Thứ Hai, 25/11/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 7/9/2013 9:1'(GMT+7)

Góp phần phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới

Tổng giám đốc Vietcombank Nghiêm Xuân Thành trả lời phỏng vấn báo chí trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật 2013. (Ảnh: LTH)

Tổng giám đốc Vietcombank Nghiêm Xuân Thành trả lời phỏng vấn báo chí trong khuôn khổ hoạt động của Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật 2013. (Ảnh: LTH)

Như tin đã đưa, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật 2013 (VJES) diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 - 6/9/2013, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã hoàn tất ký kết Thỏa thuận với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC), tạo cơ sở cho việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản đang và sẽ có nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, thông qua sự giới thiệu và phối hợp của JBIC cũng như của mạng lưới các ngân hàng cấp vùng tại Nhật Bản.

Với vai trò là nhà tài trợ hạng đặc biệt cho VJES, đồng thời là thành viên trực tiếp tham gia vào một số nội dung trong các phiên thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn. Ông Nghiêm Xuân Thành - Tổng giám đốc Vietcombank có cuộc trao đổi với báo chí.

PV: Tại sao Vietcombank lại quan tâm đến diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật 2013 là một trong những sự kiện quan trọng trong chuỗi các hoạt động Kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản. Trong suốt 40 năm qua, Nhật Bản luôn là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước mỗi năm đạt hàng chục tỷ USD. Chính phủ Nhật cũng luôn dành sự quan tâm đến các hoạt động đầu tư vào Việt nam. Đặc biệt, Nhật Bản luôn là quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào Việt nam với gần 2.000 dự án và giá trị đăng ký tương đương 33 tỷ USD. Không những vậy, ngay từ khi quan hệ ngoại giao hai nước được thiết lập, Nhật Bản đã là một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp nguồn viện trợ không hoàn lại cho Việt nam và đến nay vẫn luôn là một trong 3 nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất cũng như là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam.

Trong quá trình thiết lập và phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, Vietcombank luôn là ngân hàng phục vụ chính cho các dự án ODA của Nhật, với việc điều phối 147/153 dự án với tổng giá trị gần 21 tỷ USD. Hiện nay, Vietcombank vẫn giữ vai trò quan trọng trong phối hợp với các ngân hàng đối tác của Nhật để hỗ trợ các nhà thầu, doanh nghiệp đảm bảo tiến độ của các dự án.

Nguồn vốn ODA giải ngân qua Vietcombank góp phần triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia đúng tiến độ, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng như Dự án xây dựng Cầu Thanh Trì, Dự án xây dựng Cầu Cần Thơ, Dự án xây dựng Cảng Cái Lân, Cảng Tiên Sa Đà Nẵng, Dự án Quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên... và đang tiếp tục khẩn trương triển khai các dự án Cầu Nhật Tân, Cảng Lạch Huyện, Nhà ga T2 Nội Bài...

Năm 2013, Kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt - Nhật cũng là dấu mốc kỷ niệm 50 năm thành lập Vietcombank. Trong suốt 50 năm phát triển của mình, Vietcombank luôn dành sự quan tâm nhiều đến các đối tác, khách hàng Nhật Bản. Sự gắn bó giữa Vietcombank với các cơ quan và doanh nghiệp Nhật Bản càng được thể hiện đặc biệt qua việc Vietcombank đã lựa chọn Mizuho Corporated Bank- ngân hàng lớn thứ 3 của Nhật - là đối tác chiến lược để cùng hiện thực hóa những cam kết trong việc phát triển kinh doanh của hai ngân hàng, của các doanh nghiệp, khách hàng hai bên cũng như góp phần thúc đẩy sự phát triển của hai quốc gia.

Vì vậy, việc Vietcombank tham gia vào Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật lần này không chỉ nằm trong hoạch định kinh doanh của Vietcombank mà còn thể hiện lòng tin tưởng vào sự phát triển quan hệ bền chặt với các đối tác Nhật Bản, qua đó cũng bày tỏ sự cảm ơn đến Chính phủ, các cơ quan và doanh nghiệp Nhật đã đồng hành cùng kinh tế Việt Nam và việc phát triển của Vietcombank thời gian qua.

 
 Ông Tô Huy Rứa, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức TW (đứng giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản tham gia Diễn đàn kinh tế cấp cao Việt - Nhật 2013. (Ảnh: LTH).

PV: Vietcombank có kế hoạch gì để tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản, thưa ông?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Là một ngân hàng có bề dày và kinh nghiệm trong phục vụ các dự án vốn ODA, Vietcombank sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các đối tác Nhật Bản để đẩy mạnh quá trình này, góp phần thúc đẩy các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm tại Việt Nam.

