Thứ Hai, 2/12/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 15/8/2016 10:38'(GMT+7)

Thay đổi tư duy, cách làm du lịch

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nhiều điều mừng, không ít điều lo

Tuần qua, Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị Du lịch toàn quốc quy mô lớn tại thành phố du lịch Hội An - Quảng Nam, với mục đích “không bàn nhiều về thành tích, mà hãy tập trung nói về những bất cập, khó khăn” và phải “mổ xẻ, phân tích các nguyên nhân để tìm ra giải pháp tháo gỡ”. Hội nghị đã khép lại với những hình ảnh đẹp khi Thủ tướng Chính phủ đi bộ trong lòng phố cổ Hội An, cùng chia sẻ với người dân Hội An và khách du lịch bốn phương những bức ảnh “selfie” thú vị. Nhưng, thực trạng phát triển du lịch nước ta có bao điều mừng, bao điều đáng lo? Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê thuần tuý thì cũng đáng mừng, bởi những chỉ số tăng trưởng của ngành này đều tăng đều đặn qua các năm. Ngay cả  giai đoạn 2010 – 2015, khi nền kinh tế bị rất nhiều khó khăn gây áp lực và tăng trưởng khó, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, tăng 1,57 lần so với giai đoạn trước.

Nhưng, nếu phân tích các tiêu chí sâu hơn của chỉ tiêu đón khách sẽ thấy trong tăng trưởng số lượng khách du lịch quốc tế chủ yếu là tăng ở dòng khách Trung Quốc - đối tượng khách đang làm nảy sinh không ít lo ngại cho các địa phương. Tiêu chí khách trở lại Việt Nam nhiều lần cũng cho thấy số lượng khách du lịch thuần tuý trở lại Việt Nam từ lần thứ 2 trở lên đang ngày càng giảm. Hay tiêu chí chi tiêu bình quân đầu khách, bình quân đêm ở của khách qua mỗi tour... cũng đang thấp dần và đặc biệt là thua xa các nước láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Singapore... Trong khi hầu hết khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đều phải thừa nhận là phong cảnh Việt Nam quá đẹp!

Bắt đầu từ việc nhỏ nhất

 Năm 2015, ngành du lịch đã phục vụ gần 8 triệu lượt khách quốc tế, 57 triệu lượt khách nội địa. Trong 7 tháng, ngành du lịch đón 5 triệu 550 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2015, phục vụ hơn 38 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 235 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vì sao chúng ta lại bị xếp vào những thứ hạng không tương xứng với tiềm năng và di sản mà cha ông để lại như vậy?

Trả lời câu hỏi này, phải chỉ đích danh nguyên nhân quan trọng nhất, đó là do “tư duy du lịch chưa cởi mở”, và tư duy này đã tồn tại như một lô cốt trong nhiều ngành liên quan từ nhiều năm nay. Một minh chứng sinh động là tại Hội nghị Du lịch toàn quốc vừa được tổ chức, khi ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu và “hứa” trong năm nay Hà Nội sẽ xây được ít nhất 1.000 cái toilet và sẽ nghiên cứu bỏ quy định các nhà hàng phục vụ khách du lịch quốc tế phải đóng cửa lúc 12 giờ đêm, thì hội nghị đã mấy lần vỗ tay dài không dứt, làm ngắt quãng cả bài phát biểu và khiến ông Chung phải đứng lặng đi trong ít phút. Có lẽ ngay chính ông Nguyễn Đức Chung cũng không thể ngờ được rằng: Hai chuyện rất nhỏ này những người làm du lịch, các công ty lữ hành đã kiến nghị hàng chục năm nay, mà đến giờ mới được “hứa” sẽ giải quyết!

Những biểu hiện của một thứ tư duy du lịch đóng kín một cách bất cập còn có thể nhìn thấy ở nhiều nơi, trong rất nhiều tình huống mà hệ quả cuối cùng là du lịch nước ta sau bao nỗ lực vẫn phát triển manh mún, không thành chuỗi, không có sản phẩm đột phá. Du lịch là ngành kinh tế mang tính liên ngành, nhưng khu vực hoạt động nào cần sự phối hợp liên ngành lại là mắt xích yếu nhất, kém nhất của ngành du lịch, khiến những người có tâm huyết với ngành du lịch cũng phải nản lòng.

Nụ cười là điều không thể thiếu trong hoạt động du lịch. Nụ cười chính là biểu hiện đầu tiên của lòng hiếu khách. Nhưng nếu như lòng hiếu khách ấy không được thể hiện ở tất cả các công đoạn khác của một hành trình du lịch thông qua những dịch vụ có chất lượng và giá cả tương xứng, với một thái độ có văn hóa và tự trọng, thì dù có cười nhiều đến đâu, ngành du lịch nước ta vẫn khó có bước đột phá.

Vì thế, cần phải mở tư duy, mở tấm lòng hiếu khách, bằng sự đột phá tư duy du lịch trong tất cả các ngành liên quan thì mới mong đón được nhiều khách du lịch quốc tế đến với nước ta, đem lại doanh thu, tạo việc làm và lan tỏa văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Minh Hoàng (daibieunhandan.vn)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất