Thứ Bảy, 21/9/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 29/5/2013 14:15'(GMT+7)

Sở hữu trí tuệ: Thách thức cho doanh nghiệp Việt

Ngày 28/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao và Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về Sở hữu trí tuệ trong môi trường thương mại toàn cầu: Giải pháp khắc phục điểm yếu cho doanh nghiệp Việt.

Phát biểu tại toạ đàm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, quy định về quyền sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã và sẽ tham gia mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, là một nước đang phát triển, việc Việt Nam chấp nhận các tiêu chuẩn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao đặt ra những thách thức nhất định cho các doanh nghiệp khi họ có thể phải chi phí cao hơn cho hoạt động quyền sở hữu trí tuệ; người tiêu dùng của Việt Nam có thể phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm đươc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam lại có cơ hội được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đầy đủ và toàn diện ở các nước thành viên của các điều ước quốc tế liên quan, hưởng môi trường đầu tư lành mạnh hơn, người tiêu dùng được bảo đảm quyền để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái… Hiện nay, công tác thi hành pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam được tăng cường để bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể được bảo hộ một cách đầy đủ và hiệu qủa.

Đánh giá về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay, bà Hoàng Tố Như, Phó Phòng sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, hành vi vi phạm đang ở tình trạng rất tinh vi, khó nhận biết, nhất là với các mặt hàng cao cấp cho giá trị cao được bán ở các trung tâm thương mại lớn. Trong khi đó nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho bảo vệ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Tình trạng xâm phạm quyền người khác cũng như bị xâm phạm quyền vẫn xảy ra phổ biến và trong nhiều trường hợp là do sự thiếu quan tâm và nỗ lực của doanh nghiệp.

Theo bà Hoàng Tố Như, vấn đề hiện nay là phải tìm được giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự bảo vệ mình trong sở hữu trí tuệ bởi dù cơ quan Nhà nước có nỗ lực đến đâu, vấn đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn sẽ rất bức bối và điều quan trọng là cần sự nỗ lực từ cả các doanh nghiệp và cơ quan bảo đảm quyền và cơ quan thực thi.

Trước những gợi ý của các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tại buổi toạ đàm, các doanh nghiệp tham dự cho biết, việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn khá phức tạp, khó khăn và đặc biệt là mất nhiều thời gian, do vậy các doanh nghiệp rất ngại ngần khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm, sáng chế của mình.

Để các doanh nghiệp vượt qua được thách thức lớn này, chuyên gia kinh tế, Võ Trí Thành chia sẻ, với thực tế là các biện pháp thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (xác lập, đăng ký, thực thi) ở Việt Nam còn yếu, các doanh nghiệp cần phải tự bảo vệ mình bằng cách không ngừng sáng tạo, đây là cách bảo vệ tốt nhất. Các doanh nghiệp cần có động lực sáng tạo tốt, đặc biệt là phải có cách thu hút người tài vì đây chính là nhân tốt quyết định năng lực cạnh tranh, tạo ra chất xám trong mỗi sản phẩm./.

TTX
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất