Thứ Bảy, 5/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Sáu, 5/12/2008 21:48'(GMT+7)

Điều chỉnh cước ĐTCĐ: Gọi càng nhiều càng lỗ!

Sắp tới, cước thuê bao cố định giảm nhưng giá cước tăng

Sắp tới, cước thuê bao cố định giảm nhưng giá cước tăng

Ba thành phố lớn: lỗ!

Theo cách tính hiện nay (đều chưa tính VAT) thì các cuộc gọi của thuê bao cố định trong phạm vi Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng được áp dụng mức cước là 120 đồng/phút cho 200 phút đầu tiên, 80 đồng/phút cho phút từ 201 đến 1.000 và 40 đồng/phút cho phút thứ 1.001 trở đi. Mức cước này gọi là “cước nội hạt”. Cước thuê bao hàng tháng là 27.000 đồng.

Cụ thể, một thuê bao ở huyện Bình Chánh trong một tháng chỉ gọi cho các thuê bao tại TP.HCM với tổng thời lượng là 200 phút thì mức cước là 51.000 đồng (= 27.000 đồng tiền thuê bao + 24.000 đồng cước phát sinh). Nếu thuê bao này gọi đến 1.300 phút/tháng thì tiền cước sẽ là 127.000 đồng (= 27.000 đồng thuê bao + 100.000 đồng cước phát sinh).

Theo cách tính mới từ ngày 1-1-2009 thì tiền thuê bao giảm còn 20.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, tiền cước phát sinh sẽ tăng vọt vì mức cước mới là 200 đồng/phút. Tương ứng với trường hợp thuê bao ở huyện Bình Chánh nói trên, nếu thời lượng gọi trong tháng là 200 phút thì tiền cước đến 60.000 đồng (= 20.000 đồng thuê bao + 40.000 đồng cước phát sinh), nhiều hơn cách tính hiện nay 9.000 đồng. Nếu thuê bao này gọi đến 1.300 phút thì cước sẽ là 280.000 đồng (= 20.000 đồng thuê bao + 260.000 đồng cước phát sinh), hơn gấp đôi so với cách tính hiện nay!

Tính ra, với ba thành phố trên, chỉ những thuê bao nào hiện có thời gian gọi (gọi trong nội thành) dưới 90 phút thì từ 1-1-2009 mới có lời với cách tính mới. Còn thuê bao có thời lượng gọi nhiều hơn mức này thì cứ mỗi phút bị lỗ 80 đồng đến 160 đồng!

Tính ra, gọi dưới 90 phút/tháng thì mới có lợi với cách tính mới!

Các vùng khác: có thể có lời

Trong khi đó, thuê bao tại các tỉnh khác thì có thể có lợi hơn khi áp dụng cách tính cước mới. Hiện nay, trong cùng một tỉnh thì chỉ có thuê bao ở cùng huyện gọi nhau mới được hưởng mức cước “nội hạt” (120 đồng/phút cho 200 phút đầu tiên...). Nếu thuê bao ở huyện này gọi cho thuê bao ở huyện khác, dù trong cùng một tỉnh thì vẫn bị tính ít nhất là 400 đồng/phút!

Ví dụ cụ thể, hiện nay, một thuê bao điện thoại cố định ở huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) gọi cho một thuê bao cũng ở huyện này thì được tính 120 đồng/phút nhưng gọi cho thuê bao khác ở huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) thì bị tính 450 đồng/phút. Trong khi đó, nếu thuê bao này gọi đi Cà Mau thì cước liên tỉnh trọn một phút cũng chỉ đến khoảng 1.000 đồng mà thôi!

Theo cách tính cước mới thì dù thuê bao này gọi trong cùng một huyện hay gọi cho huyện khác trong tỉnh mình thì đều được tính “đồng giá” là 200 đồng/phút.

Cách tính mới sẽ giúp các thuê bao khác huyện nhưng trong cùng một tỉnh giảm mạnh tiền cước. Tuy nhiên, với những thuê bao thường chỉ gọi trong phạm vi huyện thì cũng sẽ chịu tình trạng gọi càng nhiều càng lỗ như đã phân tích đối với các thuê bao ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Tính đến hết năm ngoái thì Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm đến 78,6% thị phần thuê bao điện thoại cố định, Công ty Thông tin viễn thông Điện lực (EVN) chiếm 15,4%, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) chiếm 4,8% và Công ty cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) chiếm 1,3%.

Các doanh nghiệp hiện thu cước trên cơ sở giá cước do Tổng cục Bưu điện đưa ra từ năm 2000 và từ 1-1-2009 cũng thu theo mức cước mới. Tuy nhiên, từ 1-1-2011, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đưa ra khung giá hoặc chỉ số giá trần. Dựa vào đó, các doanh nghiệp có quyền tự đưa ra mức giá của mình để cạnh tranh thu hút khách hàng.

(Theo Tin tuc Online)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất