Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông tin tổng hợp
Thứ Bảy, 7/5/2011 9:21'(GMT+7)

Điện Biên sau hơn 2 vạn ngày chiến thắng

 Mường Thanh của lúa thơm…

Hơn nửa thế kỷ đã qua sau những ngày khói lửa hào hùng, Điện Biên Phủ (Mường Thanh-Mường Trời) hôm nay không chỉ còn được biết đến là miền đất lịch sử lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu mà còn là vùng kinh tế xã hội trù phú, phát triển, hội tụ những bản sắc văn hóa phong phú bậc nhất miền Tây Bắc. Thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh lỵ Điện Biên) nằm cách thủ đô Hà Nội 480 km về phía Tây Bắc, cách thị xã Lai Châu 103 km về phía nam. Quốc lộ 6 qua Hòa Bình, Sơn La hay đường 32C, đường 4D, đường 279 lên Điện Biên đều đã được nâng cấp hoàn thiện rút ngắn cung đường và thời gian. Thêm vào đó, Cụm cảng Hàng không Điện Biên Phủ hoạt động liên tục mỗi ngày 2 chuyến bay đã giúp du khách khắp mọi miền đến thăm Điện Biên Phủ thật dễ dàng, thuận lợi.

Chiếc máy bay ATR 72 từ sân bay Nội Bài bay lên Điện Biên Phủ mất chừng 50 phút. Trong khoảng 10 phút trước khi hạ cánh, hành khách sẽ được thỏa thích chiêm ngưỡng lòng chảo Mường Thanh lớn nhất miền Tây Bắc với mênh mông cánh đồng, trập trùng đồi núi, ẩn hiện xóm làng, uốn khúc dòng sông… như một bức tranh phong cảnh hữu tình với vẻ đẹp thơ mộng khó lòng tả hết. Còn nếu đi ô tô theo quốc lộ 6, qua đèo Pha Đin mới, tới địa phận tỉnh Điện Biên, du khách lại ngỡ ngàng bởi sức sống từ những bản làng đông vui ở Tuần Giáo, ruộng đồng tươi tốt ở Mường Ẳng, hồ ao, chuồng trại trù phú ở Nà Tấu, Him Lam… Qua đèo Nà Lơi là bọt tung trắng xóa của công trình thủy điện Thác Bay, Nà Lơi với cột điện, đường dây thẳng hàng tăm tắp đem ánh sáng về cho bản làng, thôn xóm. Từ sân bay hay từ bến xe, khách thăm quan đi vào thành phố lại được chiêm ngưỡng cánh đồng Mường Thanh ngút tầm mắt một màu xanh ngắt của lúa mới cấy. Đứng bên này dòng Nậm Rốm nhìn xa xa là Tượng đài chiến thắng uy nghi, hào hùng trên đồi D1, hai bên đường là nhà cửa, phố sá san sát, tấp nập hòa cùng với sắc màu các dân tộc anh em đang chung sống trên mảnh đất này.

Điện Biên Phủ là lòng chảo lớn nhất miền Tây Bắc với hơn 4.000 héc-ta lúa nước được biết đến qua câu ca “Nhất Thanh (Mường Thanh-Điện Biên), Nhì Lò (Mường Lò-Yên Bái), Tam Than (Than Uyên-Lai Châu), Tứ Tấc (Mường Tấc-Sơn La). Trong sách "Kiến văn tiểu lục", nhà bác học Lê Quý Đôn đã giới thiệu về cánh đồng Mường Thanh rằng "Thế núi vòng quanh, ruộng đất bằng phẳng, màu mỡ... công việc làm ruộng bằng nửa công việc các châu khác mà số hoa lợi thu hoạch gấp đôi...". Một trong những yếu tố để Mường Thanh trở thành vùng đất sản xuất nông nghiệp thuận lợi vì có hệ thống thủy nông Nậm Rốm-Pa Khoang tưới tiêu cho toàn bộ vùng lòng chảo. Dòng sông Nậm Rốm có vai trò quan trọng, cung cấp nguồn nước cho hai tuyến kênh tả, hữu dài hơn 20km tưới tiêu cho cánh đồng Mường Thanh. Đồng thời cũng chính trên thượng nguồn của con sông này, Nhà máy thủy điện Thác Bay với công suất 2.400 Kw, Thủy điện Nà Lơi công suất 8.300 Kw đã ra đời và đang phục vụ đắc lực cho sản xuất và đời sống của nhân dân lòng chảo Điện Biên. Phía trên thành phố là Hồ Pa Khoang rộng 600 héc-ta với trữ lượng nước sử dụng hơn 50 triệu mét khối, có tác dụng dự trữ nước và bổ sung cho công trình thủy lợi Huổi Phạ - Nậm Rốm tưới cho đồng ruộng, phục vụ nuôi hải sản, bảo vệ môi trường và là một trọng điểm tham quan, du lịch của du khách khi đến Điện Biên…

Một góc thành phố Điện Biên Phủ hôm nay.

 

Điểm nhấn miền Tây Bắc

 Điện Biên được biết đến nhiều bởi cụm di tích lịch sử, chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa. Ngày nay những cụm di tích này đang tiếp tục được trùng tu, tôn tạo và gìn giữ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ sau cũng như thu hút khách thăm quan du lịch. Ai đến Điện Biên hẳn đều muốn dừng chân để tham quan Khu sở chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sân bay Mường Thanh, cứ điểm Bản Kéo, đồi Độc Lập, đồi A1, C1, C2, D1... Đặc biệt, giữa những ngày tháng 5 lịch sử, đến thăm Điện Biên Phủ, ai cũng muốn đến thăm, thắp nén nhang trầm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở Nghĩa trang Điện Biên Phủ, Nghĩa trang đồi Độc Lập với gần 2.500 ngôi mộ trong đó hầu hết là vô danh…

Những năm qua, nhờ khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của từng vùng kinh tế cũng như tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, các ngành sản xuất công-nông nghiệp của Điện Biên ngày càng có bước phát triển. Gạo Điện Biên đã tạo dựng được thương hiệu gạo đặc sản có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước. Diện tích các cây công nghiệp dài ngày như chè, cà phê, cao su không ngừng được mở rộng là định hướng chính để phát triển bền vững khu vực nông thôn, nông nghiệp lâu dài. Chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì; đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò phát triển khá và có sản lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường ngoại tỉnh… Các nhà máy xi măng, thủy điện, khai thác khoáng sản đã đi vào hoạt động từng bước định hình hướng phát triển công nghiệp mới cho địa phương. Đến hết năm 2010, toàn tỉnh đã có 3 tuyến quốc lộ, 5 tuyến tỉnh lộ được nâng cấp và mở rộng, 34% đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và kiên cố hóa. Đã có nhiều công trình thủy lợi lớn được đầu tư như Hồ Na Hươm, Nậm Khẩu Hu, thủy lợi Nậm Núa, thủy lợi Bản Hiệu, Ảng Cang... để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hệ thống điện lưới quốc gia được mở rộng ra khu vực nông thôn với 102/112 xã, phường có điện đến trung tâm xã. Hạ tầng xã hội cũng từng bước được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo, chăm sóc sức khỏe và hưởng thụ văn hóa của nhân dân khắp nơi trong tỉnh…

Mặc dù còn không ít khó khăn của một tỉnh biên giới miền núi cao nhưng Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã và đang nỗ lực lao động, sản xuất, rèn luyện để bảo vệ, dựng xây quê hương anh hùng, giàu đẹp hôm qua, hôm nay và cả mai sau. 

Theo Hoàng Trường Giang/QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất