Thứ Bảy, 23/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 1/11/2018 14:16'(GMT+7)

Mở lối cho không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội

Một ban nhạc đường phố biểu diễn tại một góc nhỏ trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Một ban nhạc đường phố biểu diễn tại một góc nhỏ trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Từ những bước đi ban đầu của mô hình này, thành phố Hà Nội đang mở lối để các không gian văn hóa nghệ thuật hoạt động hiệu quả, thu hút cộng đồng tham gia sáng tạo văn hóa.

NHỮNG BƯỚC ĐI BAN ĐẦU

Hà Nội hiện có hàng chục không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, có thể kể tới như: Không gian MANZI tại 14 Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm), không gian CHULA ở 396 Lạc Long Quân (quận Tây Hồ), không gian tại sảnh tầng 1 Dolpin PLAZA ở 28 Trần Bình (quận Cầu Giấy), không gian Hanoi Creative City tại số 1 Lương Yên (quận Hai Bà Trưng)…

Khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố bích họa Phùng Hưng, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố sách 19/12... cũng được coi là không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật lớn của Hà Nội.

Hoạt động của các không gian sáng tạo rất sôi động, có nhiều sắc thái khác nhau và được sự hưởng ứng nhiệt tình của nghệ sỹ cũng như giới trẻ.

Điển hình như không gian VICAS Art Studio - Trung tâm hỗ trợ và phát triển nghệ thuật đương đại thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam. Không gian này thường tổ chức trưng bày nghệ thuật theo các chủ đề khác nhau như Qua miền Tây Bắc, Hư hư thực thực, Mãi yêu, Vòng xoáy của sự im lặng… mang ý nghĩa xã hội, giúp xây dựng thương hiệu cho nghệ sỹ, kết nối nghệ sỹ với thị trường và khán giả.

Theo đánh giá của nhà chuyên môn, các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật góp phần tạo ra bản sắc cho thành phố, tạo sự hấp dẫn, truyền cảm hứng sáng tạo và sự chia sẻ...

Tuy vậy, thực tế cho thấy các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật này hầu hết của cá nhân hoặc doanh nghiệp, đa phần hoạt động nhờ sự nhiệt tình của các sáng lập viên và cộng sự. Phần lớn họ không có kinh phí đầu tư cho hoạt động xây dựng thương hiệu, marketing và truyền thông bài bản, do vậy chỉ có những người trong nghề mới quan tâm, tham gia các sự kiện.

Ngoài ra, các không gian này thiếu tính ổn định và bền vững do phải thuê địa điểm, kỹ năng quản lý còn hạn chế. Hơn nữa, đây là mô hình khá mới nên hầu hết các không gian sáng tạo chưa được hưởng ưu đãi của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành. Có những không gian mở ra nhưng cũng nhanh chóng khép lại sau nhiều chật vật, khó khăn xoay xở để tồn tại.

Bà Trần Thị Thu Thủy, cán bộ Chương trình văn hóa UNESCO cho rằng các không gian sáng tạo thường là các mô hình kinh doanh vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Trong cộng đồng này có sự hình thành và kết thúc liên tục của các dự án, ý tưởng và sản phẩm, do đó việc quản lý và duy trì các không gian này là một thách thức không nhỏ.

TẠO MÔI TRƯỜNG PHÁT TRIỂN CÁC KHÔNG GIAN SÁNG TẠO

Xác định không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật tạo ra nhiều giá trị đối với sự phát triển của Thủ đô, các chuyên gia cho rằng, truyền thống văn hóa và sáng tạo của người Hà Nội đã có sẵn nhưng cần khai thác để trở thành lợi thế phát triển.

Trong khi việc xây dựng các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật đã có nền móng đầu tiên, điều cần thiết hiện nay là xây thêm những bức tường vững chắc bằng những vật liệu tốt.

Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân sáng tạo (VCE Club) Lê Quốc Vinh cho rằng Hà Nội phải là không gian sáng tạo lớn. Lấy ví dụ thành phố Chiang Mai ở phía Bắc Thái Lan, ông Lê Quốc Vinh cho biết đây là một đô thị đặc biệt, thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm, với nhiều cửa hàng càphê, các không gian chia sẻ làm việc chung, đặc biệt là chất lượng cuộc sống rất rẻ. Chiang Mai cũng có nhiều sự kiện đình đám trong năm.

Theo ông Lê Quốc Vinh, nếu Hà Nội lựa chọn thiết kế là một ngành sáng tạo then chốt thì không thể không có những liên hoan hoặc triển lãm thiết kế quy mô lớn. Nếu Hà Nội chọn âm nhạc như là tâm điểm của công nghiệp văn hóa,  Thủ đô cần nhiều hơn các liên hoan Gió mùa, hòa nhạc London Symphony Ochestra.

Hà Nội cần giải bài toán kinh tế, thị trường bằng quá trình thiết kế trải nghiệm mới cho khách hàng, tạo ra nhu cầu, tiếp thị và bán các sản phẩm văn hóa đến đúng đối tượng, ông Vinh nói.

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia đề xuất khu vực dọc đường Nguyễn Trãi như khu nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá... nên biến thành địa điểm dành cho các không gian sáng tạo và công viên cây xanh, giúp khu vực này vốn đang có nhiều nhà cao tầng trở nên đáng sống hơn.

Việc bố trí các khu vui chơi dành cho hoạt động sáng tạo của cộng đồng nên được xem xét mỗi khi tiến hành quy hoạch, xây dựng bất kỳ một khu đô thị mới nào.

Có thể thấy rằng Hà Nội coi trọng đầu tư phát triển văn hóa nhưng với mô hình không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, thành phố chưa có nhiều quy định mang tính riêng biệt. Ngay cả công tác quản lý đối với các mô hình này cũng gặp không ít khó khăn. Sự hỗ trợ các không gian sáng tạo nghệ thuật nằm trong sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sỹ và những phong trào, hoạt động nói chung của thành phố.

Biển người đi bộ đông nghịt trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. (Ảnh: TTXVN)

Để mở lối cho các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật phát triển, Hà Nội sẽ triển khai cơ chế, chính sách đối với văn nghệ sỹ, phong trào, hoạt động và không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật.

Từ nay đến năm 2020, Hà Nội phát triển thêm 25 công viên mới, mở thêm nhiều không gian đi bộ nhằm tạo các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Các chương trình khởi nghiệp tiếp tục được xây dựng để hỗ trợ, kết nối tổ chức, cá nhân có ý tưởng, sáng tạo phù hợp hiện thực hóa trong cộng đồng..., cùng với đó là hàng loạt chương trình phát triển văn hóa, xã hội khác.

Mục tiêu cuối cùng là để Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước, trở thành thành phố sáng tạo, hướng tới có vị trí quan trọng trong khu vực và châu Á./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất