Thứ Năm, 10/10/2024
Y tế - Dân số
Thứ Năm, 23/11/2023 16:19'(GMT+7)

Định danh nguồn gốc xuất xứ, xây dựng sàn thương mại điện tử, để tìm đầu ra cho cây dược liệu tại Quảng Nam

Quảng Nam hiện là một trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước, giá trị nhất là quốc bảo sâm ngọc Linh. (ảnh minh họa)

Quảng Nam hiện là một trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước, giá trị nhất là quốc bảo sâm ngọc Linh. (ảnh minh họa)

Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nguồn tài nguyên thực vật phong phú, đa dạng, có tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng; đa dạng về chủng loại với 832 loài, thuộc 593 chi, 190 họ, trong đó một số cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng nhiều trong lĩnh vực y học, phục vụ nhu cầu đời sống, chăm sóc sức khỏe như: sâm Ngọc Linh, quế Trà My, ba kích, đảng sâm, sa nhân, giảo cổ lam…

Chính vì vậy, để phát huy tiềm năng, lợi thế của khu vực miền núi, bên cạnh các chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết về quy hoạch, cơ chế hỗ trợ, thu hút và khuyến khích tạo cơ sở pháp lý, nguồn lực để các tổ chức, đơn vị và cá nhân tham gia bảo tồn, phát triển các loài cây dược liệu.

Các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây dược liệu là cần thiết, tuy nhiên cần phải giải quyết được vấn đề đầu ra cho cây dược liệu, đây mới là giải pháp quan trọng, mang tính bền vững. Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam đã tập trung hỗ trợ bảo tồn, phát triển, tập trung định danh nguồn gốc, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc dược liệu và xây dựng sàn thương mại điện tử để tìm đầu ra cho thị trường cây dược liệu. Bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, trước thị trường đầu ra cho cây dược liệu còn bấp bênh, không ổn định, chủ yếu tiêu thụ dưới dạng thô thông qua thương lái, các điểm thu mua nhỏ, lẻ; thời gian trồng dược liệu dài, tốn nhiều chi phí chăm sóc, công sức bảo vệ nên chưa khuyến khích, thu hút nhiều người dân tham gia đang là nút thắt cho mục tiêu phát triển cây dược liệu tại địa phương.

 

Bên cạnh đó, mặc dù Quảng Nam đã ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, song doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà, do suất đầu tư lớn, hệ thống hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, vận chuyển khó khăn, thiếu kết nối liên vùng…; thủ tục, hồ sơ thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phải thông qua nhiều cơ quan, nhiều cấp, nhiều khâu. Tuy nhiên đến nay, số lượng doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến cây dược liệu vẫn còn hạn chế.

Việc phát triển cây dược liệu cần phải có quy hoạch chặt chẽ, không nên thực hiện đại trà mà phải phù hợp với đặc điểm, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, vùng, có giá trị và lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, tiêu thụ tránh tình trạng phát triển tràn lan, được mùa mất giá. Cần có cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với các tổ chức, doanh nghiệp khi xây dựng các điểm thu mua, nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu, liên kết sản xuất với người dân và cam kết thu mua sản phẩm dược liệu sau khi thu hoạch để giải quyết tốt vấn đề đầu ra của sản phẩm gắn với thị trường.

Dự kiến, đến năm 2030 Quảng Nam quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu đạt hơn 64 nghìn ha và ban hành danh mục 30 loại cây dược liệu ưu tiên phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng sẽ nâng tầm ngành công nghiệp dược liệu bằng việc hình thành, hoàn thiện tổ chức các sản phẩm theo chuỗi cho 9 loài dược liệu. Hệ thống các nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu sẽ được phát triển tại các vùng sinh thái tập trung.

Sau năm 2025, Quảng Nam cũng hình thành một nhà máy chiết xuất dược liệu. Sớm hoàn thành đầu tư và đưa vào sản xuất nhà máy sản xuất dược phẩm tại Cụm công nghiệp Đại An (Đại Lộc) với số vốn khoảng 145 tỷ đồng.

