Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội các siêu thị Hà Nội đã đưa ra dẫn
chứng ngay sau khi hoàn tất việc mua lại 3 hệ thống siêu thị Oceanmart,
Vinatexmart và Maximark, Tập đoàn Vingroup đã không ngừng phát triển hệ
thống bán lẻ lên gần 600 điểm bán tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả
nước.
Mặc dù là thương hiệu mới nhưng VinGroup đã thực hiện đầu
tư trực tiếp cho các đối tác, cũng như ký kết với các nhà sản xuất và
cung ứng ở từng vùng, miền để phát triển các sản phẩm đạt chuẩn VietGAP
mang thương hiệu VinEco. VinGroup cũng không giấu tham vọng trở thành
đơn vị hàng đầu trong việc cung ứng cho người tiêu dùng các loại thực
phẩm đã được làm sạch như nhiều nhà phân phối lớn trên thế giới đã làm.
Đây là một trong những bước đi nhằm khẳng định thương hiệu cũng như nâng
cao sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Ông Phú khẳng định.
Còn
tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op),
định hướng xuyên suốt là giữ vững và cải tiến hoạt động các điểm bán
hàng hiện hữu, xây dựng các mô hình kinh doanh mới, phù hợp với nhiều
phân khúc thị trường. Dự kiến trong 2 năm tới, Saigon Co.op sẽ mở thêm
10 siêu thị Co.opmart lớn ở các đô thị và 20 siêu thị vừa và nhỏ. Đến
năm 2020, sẽ có 130 siêu thị Co.opmart, từ 8 - 10 đại siêu thị Co.opXtra
và từ 3 - 5 trung tâm thương mại Sense City.
Ông Nguyễn Thành
Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: Mặc dù đang phải chịu
nhiều áp lực cạnh tranh trên thị trường bán lẻ nhưng đơn vị luôn cam kết
đồng hành và liên kết với các nhà sản xuất hàng Việt, hiện có trên 90%
hàng hóa tại hệ thống siêu thị Co.opmart là của doanh nghiệp trong nước.
Cùng với đó, Saigon Co.op cũng tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhanh
loại hình thương mại điện tử, các cửa hàng tiện lợi để phát triển mạng
lưới ngày càng sâu rộng cùng với doanh nghiệp sản xuất Việt đứng vững
trên thị trường. Đặc biệt, trước làn sóng hàng hóa ngoại vào thị trường
nội địa, Saigon Co.op cũng sẽ có chọn lọc, với những hàng hóa cùng chủng
loại, cùng chất lượng, cùng giá trị sử dụng Saigon Co.op sẵn sàng ưu
tiên hàng Việt, hoặc trong quá trình trưng bày, quảng bá để người tiêu
dùng tiếp cận được nhanh nhất đối với hàng Việt.
Ông Võ Văn
Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho rằng: Mặc
dù các nhà đầu tư Thái Lan mua lại một số kênh bán lẻ như Big C, Metro
là đáng quan tâm nhưng nếu các doanh nghiệp chiếm được thế chủ động qua
việc sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất vừa đảm bảo chất lượng, vừa có
tính độc đáo và khác biệt và được người tiêu dùng thừa nhận thì nhà sản
xuất không sợ lệ thuộc vào bất kỳ kênh phân phối nào. Đặc biệt, để giữ
vững thị trường ngoài việc tạo sự đột phá, khác biệt cho sản phẩm, việc
liên kết giữa nhà bán lẻ và nhà sản xuất sẽ giúp cả hai bên kịp thời
khắc phục những khó khăn và tìm được tiếng nói chung là điều rất cần
thiết trong lúc này.
Tuy nhiên, ông Võ Văn Quyền cũng nhấn mạnh:
Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy quản trị,
tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tận dụng lợi
thế hiểu biết nhu cầu của người Việt, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp, giá
cả cạnh tranh để hàng hóa có thể vào được các kênh phân phối trong và
ngoài nước. Đồng thời các doanh nghiệp chủ động tìm hướng mới, ngách
riêng cũng như hướng đi khác biệt. Ngoài ra, về phía cơ quan chức năng,
Bộ Công Thương sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội địa mở rộng mặt
bằng, phát triển mạng lưới, đầu tư đổi mới công nghệ để tạo ra những sản
phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao.
Uyên Hương/TTXVN