Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 4/8/2014 14:13'(GMT+7)

Sống lại một Hà Nội hào hoa trong bom đạn

Cảnh trong vở Những người con Hà Nội.

Cảnh trong vở Những người con Hà Nội.

Kịch bản của tác giả Phạm Văn Quý khi được trao vào tay của vị đạo diễn "lão làng" - NSND Doãn Hoàng Giang đã trở thành bản anh hùng ca hoành tráng ngay trên sân khấu, tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của những người con Hà Nội trong 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", mở đầu những ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp trong mùa đông năm 1946. Một đề tài không hề lạ song đã được vị đạo diễn tài năng ngấp nghé tuổi 80, bằng kinh nghiệm và sức sáng tạo, thổi vào đó một luồng sinh khí mới, với ý tưởng dù dựng vở về chiến tranh cũng vẫn phải lột tả đến tận cùng nét hào hoa, say đắm của người Hà Nội. Bởi đây không phải là cuộc chiến của một địa phương nào khác mà là của Hà Nội, trái tim của đất nước, nơi mà người ta vẫn gọi là "Thăng Long phi chiến địa". Làm thế nào để thể hiện được hết nét đẹp đó trong hoàn cảnh chiến tranh, ấy vừa là "đất" để đạo diễn, diễn viên thể hiện tài năng, lại vừa là thách thức không dễ vượt qua, nhất là khi thời điểm đó đã quá xa đối với thế hệ diễn viên hôm nay.

Ðiều này cũng giải thích tại sao NSND Doãn Hoàng Giang đã đầy tự tin khi đưa những thủ pháp điện ảnh lên sân khấu. Các sự việc, hành động nối tiếp nhau được dàn dựng một cách dồn dập, liên tục, không ngừng, đặc biệt hạn chế việc chuyển cảnh thường thấy như trong kịch. Người xem như bị cuốn vào một không khí khẩn trương, sục sôi của những ngày toàn quốc kháng chiến. Ngay từ đầu vở diễn, vẻ lãng mạn của người Hà Nội cũng như sự tàn khốc của chiến tranh đã được lột tả sống động trong phân cảnh đối lập giữa một bên là tiếng nhạc dìu dặt của khúc Thiên thai, với một bên là tiếng súng nổ vang trời. Nếu như không có chiến tranh, Hà Nội sẽ mãi thanh bình, lãng mạn như những bản Thiên thai, Suối mơ... Nhưng khi súng đạn vang lên, người Hà Nội sẽ tự biến sự lãng mạn ấy thành sức mạnh chiến đấu và niềm tự hào dân tộc. Mang tâm hồn phóng khoáng, hào hoa của người Hà thành, một cô gái làng hoa Ngọc Hà với gánh hoa của mình đã biến lũy chiến thành "lũy hoa". Vì yêu sự lãng mạn nên trong lúc phẫu thuật gắp đạn ra khỏi cánh tay, chịu bao đau đớn vì không có thuốc mê, người đội trưởng đội tự vệ vẫn muốn nghe người bạn thân hát trong tiếng đàn ghi-ta và cùng nhau ngân nga khúc Bến xuân. Việc sử dụng những ca khúc của cố nhạc sĩ Văn Cao, người vừa thành công với những ca khúc cách mạng, vừa ghi dấu ấn đậm nét với những bản tình ca chính là sự lựa chọn tinh tế khi góp phần làm toát lên vẻ đẹp vừa anh dũng, vừa lịch lãm, bay bổng của người Hà Nội.

Bên cạnh đó, vở diễn còn mang đến sự khác biệt lớn khi huy động tới lực lượng hùng hậu gần 100 nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội, nhưng không hề có nhân vật chính, có chăng chỉ là sự nhấn nhá hơn ở vài ba nhân vật. Những người con Hà Nội, họ có thể là một anh kỹ sư xây dựng, một cô nữ sinh Hà thành, một bác sĩ trí thức, một nhạc sĩ quán ba, một võ sĩ đấm bốc, một cô gái bán hoa, hay một tay anh chị giang hồ, một ả đào... khi dấn thân vào cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô thân yêu, họ đều đứng chung một chiến tuyến, không phân biệt đẳng cấp sang hèn mà chỉ còn lại một tình yêu chung dành cho Hà Nội và vì Hà Nội. Ðối lập giữa một bộ phận nhút nhát, yếu hèn là thái độ nhập cuộc của phần lớn những người con Hà Nội quyết "sống mãi với Thủ đô". Vở diễn không đi sâu khai thác chuyện đời tư của bất kỳ nhân vật nào nhưng người ta vẫn thấy thấp thoáng trong đó những số phận, những cảnh đời. Ðó là thân phận của một người giúp việc sớm thành góa phụ phải đi làm giúp việc để nuôi con, một cô gái làng chơi đến khi ra chiến trường còn băn khoăn về những người chung quanh sẽ khinh rẻ mình, một giang hồ chợ Ðồng Xuân vốn chỉ quen ăn trộm, đánh đấm... Chính Cách mạng đã mang đến ánh sáng và cho họ hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Ðúng như chia sẻ của đạo diễn Doãn Hoàng Giang: "Người Hà Nội sẽ thấy tự hào về mình hơn qua tác phẩm".

Cận kề ranh giới giữa sự sống và cái chết, những người con Hà Nội vẫn không ngừng lãng mạn và mơ mộng và có lẽ đó là cái "chất" riêng của người Hà Nội đã được thể hiện thành công trong tác phẩm. Vở diễn không thay đổi nhiều bối cảnh sân khấu mà sử dụng nhiều đại cảnh, tuy vậy không hề làm loãng vở kịch mà trái lại còn tạo thêm nhiều hiệu ứng. Bối cảnh sân khấu xuyên suốt trong tác phẩm là cảnh những bức tường Hà Nội bị đục thủng và cắm đầy hoa, vừa đau thương vừa đầy chất thơ, tái hiện lại hình ảnh năm 1946, các ngôi nhà Hà Nội được đục thông sang nhau để dễ ẩn nấp, dễ di chuyển và chiến đấu. Trên phông lớn sau sân khấu, chữ "Ðộc lập - Tự do" lúc nào cũng được rọi đèn sáng rực giữa nền trời là hình ảnh đại diện cho khát vọng lớn lao, mạnh mẽ của người Hà Nội, cũng là của toàn thể người dân Việt Nam về một nền hòa bình, độc lập dân tộc.

Ðạo diễn Doãn Hoàng Giang chia sẻ: Khi cuộc chiến năm 1946 diễn ra ở Hà Nội, ông mới chỉ là cậu bé bảy, tám tuổi nhưng không khí sôi sục lúc đó chưa bao giờ ông quên. Không bài hát, không sự kiện nào khi đó mà ông không nhớ. Ðây là một vở diễn tái hiện lại chân thực một giai đoạn lịch sử, được thực hiện nhân kỷ niệm 60 năm Ngày giải phóng Thủ đô, nhưng lại được dàn dựng trong bối cảnh nhân dân cả nước đồng lòng quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ðó cũng là tình cảm, tâm thế của các diễn viên tham gia diễn xuất. Hoàn cảnh lịch sử có thể khác nhau nhưng lòng yêu nước là đồng nhất, là cảm hứng xuyên suốt để những diễn viên trẻ thể hiện thành công vai diễn của họ.

Theo Nhân dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất