Từ thế kỷ thứ 13 đến nay, cụm từ Hội nghị Diên Hồng đã được dân ta dùng như “thành ngữ” nói về tinh thần đại đoàn kết phát huy ý chí toàn dân tộc của Việt Nam. Gần chục thế kỷ trôi qua với bao biến cố lịch sử, Hội nghị Diên Hồng đã có hàng trăm hội nghị Diên Hồng khác thuộc các thế hệ sau phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách đang đặt ra để bảo vệ và xây dựng đất nước.
Diên Hồng văn hóa - tên lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, diễn ra trong 2 ngày 18 và 19-4-2009 tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Sơn Tây) đủ nói lên tinh thần của lễ hội này. Bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em sẽ trình diễn tại “sân khấu” mở hình chữ S (gồm đồi, bãi, suối… rộng gần 5.000m2).
Ngay khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh giao nhiệm vụ, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã cùng ban lãnh đạo Làng văn hóa du lịch các dân tộc khảo sát địa hình để viết kịch bản và thiết kế “sân khấu” lễ hội.
Không giống các lễ hội văn hóa trước, kịch bản tổng thể và chi tiết Diên Hồng văn hóa đều phân cảnh, sắp đặt các dân tộc theo địa lý thực tế. Tận dụng địa hình của nơi diễn ra lễ hội, tác giả kịch bản tận dụng luôn không gian thiên nhiên làm sân khấu. Tinh hoa văn hóa mỗi dân tộc sẽ được thể hiện bằng các điệu dân ca dân vũ, các nét sinh hoạt đời thường, nét trang phục đặc trưng, các nghề truyền thống của vùng miền...
|
Phác thảo sân khấu "Diên Hồng văn hóa". |
Trưởng ban quản lý Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam Hồ Anh Tuấn cho biết: “Số lượng nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên tham gia có thể lên tới 1.500 người. Ban tổ chức đã chuẩn bị sẵn sàng chỗ ăn, nghỉ cho các nghệ nhân và diễn viên tại các địa điểm xung quanh làng văn hóa từ 3 - 5km”.
Để phục vụ nhu cầu của du khách tham dự các hoạt động trong 2 ngày 18 và 19-4, Ban tổ chức đã hợp đồng với Công ty Vận tải Hà Nội mở các tuyến xe khách từ các bến Kim Mã và Mỹ Đình đến Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam mỗi giờ một chuyến. |
Đặc biệt, tác giả dụng ý hết sức tiết kiệm chi phí nên cách trình diễn cũng hoàn toàn như đời thực.
Theo kịch bản, ví dụ như cột mốc cực Bắc là Lũng Cú có ngọn đuốc sáng soi đường cho bà con dân tộc dắt ngựa xuống núi đi chợ, hát múa, ăn uống bên chảo thắng cố... Tây Bắc, Việt Bắc có múa sạp, thổi khèn, hát then, hát lượn...; phía Đông có ngọn hải đăng tỏa sáng và hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa nổi bật; miền Trung có cố đô Huế, có di sản Hội An, có miền đất võ, có nghệ thuật tuồng...; miền Nam có rừng dừa xanh, có đờn ca tài tử, có những chiếc ghe, chiếc thuyền chở lúa, chở hoa quả trên kênh rạch...
Khi được hỏi về cảm hứng viết kịch bản Diên Hồng văn hóa, nhà văn Nguyễn Khắc Phục xúc động: “Tôi muốn truyền cảm hứng yêu nước tới mọi thế hệ bằng chính nền văn hóa của nước mình. Đất nước ta chưa giàu mạnh, nhưng từ ngàn xưa dân ta đã có truyền thống yêu nước và sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm bị đế quốc thực dân đô hộ, đồng bào mình vẫn sát cánh bên nhau, đoàn kết một lòng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Lễ hội này tôi muốn 54 dân tộc cùng mang tinh hoa văn hóa của mình ra mở hội trên dải đất Việt Nam anh hùng. Tôi đánh giá lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam có ý nghĩa như hội nghị Diên Hồng về văn hóa của thời kỳ mới. Chúng ta rất cần một Diên Hồng để tập hợp lực lượng xây dựng, củng cố và phát triển văn hóa trên cơ sở các hệ giá trị Việt Nam”.
Cuộc trình diễn văn hóa Việt Nam do nhạc sĩ Trọng Đài làm tổng đạo diễn. Nhạc sĩ Trọng Đài cho biết: “Thời lượng quá ít, chỉ có 65 phút để 54 dân tộc đều được thể hiện chi tiết. Tôi chú trọng đến các điểm nhấn của vùng văn hóa, múa sạp, có các chàng trai thổi khèn... thì khán giả biết ngay đó là Tây Bắc; nghệ nhân kể Khan trực tiếp bên nhà rông và trang phục một số dân tộc như Êđê, Ba Na, Gia Rai... thì biết ngay đó là Tây Nguyên. Tóm lại tôi muốn nhân dân được một bữa tiệc nghe, nhìn thỏa thích. Tự thân lễ hội mang tên Diên Hồng mọi hoạt động hướng vào chủ đề đoàn kết, biểu trưng sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam”.
Hiện nay hàng ngày tác giả cùng ban chỉ đạo lễ hội có mặt ở Đồng Mô kiểm tra, đôn đốc, động viên anh chị em nhân viên của Làng văn hóa du lịch trồng cọ, trồng tre, đắp cỏ... để kịp tiến độ thi công “sân khấu” thực tế.
Dù thời gian ít, nhà văn Nguyễn Khắc Phục hoàn thành kịch bản lễ hội và ca từ cho hợp xướng sau vài ngày vừa khảo sát vừa viết. Tiếp đó, nhạc sĩ Trọng Đài triển khai và hoàn thành bản hợp xướng 4 chương có tên “Việt Nam – Tổ quốc mến yêu” kịp dàn dựng. Bản hợp xướng sẽ đan xen trong suốt thời gian lễ hội giúp khán giả bám sát được các địa tầng văn hóa cả nước .
(Theo SGGP)