(TG) - Sáng ngày 8/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu đã có buổi làm việc với Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu (PC BR-VT) để nghe tình hình hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất kinh doanh, cung cấp điện trên địa bàn.
Báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc PC BR-VT cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành điện đã cung cấp đủ điện, an toàn phục vụ cho các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội trên địa bàn. Trong 9 tháng năm 2019, sản lượng điện tiêu thụ đạt 4.930,99 MWh, tăng 2,91% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 72,67% kế hoạch Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) giao.
PC BR-VT đã tổ chức thực hiện tiết kiệm được 78,06 triệu kWh trong 9 tháng qua, tương đương 1,58% sản lượng điện thương phẩm, tăng 0,08% so với kế hoạch EVNSPC giao. Năm 2019, EVNSPC giao kế hoạch lắp đặt năng lượng mặt trời mái nhà 4.500kWp, từ đầu năm đến nay khách hàng trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt năng lượng mặt trời áp mái đạt tổng công suất 7.912 kWp, đạt tỷ lệ 176% so kế hoạch.
Về đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn, ông Giáp cho biết, về công trình lưới phân phối, năm 2019, vốn EVNSPC giao là 60,2 tỷ đồng để thực hiện sửa chữa 18 công trình, trong đó có 12 công trình sửa chữa lưới điện, 1 công trình công xa và 5 công trình sửa chữa nguồn điện. Hiện nay các công trình đã thực hiện xong đang lập thủ tục nghiệm thu và quyết toán công trình, riêng công trình sửa chữa 2 máy phát ở nhà máy điện An Hội đang triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, ông Giáp thông tin tình hình cung cấp điện cho các khu nhà trọ trên địa bàn đang được đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng. Cụ thể, ngành điện đến nay đã cải tạo xây dựng mới lưới điện cấp điện ổn định và an toàn cho các khu nhà trọ thị xã Phú Mỹ năm 2019. Công trình có tổng mức đầu tư là 14,9 tỷ đồng, với khối lượng 1,96 km đường dây trung thế, 12,5 km đường dây hạ thế, 08 trạm biến áp với tổng công suất là 3.780 kVA. Cải tạo xây dựng mới lưới điện cấp điện ổn định và an toàn cho các khu nhà trọ 2 thành phố và 4 huyện trên địa bàn tỉnh, tổng mức đầu tư là 14,5 tỷ đồng, khối lượng 3,25 km đường dây trung thế, 8,3 km đường dây hạ thế, 10 trạm biến áp với tổng công suất là 3.200kVA trong năm nay.
Đối với công tác xóa điện kế câu phụ, năm 2019, PC BR-VT dự kiến thực hiện xóa 3.485 hộ câu phụ với tổng giá trị là 11,31 tỷ đồng. Tổ chức nâng cấp và phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp với tổng mức đầu tư 14,9 tỷ đồng để thực hiện 20,8 km đường dây trung thế, 6,3 km đường dây hạ thế, tổng công suất máy biến áp 1.900 kVA, cấp điện cho 968 hecta nuôi tôm công nghiệp ở khu vực huyện Xuyên Mộc, huyện Đất Đỏ. Dự án đầu tư lưới điện vùng lõm, có 2 công trình được đầu tư trong năm nay là xây dựng mới và cải tạo lưới điện cấp điện tại huyện Xuyên Mộc và huyện Đất Đỏ. Tổng mức đầu tư là 14,5 tỷ đồng, với khối lượng: 12,5 km đường dây trung thế 1 pha 9,60 km đường dây hạ thế, 20 trạm biến áp 75kVA với tổng công suất là 1.500 kVA. Xây dựng mới và cải tạo lưới điện cấp điện cho khu vực vùng lõm tại huyện Châu Đức, huyện Long Điền và thành phố Bà Rịa với 14,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng 16,5 km đường dây trung thế 1 pha, 8,5 km đường dây hạ thế, 24 trạm biến áp 75kVA với tổng công suất là 1.800 kVA. Dự án cấp điện trạm bơm tưới tiêu và trồng cây nông nghiệp: xây dựng mới, cải tạo lưới điện trung hạ thế và TBA khu vực huyện Châu Đức. Tổng mức đầu tư là 14,8 tỷ đồng, với khối lượng: 20,18 km đường dây trung thế, 20,2 km đường dây hạ thế, các trạm biến áp với tổng công suất là 2.520 kVA.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Minh Tuấn - Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh BR-VT đã đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp của ngành điện đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian gần đây. Để có nguồn điện ổn định để phục vụ cho nhu cầu kinh tế- xã hội, ông Tuấn đề nghị PC BR -VT tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện, nhất là các vùng lõm, nhiều hộ dân đang phải dùng điện câu phụ, đặc biệt là ở huyện Côn Đảo. Để nâng cao chất lượng cung cấp điện, dịch vụ khách hàng trong sử dụng điện ông Tuấn lưu ý, trong thời gian tới ngành điện cần tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới để giảm thiểu thời gian mất điện do bão dưỡng sửa chữa; áp dụng công nghệ thông tin trong khâu dịch vụ khách hàng, đào tạo đội ngũ cán bộ công nhân viên ngày càng chuyên nghiệp để mang lại nhiều sự tiện ích cho khách hàng. Đối với địa bàn Côn Đảo, hiện đang cấp điện chủ yếu bằng nguồn máy phát diesel, trong khi nhu cầu sử dụng điện ngày một tăng cao, ông Tuấn đề xuất ngành điện ngoài việc đầu tư thêm nguồn (máy phát) cho huyện Côn Đảo thì việc đầu tư nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió để thúc đẩy kinh tế du lịch vốn đang tăng trưởng rất mạnh tại đây và góp phần giảm thiểu ô nhiểm môi trường cho Côn Đảo.
Vĩnh Hoàng