chương trình trước.
Để triển khai thành công Chương trình 167 trong thời gian tới, tỉnh Điện Biên đặt ra một số giải pháp quan trọng, gồm: Tiếp tục kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí; tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; chính quyền và các tổ chức chính trị, xã hội cấp xã tổ chức vận động cộng đồng, họ tộc, làng xóm chung tay giúp sức các hộ nghèo xây dựng nhà ở đảm bảo tiêu chí "3 cứng". Đối với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: già cả, neo đơn, tàn tật... không có khả năng tự làm nhà, các địa phương chỉ đạo các đội công tác cơ sở hỗ trợ trên nguyên tắc không vụ lợi, tình nguyện giúp đỡ với truyền thống “lá lành đùm là rách”. Tỉnh Điện Biên cũng kiến nghị Chính phủ nâng mức hỗ trợ trong giai đoạn 2 từ 8,4 triệu đồng lên 13 triệu đồng/hộ, riêng các thôn bản đặc biệt khó khăn tăng lên mức 16 triệu đồng; đề nghị Trung ương kêu gọi các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước ủng hộ kinh phí cho các hộ nghèo làm nhà ở trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Đánh giá kết quả trong quá trình triển khai Chương trình thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Điện Biên đã trao tặng Bằng khen cho 23 tập thể và 16 cá nhân vì đã có những đóng góp tích cực cho thành công của chương trình./.
Theo TTXVN