Vai trò khu vực đầu tư trực tiếp FDI ngày càng quan trọng với Việt Nam (khu vực FDI chiếm 66,1% kim ngạch xuất khẩu và 56,5% kim ngạch nhập khẩu 8 tháng năm 2013), trong đó sự hiện diện cũng như đóng góp của các doanh nghiệp Nhật Bản càng trở nên rõ nét và chiếm ưu thế. Do đó, Vietcombank chủ trương mở rộng quan hệ với các doanh nghiệp Nhật Bản qua kế hoạch thành lập Japan Desk tại Vietcombank, trong đó chú trọng đến phát triển lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Chức năng nhiệm vụ chính của Japan Desk là cung cấp các dịch vụ: (1) Tư vấn phi tài chính bao gồm thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, giới thiệu đối tác tiềm năng cho Doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam, giới thiệu chuyên gia trong một số lĩnh vực cụ thể theo đề nghị của Doanh nghiệp Nhật Bản,… (2) Tư vấn tài chính bao gồm tư vấn các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, cung cấp gói giải pháp tài chính chuyên biệt cho khách hàng Nhật Bản...

Song hành cùng với đối tác chiến lược của chúng tôi là Mizuho Corporated Bank, hai bên đã đi đến những thống nhất thông qua các hợp tác hỗ trợ kỹ thuật và đặt ra kế hoạch phát triển khách hàng của hai bên, đặc biệt là các khách hàng là doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam...

PV: Ông đánh giá bối cảnh thị trường tài chính ngân hàng tại Việt Nam hiện nay như thế nào?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Chịu ảnh hưởng bởi cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu khởi nguồn từ các năm 2008-2009, nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có hệ thống ngân hàng của Việt Nam.

Thời gian qua, toàn ngành Ngân hàng tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ  các giải pháp, theo đúng lộ trình nêu tại Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng và bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực. Theo đó, kỷ cương kỷ luật ngành Ngân hàng từng bước được củng cố; nguy cơ đổ vỡ hệ thống được ngăn chặn, an toàn của hệ thống được đảm bảo; vấn đề nợ xấu của hệ thống được nhận diện rõ nét và bước đầu có chuyển biến tích cực trong triển khai xử lý.

Năm 2013, để phấn đấu đạt được các mục tiêu do Chính phủ đặt ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đi đôi với thúc đẩy đà phục hồi kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều gói giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế nhằm hạ mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp, gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội, điều tiết hoạt động kinh doanh vàng, điều hành tỷ giá...

Các chính sách cũng như các giải pháp nêu trên đã được các ngân hàng thương mại trong nước thực thi khá nghiêm túc. Tính đến thời điểm này đã có những tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế cũng như tác động tích cực tới tâm lý của người dân. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định, huy động vốn và cho vay tín dụng đạt mức tăng trưởng khả quan, lãi suất có xu hướng giảm dần sẽ tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, việc xử lý nợ xấu cũng được các ngân hàng đặc biệt chú trọng.

Bên cạnh đó, việc triển khai đề án tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng cũng hứa hẹn sẽ góp phần làm lành mạnh và tăng chất lượng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới.    

PV: Ông có thể chia sẻ một số thông tin về chiến lược kinh doanh của Vietcombank trong  thời gian tới?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Mục tiêu tổng thể trong chiến lược của chúng tôi là xây dựng Vietcombank thành một Tập đoàn ngân hàng tài chính đa năng, có phạm vi hoạt động quốc tế, tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam; mang lại cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất; hài hòa lợi ích giữa khách hàng, cổ đông và người lao động.

Tầm nhìn 2020 của Vietcombank là phấn đấu trở thành một trong hai ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam có sức ảnh hưởng trong khu vực và là một trong 300 Tập đoàn Ngân hàng tài chính lớn nhất Thế giới vào năm 2020.

Hiện nay, Vietcombank là ngân hàng Việt Nam đầu tiên và duy nhất lọt vào bảng  xếp hạng Top 500 ngân hàng hàng đầu thế giới do Tạp chí The Banker vừa công bố tháng 7/2013.

Để thực hiện chiến lược của mình, về mặt định hướng chung, Vietcombank  đề ra lộ trình phát triển thành Tập đoàn chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2011- 2015): Duy trì và phát triển Mô hình Công ty mẹ con;  Giai đoạn 2 (2016 - 2020): Hoàn thiện các điều kiện để trở thành Tập đoàn ngân hàng - tài chính đa năng.../.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trí Dũng (thực hiện)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất