Tại diễn đàn, Trung Quốc bày tỏ quan điểm rằng, cùng với EU, Bắc Kinh muốn nhìn quan hệ giữa hai bên từ góc độ chiến lược và lâu dài, tăng cường sự tin cậy, đồng thời cùng hợp tác vì sự phát triển trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc tham dự hội nghị cũng khuyến khích các chuyên gia hai bên tăng cường tiếp xúc nhằm xây dựng những nền tảng vững chắc cho mối quan hệ giữa hai bên.
Với vai trò là hai lực lượng quan trọng trong cộng đồng quốc tế, Trung Quốc và EU gánh vác trách nhiệm lớn trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới. Mở rộng hơn nữa quan hệ song phương không những phù hợp với lợi ích căn bản của cả hai bên mà cũng ngày càng có ý nghĩa toàn cầu khi sẽ góp phần thúc đẩy đa cực hóa thế giới. Bên cạnh đó, với sự tham gia tích cực vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế, trong bối cảnh cơ hội và thách thức ngày càng gia tăng, lợi ích chung giữa hai bên càng thêm rộng lớn và nhu cầu hợp tác không ngừng rộng mở.
Tham dự diễn đàn, cựu Thủ tướng Pháp Giăng Pi-e Ra-pha-ranh cũng chia sẻ quan điểm này của Bắc Kinh. Ông cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Trung Quốc không ngừng thu được những kết quả tích cực trong thời gian qua và đang ngày càng vượt qua lĩnh vực song phương thuần túy. Châu Âu và Trung Quốc có quan điểm rất giống nhau trong một loạt vấn đề, hai bên đều dốc sức cho xây dựng một thế giới đa cực và hòa bình, một thế giới được xây dựng trên nền tảng hợp pháp của Liên hợp quốc. Trong đó EU và Trung Quốc sẽ xây dựng quan hệ giữa nhà nước với nhà nước trên tinh thần hữu nghị và tương trợ lẫn nhau.
Về vấn đề nhân quyền, áp lực "vô hình" trong quan hệ song phương thời gian qua, hai bên nhất trí duy trì các hoạt động đối thoại và trao đổi về nhân quyền, thông báo những tiến bộ đạt được của mỗi bên trong vấn đề này cũng như trao đổi quan điểm về những quy định của pháp luật, hợp tác quốc tế về nhân quyền. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi trong cuộc gặp với phái đoàn EU cũng khẳng định, đối thoại là một kênh quan trọng để Trung Quốc và EU giải quyết các vấn đề nhân quyền một cách xây dựng. Trung Quốc đánh giá cao vai trò của EU trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và sẽ phối hợp với liên minh để thúc đẩy mối quan hệ song phương.
Có thể nhận thấy rằng những năm qua, với sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Trung Quốc - châu Âu đã có bước phát triển mới. Chỉ trong thời gian 5 năm từ 1998 đến 2003, quan hệ Trung Quốc - EU đã thực hiện ba bước nhảy, từ quan hệ đối tác mang tính xây dựng đến quan hệ đối tác toàn diện đã được nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Trung Quốc và EU hiện đều là những nền kinh tế quan trọng của thế giới, GDP của hai bên gộp lại vượt quá một phần ba của thế giới và có tiềm năng hợp tác to lớn. Đứng trước cơ hội lịch sử đa cực hóa thế giới và toàn cầu hóa kinh tế, cũng như các thách thức gay cấn mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, việc làm thế nào để phong phú nội hàm chiến lược của quan hệ Trung Quốc - EU, tích cực tìm kiếm những lợi ích chung… đang trở thành mối quan tâm của cả hai bên.
Liên quan đến vấn đề này, Trung Quốc cho rằng, hai bên cần phải nâng cấp hơn nữa quy mô và trình độ đầu tư - thương mại, mở rộng lĩnh vực hợp tác mới như công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, kinh tế xanh… tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau. Những biện pháp này cũng sẽ thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển toàn diện, cân bằng và bền vững trên cơ sở sự tin cậy về chiến lược, biến thách thức thành cơ hội hợp tác./.
(Theo Hà Nội Mới điện tử)