Chủ Nhật, 22/9/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 16/12/2012 11:15'(GMT+7)

Diễn đàn Hiệu trưởng bốn trường đại học danh tiếng Đông Á

 

Trong phiên khai mạc sáng 14-12, lần lượt GS OH Yeon Cheon - Hiệu trưởng Đại học Seoul; GS HANEDA Mashasi - Phó Hiệu trưởng Đại học Tokyo; GS Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội; Viện sĩ Chu Kỳ Phượng - Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, đã có những tham luận quan trọng khẳng định ý nghĩa to lớn của Diễn đàn hợp tác và phát triển và thực sự là cơ hội để bốn trường trao đổi về tác động của khoa học và công nghệ đến xã hội con người trong bối cảnh xu thế phát triển khoa học công nghệ lan rộng trong phạm vi toàn cầu, cũng như vai trò của trường đại học trong tiến trình đó.

Viện sĩ Chu Kỳ Phượng - Hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh, cho rằng: Trong điều kiện lịch sử mà thế giới đa cực hóa, kinh tế toàn cầu hóa, trước mắt, các trường đại học lớn trong khu vực Đông Á phải gánh vác sứ mệnh lịch sử phát huy tinh thần khoa học trong toàn xã hội.

Chính bởi sự phát triển khoa học công nghệ có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc sống, vì vậy mỗi công dân đều mong muốn biểu đạt quan điểm cá nhân. Là những nhà quản lý đại học, chúng ta không thể dùng con mắt của chủ nghĩa duy khoa học để tư duy vấn đề, cho rằng không có sự hiểu biết sâu sắc về khoa học thì không có quyền phát ngôn. Điều nên làm là kích thích sự nhiệt tình tham gia khoa học của công chúng, dẫn dắt xã hội đi theo một phương hướng tiến bộ tích cực. Để trở thành một công dân có trách nhiệm của xã hội hiện đại, có thể không có đủ kiến thức về khoa học, nhưng không thể thiếu tinh thần khoa học. Trường đại học sở dĩ được tôn sùng, trên một góc độ nào đó là bởi thành viên của nó là những người dẫn đường tinh thần khoa học toàn xã hội.

Sau tham luận của Hiệu trưởng Trường Đại học Bắc Kinh, GS OH Yeon Cheon - Hiệu trưởng Đại học Seoul, GS HANEDA Mashasi - Phó Hiệu trưởng Đại học Tokyo và GS. Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội đều đã trình bày những nhận xét rất sâu sắc về chủ đề của diễn đàn, đồng thời nhấn mạnh, tác động của khoa học và công nghệ đối với điều kiện sống của con người và sự phát triển xã hội từ góc độ quốc gia, lịch sử, đại học và nghiên cứu khoa học trong các ngành học. Các tham luận đều cho thấy vai trò quan trọng của khoa học công nghệ đối với việc nâng cao sức mạnh quốc gia, ảnh hưởng quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển xã hội; cũng như vai trò của đại học trong quá trình đó, và những suy nghĩ sâu sắc về hàm nghĩa của từ “phát triển”.

Theo GS Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội: Đông Á là một khu vực có truyền thống văn hóa - văn minh lâu đời và có nhiều giá trị nhân văn có thể khai thác để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Diễn đàn thực sự là nhịp cầu kết nối cho mỗi đại học và giá trị của các đại học ấy lại được nhân lên trong ý tưởng chung. Để sự liên kết này thực sự có hiệu quả, giám đốc và các cấp quản lý của bốn đại học luôn có ý thức tạo điều kiện cho các hoạt động có tính chất chuyên môn của các nhà khoa học và các đơn vị thành viên trong các quan hệ hợp tác song phương và đa phương.

Diễn đàn lần thứ 14 này có chủ đề là “Ảnh hưởng của khoa học và công nghệ đến sự phát triển và điều kiện sống của con người”, chia thành ba tiểu ban chuyên môn riêng, bàn về các vấn đề đặt ra cho quản lý giáo dục đại học hiện nay, đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong, dẫn dắt của mỗi đại học đến với sự phát triển của khoa học, giáo dục và phồn vinh của mỗi quốc gia, đồng thời phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa Đông Á trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ngoài phiên họp chính thức cũng có ba diễn đàn phụ là “Cơ chế trao đổi dữ liệu giữa các trường đại học”, “Biểu hiện của sự phát triển khoa học công nghệ trong giáo dục tổng quát” và “Sách giáo khoa về các văn bản cổ điển trong giáo dục tổng quát”. Những thông tin về việc xây dựng cơ chế trao đổi các dữ liệu cơ sở giữa các trường đại học khu vực Đông Á nhằm đặt nền tảng cho sự hợp tác và phối hợp giữa các trường đại học hàng đầu châu Á, cũng như đi sâu trao đổi về hai vấn đề thường được nghiên cứu và thảo luận trong diễn đàn này là thúc đẩy giáo dục tổng quát và giáo dục về các văn bản kinh điển đã được các nhà khoa học trao đổi cặn kẽ.

Cũng trong dịp này, đại diện bốn trường đại học đã ký kết “Bản ghi nhớ về đổi mới Hiệp định Diễn đàn Hiệu trưởng bốn trường đại học khu vực Đông Á”, thêm một lần nữa khẳng định đây là một diễn đàn của học thuật, khoa học và phát triển.

Diễn đàn của Giám đốc bốn đại học kết hợp với các hội thảo khoa học chuyên đề - BESETOHA - cụm từ viết tắt hai chữ cái đầu trong tên bằng tiếng Anh của bốn đại học thành viên của diễn đàn (Bejing, Seoul, Tokyo và Hanoi) đã trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo, quản lý có dịp gặp gỡ nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm để đưa ra những sáng kiến chung, thúc đẩy sự phát triển của mỗi trường. Đồng thời cũng là dịp để các học giả thảo luận về các vấn đề lớn và có ý nghĩa với giáo dục đại học như: đa dạng hóa văn hóa, phát triển bền vững, vai trò của giáo dục đại học… Hình thức hoạt động này đã đem lại những hiệu quả tích cực cho từng đại học và giá trị của từng đại học ấy lại được nhân lên trong ý tưởng chung: xây dựng và bảo vệ giá trị truyền thống văn hóa - văn minh của khu vực Đông Á và khai thác hiệu quả những giá trị văn hóa - văn minh, để có những đóng góp tích cực cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong thời đại hiện nay.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất