Theo tiến sỹ Vũ Thị Vinh, dân số tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa
theo kịp đã khiến quá trình đô thị hóa trở thành một thách thức lớn
trong quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải, cung cấp điện, nước sạch,
xử lý môi trường, tiết kiệm năng lượng và tiêu dùng.
Từ nay đến năm 2030, 2035 đô thị hóa sẽ tiếp tục tăng trưởng, mỗi năm dự
báo tăng dân số đô thị thêm hơn 1 triệu người nhằm đáp ứng nhu cầu mở
rộng các ngành công nghiệp và dịch vụ (chủ yếu là dịch vụ đô thị).
Tăng trưởng đô thị phải đối mặt với yêu cầu phát triển bền vững ở cả tầm
vĩ mô có tính chiến lược đến các vấn đề cụ thể. Các chuyên gia đề xuất
xây dựng mô hình đô thị bền vững để hạn chế sự dàn trải đô thị, giảm tác
động ô nhiễm môi trường, phát thải carbon.
Cùng đó, các hình thái đô thị cũng cần thay đổi, nhất là với 2 đô thị
lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, khuyến khích tăng mật
độ ở trung tâm cấp hai (mô hình thành phố “đa tâm”), tạo việc làm và
cung cấp dịch vụ ở nhiều nơi khác nhau ngoài trung tâm nội đô gốc.
Thêm một vấn đề được cảnh báo cần phải đáp ứng để đảm bảo phát triển bền
vững đô thị là việc quản lý đất đai. Hiện cách phân loại đất theo mục
đích sử dụng trong đô thị không phù hợp với tính chất không gian đô thị
là một thể thống nhất trong xây dựng và quản lý quy hoạch phát triển
kinh tế và quy hoạch sử dụng đất của chính quyền đô thị.
Nếu theo phân loại đất đai hiện nay, ở đô thị chỉ có 3 loại đất gồm nông
nghiệp, phi nông nghiệp và đất khác. Điều này khiến việc sử dụng đất
không rõ ràng. Thực tế, nhiều dự án trong quá trình thực thi đã phá vỡ
quy hoạch làm tăng quy mô dân số, chia nhỏ vụn lô đất, đầu tư sai mục
đích xâm lấn vào đất công trình công cộng.
Trong khi đó, công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và tổ
chức tái định cư để có đất “sạch” theo yêu cầu của từng dự án phát
triển đô thị, công nghiệp, hạ tầng... lại đang gặp nhiều trở ngại, ít
được người dân ủng hộ do thiếu minh bạch, công bằng. Điều này cản trở
tiến độ thực hiện dự án, tăng chi phí và phát sinh khiếu kiện./.
Theo TTXVN