Những định hướng chính
1. Cần bám sát thực tiễn mới của VHNT Việt Nam, đặc biệt từ đổi mới
đến nay, nhận định, đánh giá tình hình biến động, phát triển của nó, cố
gắng tổng kết thực tiễn làm cơ sở cho nghiên cứu những vấn đề lý luận
văn nghệ. Trong đó, chú trọng phân tích đặc điểm mới, nội dung mới và
sự xuất hiện các khuynh hướng, các trào lưu mới (nếu có); quan tâm đến
sự biến đổi của các loại hình VHNT truyền thống trong điều kiện mới,
những thách thức mới và vị trí, vai trò của nó như thế nào trong xã hội
hiện đại.
2. Phân tích, làm rõ thực trạng phát triển, biến đổi của lý luận VHNT
từ đổi mới (năm 1986) đến nay (có so sánh với các giai đoạn trước đổi
mới). Cần đánh giá đúng thành tựu và làm rõ những hạn chế; phân tích,
làm rõ những vấn đề lớn còn các ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược
nhau, những vấn đề còn "bỏ ngỏ", né tránh. Giới thiệu, phân tích sâu
sắc những học thuyết mới, cả tính tích cực lẫn tiêu cực, cả cái hữu
dụng lẫn cái cần phê phán, loại bỏ, nhằm loại bỏ sự mơ hồ về nhận thức
và lập trường.
3. Xác định những nhân tố tác động đến lý luận văn nghệ Việt Nam thời
kỳ giao lưu và hội nhập quốc tế. Ðó là sự hình thành và phát triển xã
hội hiện đại và hội nhập quốc tế - môi trường mới của văn hóa, VHNT; là
tác động của các trào lưu tư tưởng, lý luận đương đại vào đời sống văn
nghệ và lý luận văn nghệ; giao lưu văn hóa, toàn cầu hóa và những tác
động đa chiều, phức tạp của nó; tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học
- công nghệ.
4. Quan điểm định hướng của Ðảng về VHNT và vai trò của nó đối với sự phát triển của lý luận văn nghệ ở nước ta.
Cần đồng thời phê phán hai khuynh hướng: đối lập giữa hai lĩnh vực đó
hoặc coi quan điểm, đường lối văn nghệ của Ðảng đã là hệ thống lý luận
văn nghệ.
Xử lý biện chứng, khoa học mối quan hệ bên trong quá trình xây dựng
hệ thống lý luận VHNT Việt Nam. Làm sáng tỏ các quan điểm cơ bản và sự
phát triển tư duy lý luận về văn hóa, văn nghệ của Ðảng qua các thời
kỳ. Xác định tư tưởng triết học, mỹ học Mác - Lê-nin; đường lối văn
nghệ của Ðảng; tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, văn nghệ là cơ sở lý
luận và phương pháp luận nghiên cứu hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam.
Nhận định, nghiên cứu về những vấn đề đặt ra trong sự lãnh đạo, chỉ
đạo của Ðảng và quản lý nhà nước về VHNT.
5. Tiếp thu có chọn lọc và phát triển tư duy lý luận văn nghệ truyền thống trong lịch sử dân tộc.
Dự kiến những nội dung cơ bản trong hệ thống lý luận VHNT Việt Nam
Trong các nghị quyết của Ðảng, gần đây nhất là Nghị quyết trung ương
9, khóa XI, đều xác định việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt
Nam là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài; do đó cần phải
có từng bước đi thích hợp, cần thường xuyên được phát triển, hoàn
thiện. Vì vậy, các nội dung mà chúng tôi đề xuất dưới đây có thể coi
như những dự kiến ban đầu, sẽ được bổ sung, điều chỉnh trong quá trình
nghiên cứu.
Những vấn đề mà lý luận phải giải quyết một cách thấu đáo gồm:
1. Vấn đề bản chất của VHNT: Phải trả lời được những câu hỏi bản chất
xã hội của VHNT là gì; quan hệ cơ bản của chúng đối với đời sống xã
hội như thế nào. Từ việc xác định bản chất mà định ra phương pháp luận
nghiên cứu, phê bình.
