Những vấn đề ách tắc nhất của ngành điện là khâu mua bán điện và điều độ hệ thống điện cần phải xử lý trước. Ý kiến này đã được Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Đề án tái cơ cấu ngành điện, đề nghị tách ngay khâu điều độ, truyền tải và phát điện ra ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tập đoàn này sẽ chỉ nắm giữ khâu phân phối. EVN đã phản đối các phương án này.
Khâu nào vướng mắc nhất?
Tại Hội thảo xây dựng thị trường điện cạnh tranh lành mạnh sáng 9/4, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã đưa ra ý kiến, chỉ cần tách ngay khâu mua bán điện và điều độ hệ thống điện ra khỏi EVN. Các nguồn phát điện vẫn nên để EVN quản lý.
Lý giải về mô hình này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, lâu nay, mua bán điện là khâu vướng mắc, có nhiều phàn nàn nhất trong dư luận chứ không phải là vấn đề phát điện.
Nếu như EVN nắm giữ khâu mua bán điện như hiện nay thì tập đoàn này sẽ luôn muốn mua rẻ. Và nếu như, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị lập kế hoạch huy động công suất và theo dõi biểu đồ phụ tải, thuộc quyền quản lý của EVN thì sẽ có xu hướng ưu tiên huy động các nguồn điện của EVN trước.
Do đó mới có chuyện nhùng nhằng đàm phán giá điện, tranh cãi việc huy động không hết công suất nguồn giữa EVN và các Tập đoàn Than, Dầu khí như vừa qua.
Ông Trần Viết Ngãi khẳng định, chỉ cần tách hai khâu này ra khỏi EVN, không thuộc bất cứ tập đoàn nào thì thị trường điện sẽ minh bạch. Trong đó, Tổng công ty mua bán điện quốc gia có thể thuộc Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước, Bộ Tài chính.
Đơn vị này sẽ mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện hoặc các tổng công ty phát điện và ký hợp đồng dịch vụ với Tổng công ty truyền tải và các công ty phân phối để bán điện tới hộ tiêu dùng.
Với thiết kế này, theo ông Trần Viết Ngãi, Chính phủ không nhất thiết phải tách toàn bộ khâu phát điện ra ngoài EVN.
EVN đã có đội ngũ kinh nghiệm lâu năm nên cần duy trì lợi thế này. Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề thị phần của EVN khi đó vẫn chiếm tới 60%, nghĩa là còn vị thế độc quyền, ông Ngãi nói, thị phần lớn này cũng sẽ không có tác dụng khi mà người mua điện và người điều độ là khách quan.
EVN sẽ vẫn phải chào giá cạnh tranh để được mua điện và được huy động công suất nhà máy. Theo ông Ngãi, phương án này sẽ không không làm xáo trộn ngành điện và EVN vẫn cần giữ vai trò nòng cốt trên thị trường.
Cần một cơ quan chuyên trách
Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà khoa học tại diễn đàn này chưa hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Hiệp hội.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam, cho rằng các tổng công ty phát điện được hình thành có công suất bằng 1/5 tổng công suất toàn hệ thống là để tránh vị trí áp đảo, thống lĩnh thị trường.
Các nhà đầu tư cạnh tranh lành mạnh, cố gắng giảm giá thành để giảm giá điện và phải chào giá trên hệ thống. Khi đó, chúng ta sẽ không phải chịu cảnh giá điện cứ tăng mãi mà sẽ có lúc phải giảm.
Theo Tiến sĩ Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, việc cải tổ ngành điện ở các nước diễn ra trong vài ba chục năm qua đều đi theo mô hình phải phân rã nguồn điện trước như ở Anh, Thái Lan. Khi đó, Việt Nam sẽ có “chợ bán điện” và việc mua bán điện sẽ cần có cơ quan điều tiết chung, không thể trực thuộc EVN để đảm bảo sự khách quan.
“Các phương án tái cấu trúc ngành điện phải hết sức quan tâm tới độ an toàn, tin cậy của hệ thống điện, không nên chỉ tập trung vào góc độ kinh doanh cạnh tranh. Nếu theo phương án của Bộ Công Thương thì chưa thấy ai là người chịu trách nhiệm về 20% công suất dự phòng cho hệ thống điện quốc gia”, Tiến sĩ Nguyễn Lý Tỉnh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kỹ thuật, Bộ Năng lượng (cũ) lưu ý.
“Từ một cơ chế độc quyền, bao cấp chuyển dần sang cơ chế thị trường thì dứt khoát sẽ có lúng túng, khó khăn. Người độc quyền như EVN bao giờ cũng muốn giữ vị trí cùa mình. Sự quản lý của Nhà nước đối với ngành điện vẫn còn lúng túng. Do đó, cần có một ủy ban điều phối chung, chuyên trách về tái cơ cấu ngành điện”, Tiến sĩ Nguyễn Minh Duệ, Đại học Bách Khoa bày tỏ.
Đáng tiếc là, có rất nhiều tổ chức trong ngành năng lượng, nhiều nhà khoa học tâm huyết với ngành điện đã không được tham gia đóng góp ý kiến, phản biện cho chính sách quan trọng này. Chỉ khi các đề án cải cách có được phản biện tốt, được sự ủng hộ của đồng đảo người dân thì mới có thể triển khai thành công.
(Theo VNN)