Theo quy hoạch dự kiến, Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng tại huyện Nam Trà My 1 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia. Cạnh đó xây dựng trung tâm kiểm nghiệm, phân tích dược liệu để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Từ nền tảng này sẽ dần hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu ở Quảng Nam với các sản phẩm chính như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm tiêu dùng…

Bên cạnh phát triển cây dược liệu trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã chọn hướng đi tập trung, chủ lực cho cây sâm Ngọc Linh thông qua Đề án phát triển sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) đến năm 2030 của UBND tỉnh Quảng Nam. Theo đề án, địa phương sẽ gắn việc sản xuất sâm Ngọc Linh với việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững tại địa phương, phát huy bản sắc, văn hóa bản địa tại địa phương.

Mục tiêu là phát triển sản xuất và chế biến sâm Ngọc Linh trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển đời sống kinh tế - xã hội cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc miền núi; Triển khai một cách đồng bộ từ việc tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ; Góp phần khắc phục tình trạng phát triển sản xuất sâm Ngọc Linh một cách nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết trong công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là đảm bảo định danh, nguồn gốc xuất xứ của cây sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam.

Từ cách làm này, hiện Quảng Nam đã thu hút từ 100 - 150 tổ chức đầu tư, phát triển sản xuất sâm giống; trồng phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh. Xây dựng bảo tàng sâm Việt Nam tại xã Trà Linh nhằm giúp du khách thăm quan, tìm hiểu về sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh đó, Quảng Nam đã đầu tư xây dựng sàn thương mại điện tử sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản trên địa bàn nhằm giới thiệu, quảng bá và giao sản phẩm đến tay khách hàng trên cơ sở giám sát và quản lý bởi các cơ quan chuyên môn của Nhà nước, được cam kết về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của từng sản phẩm.

Quảng Nam cũng đã lên kế hoạch tổ chức giới thiệu “Văn hóa sâm” tại quận Hamyang - Hàn Quốc; đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh đi trưng bày tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc để quảng bá, giới thiệu với du khách quốc tế. Đặc biệt là mở Trung tâm giao dịch sâm Ngọc Linh tại Hàn Quốc - thủ phủ sâm ở khu vực châu Á.

 

Mục tiêu đến năm 2030, tổng sản lượng sâm Ngọc Linh đạt khoảng 100 tấn sâm củ từ 5 năm tuổi trở lên/năm (diện tích khai thác khoảng 300 - 350 ha/năm). Phấn đấu 100% diện tích trồng sâm Ngọc Linh đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất hướng theo tiêu chuẩn của GACP - WHO.

Nhận thức được vấn đề truy xuất nguồn gốc dược liệu, Quảng Nam đã đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể từ sâm Ngọc Linh tại các nước dự kiến xuất khẩu và từng bước đưa sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế.

Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 có nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.

Năm nay, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tổ chức Hội chợ Dược liệu y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ II vào tháng 12/2023. Đây sẽ là nơi trưng bày các sản phẩm dược liệu, nguồn dược liệu quý hiếm và là cầu nối giữa doanh nghiệp và các địa phương để tìm hướng phát triển cho dược liệu. 

Đến nay, diện tích hỗ trợ trồng đảng sâm, ba kích tím, sa nhân tím của người dân đạt hơn 425,88ha, bằng 101,4% kế hoạch, kinh phí đã giải ngân gần 11,961 tỷ đồng; xây dựng 4 khu vực trồng bảo tồn chủ động, kết hợp sản xuất 3 loại cây đảng sâm, ba kích tím, sa nhân tím với diện tích 25ha; hỗ trợ 12.900 cây giống sâm Ngọc Linh cho người dân huyện Nam Trà My; gieo ươm hơn 1.230.000 cây quế Trà My; hỗ trợ bảo tồn, phát triển cây quế Trà My với tổng kinh phí 3,374 tỷ đồng. Việc khai thác cây dược liệu đã góp phần tạo thu nhập ổn định, cải thiện sinh kế cho người dân.

Thanh Thủy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất