Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 8/9/2013 23:17'(GMT+7)

Doanh nghiệp cộng đồng: Kinh doanh gắn với giữ gìn giá trị văn hóa bản địa

Anh Lý Láo Lở (bên trái), Giám đốc SaPa-Napro giới thiệu sản phẩm với đại biểu tham dự "Diễn đàn Đầu tư xã hội" diễn ra ở Hà Nội mới đây. (Ảnh: NQ).

Anh Lý Láo Lở (bên trái), Giám đốc SaPa-Napro giới thiệu sản phẩm với đại biểu tham dự "Diễn đàn Đầu tư xã hội" diễn ra ở Hà Nội mới đây. (Ảnh: NQ).

Là một doanh nghiệp của người Dao, hoạt động theo hình thái cộng đồng, Công ty cổ phần phần Kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (SaPa-Napro) ở thôn Tả Chải, Xã Tả Phìn, huyện Sa Pa - Lào Cai đã và đang góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Doanh nghiệp cộng đồng

Người Dao đỏ ở Sa Pa từ xa xưa đã được các bậc tiền nhân truyền lại cho bài thuốc tắm kỳ diệu có thể chữa các bệnh đau nhức cơ, xương, khớp, cảm cúm, tăng cường thể lực cho phụ nữ sau khi sinh hoặc người sau khi ốm, giúp tinh thần sảng khoái, hồi phục sức khỏe khi cơ thể mỏi mệt.

Nhận thấy lợi ích từ bài thuốc có thể thương mại hóa giúp tăng thu nhập, người Dao ở thôn Tả Chải đã thành lập SaPa-Napro để xóa đói, giảm nghèo. Ngành nghề chính của SaPa-Napro là tổ chức dịch vụ tắm thuốc tại chỗ cho khách du lịch; sản xuất thuốc tắm cho phụ nữ sau sinh (Mama), sản phẩm tắm cho nam giới (Relax), sản phẩm ngâm chân (Salus), sản phẩm tắm cho phụ nữ (Lady) để bán tại chỗ cho du khách và cung ứng cho thị trường.

Hoạt động của SaPa-Napro mang tính cộng đồng, cổ đông chính là các hộ gia đình đồng thời tham gia vào việc cung cấp nguyên liệu, trực tiếp sản xuất, tiêu thụ một phần sản phẩm, có quyền bàn bạc và quyết định giá cả nguyên liệu đầu vào cũng như phân chia lợi nhuận thu được.

Hoạt động của SaPa-Napro đang mang lại lợi trực tiếp cho khoảng 300 người Dao ở địa phương với mức thu nhập 40 triệu đồng/người/năm. Các hộ cổ đông cũng có thu nhập thêm từ việc cung cấp nguyên liệu bình quân từ 7-12 triệu đồng/hộ/năm. Khoảng 500 người khác được hưởng lợi gián tiếp từ SaPa-Napro thông qua việc cung ứng nguyên liệu, tham gia dịch vụ phân phối sản phẩm. Từ chỗ chỉ có 14 cổ đông ban đầu, sau 5 năm hoạt động, số cổ đông của SaPa-Napro hiện đã tăng lên 52 hộ.

Ngoài ra, hoạt động của SaPa-Napro còn góp phần tích cực giữ gìn giá trị văn hóa của người Dao; nâng cao tính gắn kết cộng đồng thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh; giảm thiểu nguy cơ phá rừng bởi 52 hộ cổ đông được gắn trách nghiệm bảo vệ 52 khu rừng phòng hộ đầu nguồn có tổng diện tích hơn 300 ha để phát triển và khai thác cây thuốc nguyên liệu; mang lại tự tin, tính tự lập cho cộng đồng người Dao vốn chuyên sống lệ thuộc vào thiên nhiên.

Cần được hỗ trợ

Chia sẻ tại Diễn đàn Đầu tư xã hội diễn ra ở Hà Nội mới đây, Anh Lý Láo Lở, Giám đốc SaPa-Napro cho biết: “Định hướng phát triển của công ty đến 2016 là tăng gấp đôi số cổ đông lên 110 hộ (chiếm 50% số người Dao ở xã Tả Phìn), trong đó ưu tiên các hộ gia đình đặc biệt nghèo, ở vùng sâu đang bế tắc về sinh kế; mở rộng nhà xưởng và nâng cấp thiết bị sản xuất để nâng cao sản lượng và hiệu quả kinh doanh; phát triển sản phẩm mới; phát triển bền vững nguồn nguyên liệu; nâng cao năng lực điều hành, kinh doanh”.

Theo anh Lở, tổng nguồn vốn đầu tư để thực hiện định hướng nêu trên của SaPa-Napro khoảng 2,15 tỷ đồng. Song, khả năng tài chính của công ty chỉ có thể đáp ứng được khoảng từ 35-40% vốn, 60% còn lại rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, nhất là các quỹ vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo...

Bên cạnh vấn đề tài chính, SaPa-Napro cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân quan tâm trong việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tiếp thị sản phẩm, xây dựng chiến lược phát triển công ty, tiếp thu công nghệ, kết nối với chuỗi giá trị sản phẩm... bởi những vấn đề này của một doanh nghiệp mang tính cộng đồng vẫn còn rất yếu./.

Người Dao đỏ ở Sa Pa vốn là cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển chủ yếu dựa vào thiên nhiên, phụ thuộc bên ngoài. Quá trình phát triển du lịch ở Lào Cai chuyển biến tích cực đã mang ánh sáng văn minh đến với các dân tộc thiểu số, người Dao ở Sa Pa từ đó đã biết tận dụng cơ hội, khai thác và phát huy những tinh hoa văn hóa bản địa cũng như các sản phẩm truyền thống của mình vào việc thương mại hóa để cải thiện sinh kế. 

Việt Anh





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất