Câu hỏi này dường như đã không còn mới nhưng nó vẫn rất cần được đặt ra ở thời điểm này khi ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam nói chung và ngành Công nghiệp phần mềm và nội dung số nói riêng đang tìm cho mình những chính sách, hướng đi, những mục tiêu cụ thể nhằm thu hút đầu tư và nguồn nhân lực phục vụ chính sự phát triển của ngành.
Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên sự thành công khi phát triển ngành công nghiệp phần mềm song theo quan điểm mà tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam chia sẻ tại Hội thảo Quốc gia về Công nghiệp CNTT vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội thì, chính sách thu hút và sử dụng nguồn nhân lực ở trình độ cao nếu thành công có thể giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách với nền CNTT thế giới chỉ trong một thời gian ngắn, bên cạnh các nỗ lực đào tạo một lượng rất lớn nhân lực CNTT để làm gia công xuất khẩu phần mềm.
Từ những bài học quốc tế
Kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực như Ấn Độ, Singapore cho thấy, để phát triển thành công CNTT, họ đã biết hướng các doanh nghiệp của mình vào mục đích nghiên cứu và xuất khẩu, tập trung vào các thị trường trọng điểm như Mỹ, Nhật, Châu Âu và gần đây là Trung Quốc. Thành công phát triển CNTT phụ thuộc vào hai nhân tố chính đó là doanh nghiệp và chính phủ. Trong đó chính phủ phải có những chính sách phù hợp với xu thế của thị trường và xác định chiến lược kinh doanh chính xác và rõ ràng cho từng doanh nghiệp. Phải có chính sách lôi kéo, thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia, xây dựng được liên kết chùm doanh nghiệp hợp lý.
Chẳng hạn như Ấn Độ. Nền Công nghiệp phần mềm của Ấn đã được hình thành từ đầu năm 1970, nhưng thực tế chỉ mới bắt đầu phát triển từ nửa cuối thập niên 1980, đầu những năm 1990. Chỉ sau gần 20 năm, Ấn Độ đã trở thành một trong những cường quốc sản xuất và cung cấp dịch vụ phần mềm lớn nhất thế giới.
Nếu như vào năm 1981, ngành công nghiệp phần mềm của Ấn Độ mới chỉ đạt 15 triệu USD thì tới 2001, con số đó là 5 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này. Năm 2003, doanh số này là gần 17 tỷ USD. Ấn Độ đã xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ phần mềm của mình ra trên 100 quốc gia trong đó thị trường chính là Bắc Mỹ và Canada, Châu Âu, Đông Nam Á, Nhật Bản...
Để đạt được thành công này, Ấn Độ đã rất chú trọng tới chính sách đào tạo và thu hút nhân lực làm phần mềm. Với nỗ lực của cả hai phía nhà nước và doanh nghiệp, Ấn Độ đã biến tiềm năng của mình thành hiện thực, tìm được chỗ đứng cho mình trong một ngành công nghiệp quan trọng của thế kỷ 21.
Với Singapore, thành công lớn nhất của họ là đã xây dựng nền CNTT hầu như từ con số không. Chỉ trong vòng 15 năm, năm 1981 Singapore còn "chưa biết gì" về CNTT, năm 1995 đã đạt doanh thu tới 19 tỷ USD trong đó công nghiệp phần mềm chiếm gần 40%. Chính phủ Singapore đã hỗ trợ phát triển CNTT bằng hai giải pháp đó là kích cầu và thu hút đầu tư nước ngoài (tập trung vào sản xuất ổ cứng và các thiết bị ngoại vi của máy tính). Singapore nhận định rằng, do những hạn chế về kỹ thuật, con người và công nghệ, nền sản xuất kinh doanh CNTT chỉ có thể phát triển nếu lôi kéo được các dự án đầu tư lớn của các công ty xuyên quốc gia của Mỹ...
Còn Việt Nam: bao giờ có đột phá?
Cho tới thời điểm này, cần phải thừa nhận, mục tiêu phát triển ngành Công nghiệp phần mềm của Việt Nam giai đoạn 2000-2005 đạt doanh số 500 triệu USD phần mềm đã không hoàn thành. Theo những số liệu thống kê lạc quan nhất, tới cuối năm 2007, doanh số ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam mới đạt con số khoảng 500 triệu USD. Như vậy mục tiêu trên đã đạt được chậm hơn dự kiến tới 2 năm.
Trong khi đó, bước sang năm 2008, vào 6 tháng cuối năm này, nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ suy thoái trầm trọng, nền kinh tế của Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn về xuất khẩu, về nguồn thu ngân sách, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng chậm lại. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam - tiến sĩ Hoàng Lê Minh nhận định.
Vậy làm thế nào để có thể cải thiện được tình hình này?
Cho rằng không nên chờ đợi để tìm ra một câu trả lời quá hoàn hảo cho mọi vấn đề trong tìm kiếm chiến lược phát triển ngành công nghiệp CNTT của Việt Nam, theo tiến sĩ Hoàng Lê Minh, Việt Nam cần phải hành động ngay để tránh mất cơ hội phát triển của ngành. Đã đến lúc Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan quản lý về mặt nhà nước trong lĩnh vực này phải có những tuyên bố rõ ràng và mạnh mẽ về một lộ trình phát triển công nghiệp CNTT, trong đó có công nghiệp phần mềm và nội dung số cho Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghiên cứu đặc thù của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam cho thấy ngành rất cần một cơ chế chính sách liên quan đến đầu tư tài chính và phát triển nguồn nhân lực rõ ràng, cụ thể. Đặc biệt là vấn đề phát triển nguồn nhân lực. Ngoài nguồn nhân lực ta có được thông qua hệ thống đào tạo trong nước, cần phát triển nguồn nhân lực thông qua thu hút chuyên gia giỏi như nhân lực Việt kiều về tham gia xây dựng đất nước...
"Bài toán thu hút và sử dụng nguồn nhân lực ở trình độ cao nếu tìm được lời giải hợp lý sẽ giúp Việt Nam rút ngắn được khoảng cách với nền CNTT thế giới chỉ trong một thời gian ngắn, bên cạnh các nỗ lực đào tạo một số lượng lớn nhân lực CNTT để làm gia công xuất khẩu phần mềm" - tiến sĩ Hoàng Lê Minh lạc quan nhận định.
(Theo VnMedia)