Theo ông Patrushev, dự thảo Học thuyết quân sự mới vẫn bảo lưu những qui định quan trọng của học thuyết quân sự hiện hành, chưa hề mất đi tính thời sự bức thiết của nó. Đồng thời văn kiện mới phản ánh những nguy cơ quân sự mới, như cuộc tranh giành dự trữ nhiên liệu-năng lượng và các nguồn tài nguyên khác có sử dụng lực lượng vũ trang, việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong đó có vũ khí hạt nhân, và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Văn kiện mới đã làm rõ qui định về việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân đồng thời với vũ khí thông thường khi chống trả xâm lược.
Ông Patrushev nhấn mạnh trong những tình huống nguy cấp đối với an ninh quốc gia, sẽ không loại trừ việc giáng đòn hạt nhân phủ đầu vào những kẻ xâm lược. Thư ký Hội đồng an ninh Nga nêu rõ: "Hiển nhiên, chúng ta kiên quyết chống lại biện pháp giải quyết bất kỳ cuộc xung đột nào bằng con đường vũ lực quân sự, càng không nói đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân".
Đồng thời ông Patrushev cũng nhắc lại rằng “Nga đã luôn nhất quán là đối tác chắc chắn, đáng tin cậy trong sự nghiệp giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Chúng ta khẳng định rằng, Nga sẵn sàng tiếp tục tiến bước trong nỗ lực vươn tới ý tưởng một thế giới phi hạt nhân. Tuy nhiên, để làm được điều này, việc Nga và Mỹ từ bỏ vũ khí hạt nhân là chưa đủ, mà các nước khác cũng cần noi theo tấm gương của hai quốc gia này".
Ông Patrushev cho biết trong lịch sử nước Nga hiện đại, đây sẽ là Học thuyết quân sự thứ ba. Những văn kiện trước được công bố năm 1993 và năm 2000, và cho đến nay vẫn được áp dụng. Học thuyết quân sự mới ra đời trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi. Thí dụ, nếu năm 1993 xuất phát từ chỗ loại trừ xung đột quân sự, thì diễn biến tình hình thế giới tiếp sau đó đã chỉ ra rằng xung đột quân sự là có thể và thậm chí trên qui mô lớn.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Patrushev đặc biệt nhấn mạnh rằng cũng như những sửa đổi đưa vào Luật “Về Quốc phòng”, đã được thông qua hồi tháng mười vừa qua, cho phép sử dụng lực lượng vũ trang phản ứng nhanh của Nga ở bên ngoài biên giới đất nước, văn bản Học thuyết quân sự mới của Nga là hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc./.
TG