2. Các thuộc tính của VHNT: Cần nêu và đi sâu phân tích các thuộc
tính của VHNT và quan niệm giữa chúng với nhau. Làm rõ những nhận định
mới về các thuộc tính của VHNT (tính dân tộc, tính người, tính nhân
loại...).
3. Ðặc trưng của VHNT: Phân tích, làm rõ đặc trưng của VHNT dựa trên
kết quả nghiên cứu mới, có độ tin cậy cao của khoa học hiện đại, mỹ học
đương đại; phân tích các đặc trưng chung của VHNT nhìn từ góc độ mỹ
học; phân tích các đặc trưng, đặc thù riêng biệt của từng loại hình
nghệ thuật (văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện
ảnh) (chú ý: nghệ thuật truyền thống); giới thiệu, phân tích đặc trưng
của các loại hình nghệ thuật mới.
4. Vấn đề chức năng của VHNT - Vai trò của VHNT trong xã hội hiện đại
và con người đương đại: Cùng với việc trình bày các quan niệm truyền
thống về chức năng của nghệ thuật; tính đa chức năng của nghệ thuật và
sự tác động tổng hợp của nó đối với con người; lý luận phải xác định rõ
nội hàm và quan hệ giữa các chức năng của văn học nghệ thuật như nhận
thức, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí, giao tiếp, dự báo, phản biện... và
một số đề xuất mới về chức năng của nghệ thuật; phân tích đặc thù tác
động của các chức năng trong các loại hình nghệ thuật khác nhau: Văn
học, nghệ thuật không gian, nghệ thuật thời gian, nghệ thuật tổng hợp.
5. Quá trình sáng tạo tác phẩm nghệ thuật. Các phương thức tồn tại,
truyền bá các tác phẩm VHNT trong xã hội hiện đại: Trong nội dung này,
ngoài việc đi sâu hơn các vấn đề mà lý luận truyền thống đã có thành
tựu như cá tính sáng tạo, quy luật, quá trình hình thành sáng tạo tác
phẩm...; còn cần đặt VHNT trong hệ thống thị trường và công nghiệp văn
hóa; nghiên cứu vai trò của Ðảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội đối
với sự phát triển VHNT (chỉ đạo, quản lý, hỗ trợ, bảo trợ, tài trợ, tổ
chức...); vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại.
6. Vấn đề các trào lưu và phương pháp sáng tác nghệ thuật: Cùng với
việc tổng kết các trào lưu và phương pháp sáng tác nghệ thuật trong
lịch sử nghiên cứu nghệ thuật; làm rõ vai trò của phương pháp sáng tác
hiện thực xã hội chủ nghĩa trong VHNT Việt Nam những năm qua, hiện nay
và tương lai; đồng thời ghi nhận, đánh giá sự phát triển đa dạng các
khuynh hướng, trào lưu sáng tác trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế; giới thiệu, đánh giá khái
quát những khuynh hướng hiện đại và vấn đề hậu hiện đại.
7. Tiếp nhận tác phẩm VHNT và vấn đề giáo dục thẩm mỹ trong xã hội
hiện đại. Trong phần này, cần làm rõ những nhận thức mới về vấn đề tiếp
nhận nghệ thuật; quan hệ biện chứng giữa nghệ thuật và xã hội hiện
đại; đặc điểm, sự biến đổi sâu sắc của công chúng nghệ thuật thời kỳ
hiện đại và vai trò của họ đối với VHNT; những yêu cầu mới và vấn đề
giáo dục thẩm mỹ, nâng cao năng lực, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng,
đặc biệt đối với thế hệ trẻ.
Những nội dung cơ bản mà chúng tôi nêu ra trên đây, có thể sẽ được
triển khai theo nhiều hướng khác nhau, bởi các tác giả và tổ chức khác
nhau.
Tất cả vì sự nghiệp phát triển của nền văn nghệ nước nhà. Và mỗi
người, mỗi lĩnh vực đều vì sự phát triển và phồn vinh của đất nước.