Thứ Bảy, 28/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 14/8/2016 9:29'(GMT+7)

Phát triển nguồn nhân lực: Cần đột phá trong đào tạo nhân lực ngành du lịch


Những năm qua, số lượng các cơ sở đào tạo du lịch tăng lên nhanh chóng đã góp phần đáp ứng yêu cầu của xã hội trong việc phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Song, vấn đề nguồn cung nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam vẫn luôn là đề tài “nóng” bởi sản phẩm “đầu ra” chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. 

* Cung chưa đủ cầu 

Theo thống kê của ngành du lịch, năm 2016 cả nước có khoảng 156 cơ sở tham gia đào tạo chuyên ngành du lịch ở trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo ngắn hạn. Hệ thống trường, cơ sở đào tạo du lịch đã được hình thành, phát triển, phân bố khá đều khắp các vùng du lịch trên cả nước. Mỗi năm, toàn ngành cần thêm 40.000 lao động, nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ đại học, cao đẳng trở lên. Sản phẩm “đầu ra” của các trường hiện vẫn được đánh giá chưa hoàn thiện về kỹ năng, lẫn năng lực chuyên môn. 

Thạc sĩ Nguyễn Tấn Trung, Khoa Du lịch - Đại học Văn Hiến cho biết, một trong những nguyên nhân là do các trường đang thiếu hụt đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao và đúng chuyên ngành. Việc đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học và cao đẳng đã hơn 20 năm nay nhưng phần lớn giảng viên là người được đào tạo từ các ngành khác (ngành văn hóa, xã hội, quản trị kinh doanh). Do đó, việc giảng dạy chủ yếu dựa vào vốn kiến thức tự học, tổng hợp từ nhiều nguồn, từ kinh nghiệm. 

Đánh giá về chương trình đào tạo ngành du lịch, Thạc sĩ Thái Quang Vinh, Khoa Du lịch – Khách sạn, Đại học Ngoại ngữ Tin học Thành phố Hồ Chí Minh phân tích về sự mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành. Các cơ sở đào tạo hiện chỉ chú trọng vào lý thuyết mà hạn chế thực hành, hay nếu muốn chú trọng thực hành thì lại “thiếu” về cơ sở vật chất, trong khi đặc thù của ngành này cần rất nhiều thời gian để sinh viên thực hành. Vì vậy, dẫn đến đội ngũ nhân lực hiện vừa thiếu lại vừa yếu. Gần đây, một số trường đang triển khai Tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS 2013 của Tổng cục Du lịch phê duyệt. Đây là tiêu chuẩn thước đo triển khai đào tạo nhân viên tại doanh nghiệp, cũng như áp dụng trong việc giảng dạy sinh viên tại các trường đào tạo du lịch; đồng thời đánh giá kỹ năng nghề của nhân viên, người lao động thông qua các kỳ thẩm định. Tuy nhiên, để tiêu chuẩn này đi vào thực tiễn một cách hiệu quả, cần có những điều kiện đảm bảo về cơ chế chính sách, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như nguồn lực con người để tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Mặt khác, sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp còn thiếu, dẫn đến đào tạo xong vẫn bị doanh nghiệp “chê”; doanh nghiệp phải tự đào tạo lại, gây tốn kém thời gian lẫn tiền bạc. 

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourism chia sẻ: Đầu vào của sinh viên ở một số trường đại học đào tạo ngành du lịch hiện chưa cao. Sinh viên ra trường chưa đạt yêu cầu của doanh nghiệp du lịch tuyển dụng, phải đào tạo thêm, đào tạo lại. Thêm vào đó, công tác tư vấn, hướng nghiệp, cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng nghề du lịch chưa tốt, chưa sát với thực tế. Ông Lưu Đức Kế cũng cho biết thêm, hiện Luật Du lịch 2005 chỉ có vài dòng đề cập đến đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong khi thực tế hiện nay Luật cần bổ sung, sửa đổi, nhất là trong nội dung đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch để phù hợp với yêu cầu xã hội. 

* Cần nhiều đột phá 

Đến năm 2020 ngành du lịch nước ta cần khoảng 870.000 lao động trực tiếp, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2016 – 2020 là 7%/năm. Ngành du lịch Việt Nam hiện được đánh giá là ngành có nhu cầu nhân sự cao gấp 2-3 lần so với các ngành trọng điểm khác như giáo dục, y tế, tài chính… Đề cập đến giải pháp đào tạo nhân lực du lịch chất lượng cao, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương - Viện Du lịch bền vững Việt Nam cho rằng cần sớm xây dựng và thực hiện đề án thành lập Học viện Du lịch hoặc Đại học Du lịch ở Việt Nam đạt chuẩn quốc tế. Đây sẽ là cơ sở đào tạo đội ngũ lao động du lịch có trình độ cao, có khả năng đảm nhận vai trò nòng cốt trong hội nhập quốc tế của du lịch Việt Nam. Chia sẻ về thực trạng thiếu liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện Du lịch - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phân trần, các trường luôn sẵn sàng phối hợp với doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp bên cạnh những lợi ích kinh tế, cần dành riêng quỹ hỗ trợ khuyến khích, động viên sinh viên của ngành khi thực tập tại doanh nghiệp. Đây được xem là một kênh đầu tư hiệu quả cho nguồn nhân lực tương lai của doanh nghiệp được nhiều tập đoàn kinh tế thế giới từng thực hiện khi tìm kiếm nhân lực có năng lực làm việc tốt. 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Trí cũng cho rằng, xu hướng du lịch thế giới không kinh doanh du lịch đại trà, mà tập trung nâng cao chất lượng phục vụ cho từng đối tượng du khách. Một số doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cũng cần thay đổi tư duy làm du lịch, tập trung nâng cao chất lượng, thay vì số lượng. Trong đó, việc tuyển dụng nhân sự cần trả lương theo đúng năng lực để sinh viên mới ra trường vẫn giữ được “lửa” nghề, sẵn sàng cống hiến hết mình. 

Để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, vừa qua Hiệp hội Đào tạo du lịch Việt Nam đã được thành lập nhằm nâng cao trình độ quản trị cơ sở đào tạo, khoa học công nghệ, khả năng cạnh tranh trong và ngoài nước của hội viên; đồng thời gắn nhà trường với doanh nghiệp. Đây được cho là dấu mốc góp phần đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. 

Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch Việt Nam diễn ra tại Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Nhiệm vụ phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới hết sức nặng nề, nhưng cũng là vinh quang nếu chúng ta thực hiện được mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Riêng về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Khoa Du lịch ở các trường đại học, trung cấp, cao đẳng du lịch phải chấn chỉnh chất lượng đào tạo du lịch. Bên cạnh đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung trình độ nghề quốc gia trong lĩnh vực du lịch; đồng thời công nhận Bộ Tiêu chuẩn nghề quốc gia về Du lịch và thực hiện Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN./. 

Gia Thuận/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất