Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu, sưu tầm văn hóa DTTS và cũng từng tham gia chỉ đạo nhiều chương trình, dự án về bảo tồn văn hóa vùng DTTS, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên Nguyễn Ðăng Quang, khá am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của 19 dân tộc trong tỉnh. Ông Nguyễn Ðăng Quang luôn cho rằng, văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa DTTS nói riêng ở Ðiện Biên là kho tàng tiềm năng vô tận mà càng tìm hiểu lại càng hấp dẫn, say mê. Nếu được quan tâm đầu tư thích đáng, kho tiềm năng ấy sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển du lịch của tỉnh nhà.
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Ðất Việt: Toàn tỉnh Ðiện Biên có 690 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê. Ông Quang cho biết thêm, nhiều phong tục, tập quán, văn hóa nghệ thuật của đồng bào DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền; nhiều điệu múa, phong tục tập quán và làn điệu dân ca chỉ tồn tại trong trí nhớ của số ít người cao tuổi, nguy cơ mai một ngày càng hiện hữu. Ðó là thực trạng đáng lo ngại mà những người làm công tác văn hóa như ông Quang nhìn thấy mà nhiều khi lực bất tòng tâm.
Những năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ðiện Biên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên đã ưu tiên thực hiện nhiều dự án bảo tồn văn hóa vùng đồng bào DTTS. Ðiển hình là các dự án: Ðiều tra, nghiên cứu, bảo tồn bản truyền thống dân tộc Thái (ngành Thái đen) tại bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên; hỗ trợ đầu tư thôn bản có hoàn cảnh đặc biệt tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé và bản Pú Súa, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng. Cùng với đó, ngành văn hóa cũng đầu tư kinh phí nghiên cứu, phục dựng một số lễ hội dân gian các DTTS, như: Lễ hội "Cầu mưa" của dân tộc Khơ Mú, lễ "Mừng cơm mới" dân tộc Xinh Mun, xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông; lễ "Gạ ma thú" dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé…
Nhiều hoạt động khác cũng được triển khai, như: bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ văn hóa xã đặc biệt khó khăn; phối hợp xây dựng văn hóa cơ sở, trang bị ô-tô chuyên dụng, cấp trang thiết bị, phương tiện hoạt động cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phương tiện tập huấn cho đội chiếu bóng lưu động phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển phong trào văn nghệ quần chúng.
Tuy chưa đáp ứng được thực tiễn, song trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, cán bộ làm công tác văn hóa DTTS thiếu, thì nỗ lực kể trên của ngành văn hóa Ðiện Biên rất đáng ghi nhận. Bởi để tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán các DTTS là cả một quá trình mà thời gian không thể tính tháng hay tính năm; ngay cả khi tìm hiểu được thì cũng không dễ gì để phục dựng, bảo tồn.
Trò chuyện với chúng tôi về khó khăn của người thực hiện công tác sưu tầm, phục dựng văn hóa DTTS trên địa bàn, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên) Trịnh Thị Mai cho rằng: Quá nhiều khó khăn trong việc bảo tồn văn hóa của một số đồng bào DTTS, nhất là các dân tộc rất ít người, do điều kiện các bản đều ở xa, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, không có chữ viết, sống xen kẽ với các dân tộc khác… Ðiều kiện sống khó khăn, người dân chưa có ý thức lưu giữ, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc.
Dễ thấy nhất là dân tộc Phù Lá cư trú rải rác ở các bản người Mông, người Thái thuộc các huyện: Tuần Giáo, Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, mỗi bản chỉ có từ năm đến 15 nóc nhà với dân số ít lại kết hôn với dân tộc khác, cho nên dân tộc Phù Lá gần như mất hẳn nét sinh hoạt độc đáo, trang phục, lễ hội của dân tộc mình. Trong khi số người cao tuổi am hiểu về văn hóa dân tộc còn rất ít thì lớp trẻ người dân tộc Phù Lá lại không muốn học, không theo phong tục, tập quán dân tộc, cho nên dù có kinh phí, thì việc bảo tồn, phục dựng văn hóa, phong tục dân tộc Phù Lá cũng không dễ thực hiện.
Cũng chung tình trạng sống rải rác, số dân ít, cho nên trang phục truyền thống của người Khơ Mú đang bị mờ nhạt. Nhiều dân tộc, như: Si La, Cống… không có chữ viết, dẫn đến việc lưu truyền văn hóa rất khó khăn. Có nơi, chính quyền chưa thật sự tạo điều kiện, chưa quan tâm công tác vận động, tuyên truyền người cao tuổi, người có uy tín truyền dạy văn hóa của dân tộc cho thế hệ trẻ, nguy cơ mai một văn hóa các dân tộc ngày càng rõ rệt.
Mong muốn nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên đã phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật Ðất Việt, tổ chức hội thảo chuyên đề về bảo tồn, phát huy văn hóa DTTS. Với sự đóng góp tâm huyết của đại biểu là các nhà khoa học, nhạc sĩ, nghệ nhân và người làm công tác nghiên cứu, sưu tầm văn hóa các DTTS, Ðiện Biên đã tìm được giải pháp xuyên suốt cho công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc, nhất là dân tộc rất ít người. Ngoài các giải pháp về cơ chế, chính sách riêng cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS (đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ hiện có), tỉnh Ðiện Biên sẽ dành kinh phí hỗ trợ các nghệ nhân trong việc bảo tồn, truyền dạy văn hóa dân tộc cho các thế hệ kế cận; giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phù hợp mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có năng lực và hiểu biết về dân ca, dân nhạc, dân vũ.
Trên chặng đường bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, của các cộng đồng dân cư theo địa giới hành chính, vùng miền, cộng đồng dân cư theo từng dân tộc và nhóm dân tộc, từng dòng họ, từng gia đình và ngay từ mỗi cá nhân.
Theo Nhân dân