Thứ Tư, 3/4/2013 20:58'(GMT+7)
Điều chỉnh chính sách phù hợp sẽ nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế
Sáng 3/4, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem)
tổ chức hội thảo “Báo cáo đánh giá 5 năm tác động của việc gia nhập WTO
đối với nền kinh tế Việt Nam” nhằm lấy ý kiến để đề xuất, điều chỉnh
chính sách một cách phù hợp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hội nhập
kinh tế quốc tế (HNKTQT) Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Chí Thành, Phó Viện trưởng Viện
Nghiên cứu kinh tế Trung ương (Ciem) cho biết, sau thời gian gia nhập
WTO, Việt Nam đã xác định các nhóm ngành có khả năng chịu ảnh hưởng lớn
nhất, cả tích cực và tiêu cực. Báo cáo là nền tảng cho dự thảo Nghị
quyết cho HTKTQT tiếp theo. TS Võ Chí Thành hy vọng, trong thời gian
tới, HNKTQT của Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả hơn và những
chính sách của Chính phủ sẽ phù hợp hơn.
Các
chuyên gia kinh tế cho biết, trong bối cảnh mới, việc đánh giá tác động
gia nhập WTO đối với nền kinh tế Việt Nam là cần thiết. Thời gian
qua, việc bóc tách tác động của việc gia nhập WTO với các tác động của
việc thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại tự do đã ký kết,
tác động của các thị trường thế giới, nhất là trong hệ bối cảnh hệ thống
dữ liệu còn chưa đầy đủ, không đồng bộ và thiếu nhất quán.
Để nâng cao hiệu quả trong thời gian tới, các khuyến nghị
đã được các chuyên gia kinh tế đưa ra là: cần tiếp tục cải cách hành
chính theo chiều sâu để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; bảo đảm ổn
định kinh tế vĩ mô; thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô một cách đồng
bộ, nhất quán, linh hoạt, với mục tiêu hợp lý và công cụ chính sách phù
hợp trong từng thời kỳ dựa trên thông tin phân tích và dự báo chính
xác, có căn cứ khoa học.
Bên cạnh đó, cần
tạo đột phá trong việc tăng cường năng lực thể chế về HNKTQT. Theo đó,
các Bộ, ngành cần sớm xây dựng Chiến lược HNKTQT và Chiến lược đàm phán
các hiệp định khu vực thương mại tự do làm định hướng cho việc đàm phán
và thực thi các cam kết HNKTQT và các hiệp định khu vực thương mại tự
do.
Ngoài ra, các Bộ, ngành cần rà
soát, loại bỏ mọi chồng chéo, trùng lặp; tăng cường vai trò và hoàn
thiện một cách căn bản thể chế chỉ đạo, tổ chức, quản lý, điều phối,
thực thi và giám sát thực hiện các hoạt động HNKTQT từ Trung ương đến
địa phương; đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống
pháp luật, chính sách, quy hoạch, chiến lược phát triển; hỗ trợ DN về
pháp luật HNKTQT, về giải quyết tranh chấp trong quan hệ thương mại quốc
tế, cải cách tư pháp theo hướng tiếp cận dần với thông lệ quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như:
đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO; đánh giá
tình hình thương mại quốc tế và trong nước sau 5 năm gia nhập WTO; đánh
giá tình hình đầu tư sau 5 năm gia nhập WTO; đánh giá tình hình việc
làm, thu nhập, thất nghiệp, giảm nghèo, an sinh xã hội của Việt Nam sau 5
năm gia nhập WTO.../.
Thúy Hiền/TTXVN