Năm 2015 được Bộ Khoa học và Công nghệ xác định là năm đẩy mạnh kết quả
nghiên cứu khoa học vào sản xuất. Tuy trên thực tế, dù đã đạt nhiều
thành tựu song ngành khoa học và công nghệ còn gặp khó khăn.
Phải làm gì để khoa học công nghệ thực sự trở thành đòn bẩy của nền kinh
tế? Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Nguyễn Quân đã có cuộc trao đổi với phóng viên.
- Thưa Bộ trưởng, không ai có thể phủ nhận rằng, khoa học và công
nghệ đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, đóng góp đáng kể cho
nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, khoa học và công nghệ
chưa được đặt ở vị trí đúng tầm? Điều đó có đúng không và vì sao?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Trong các văn bản của Đảng và
Nhà nước đều đã nêu rõ vai trò, vị trí của khoa học và công nghệ. khoa
học và công nghệ cùng với giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu,” khoa
học và công nghệ là “động lực then chốt,” nhưng tôi thấy thời gian qua,
khoa học và công nghệ chưa được đặt đúng vị trí của nó như đúng những
gì đã ghi trong các văn bản.
Để khoa học và công nghệ được đặt ở đúng vị trí của nó thì cần có sự
nhận thức đầy đủ của xã hội về khoa học và công nghệ, về vai trò của
khoa học và công nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như về
hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ trong thời gian qua.
Để các nhà quản lý, các doanh nghiệp nhìn nhận đúng về vai trò của khoa
học và công nghệ, tôi cho rằng, công tác tuyên truyền phải nâng cao,
phải thực hiện ráo riết. Như đại biểu Quốc hội Bùi Thị An đã nói, nhận
thức của chúng ta trong các văn kiện đã đầy đủ nhưng trên thực tế, nhận
thức của các cấp các ngành không phải lúc nào cũng đúng như quy định mà
Đảng và Nhà nước đã xác định.
Một nguyên nhân nữa là các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư cho khoa
học và công nghệ. Tôi rất thấm thía câu nói của Thủ tướng trong lễ công
bố Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5 năm ngoái, rằng: “Trong giai
đoạn hiện nay, sự cạnh tranh của một quốc gia chính là sự cạnh tranh
của khoa học và công nghệ và sự cạnh tranh của việc làm chủ công nghệ.”
Để làm chủ công nghệ thì vai trò của doanh nghiệp rất lớn. Chúng tôi xác
định nguồn đầu tư từ doanh nghiệp là nguồn đầu tư lớn nhất và mạnh nhất
cho khoa học và công nghệ. Đây là kinh nghiệm của các nước phát triển,
kể cả một số nước lân cận chúng ta.
Ví dụ như Trung Quốc, đầu tư của doanh nghiệp cao gấp 3 lần đầu tư từ
ngân sách nhà nước. Hàn Quốc cũng là một ví dụ điển hình, doanh nghiệp
đầu tư lớn gấp 10 lần đầu tư của Nhà nước cho khoa học và công nghệ.
Doanh nghiệp của chúng ta hầu hết là doanh nghiệp nhỏ nên chưa đủ sức
đầu tư cho khoa học và công nghệ.
Nhưng có một lý do quan trọng hơn là cơ chế chính sách của chúng ta chưa
khuyến khích và cũng chưa bắt buộc doanh nghiệp phải đầu tư cho khoa
học và công nghệ, điều mà các quốc gia khác đang làm. Từ nhận thức đúng
về sự cần thiết phải đầu tư cho khoa học và công nghệ, doanh nghiệp sẽ
mạnh dạn đầu tư đúng, đủ cho khoa học và công nghệ và sẽ thu được hiệu
quả cao.
- Vậy Bộ trưởng có thể cho biết về tình hình đầu tư của doanh nghiệp dành cho khoa học công nghệ hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Ở Việt Nam, vấn đề này còn đang
rất khó khăn. Luật khoa học công nghệ 2013 bắt buộc doanh nghiệp phải
dành tối thiểu 3%, tối đa 10% để đầu tư cho khoa học công nghệ.
Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp của chúng ta vẫn chưa thực hiện
được điều này. Lý do là cơ chế chính sách của chúng ta khuyến khích
doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ cũng như dành
một phần lợi nhuận để đầu tư cho khoa học công nghệ còn bất cập.
Doanh nghiệp khi thành lập quỹ và dành một phần lợi nhuận cho quỹ hoạt
động thì họ chỉ được Nhà nước hỗ trợ ở một tỷ lệ nhất định là thuế thu
nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu chúng ta quản lý toàn bộ kinh phí ấy
như quản lý ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp cảm thấy bất công.
Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ nên với 10% lợi nhuận sẽ
không đủ để họ đổi mới công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm mới. Chúng tôi đã
đề nghị nên nới mức trần này và không nên hạn chế ở mức 10%, nhưng luật
của chúng ta chưa cho phép. Vì thế hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đầu
tư cho khoa học và công nghệ ở mức không đáng kể.
Tuy nhiên từ khi có Luật khoa học công nghệ 2013, chúng tôi thấy có tín
hiệu đáng mừng, ví dụ như Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đi đầu
trong việc đầu tư cho khoa học và công nghệ, dành 10% cho khoa học và
công nghệ và dự báo năm nay, Viettel sẽ có mức lợi nhuận 2 tỷ USD. Như
vậy, họ có thể dành 200 triệu USD cho khoa học và công nghệ. Họ đã thành
lập ba viện nghiên cứu, có nhiều sản phẩm rất hữu ích đáp ứng nhu cầu
của quân đội và của xã hội.
Một ví dụ khác là Tổng Công ty giống cây trồng Thái Bình (Thaibinh
Seed). Công ty thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới
với quy mô hàng chục ha, đầu tư cả trăm tỷ đồng cho một số dự án nghiên
cứu.
Nhờ đầu tư mạnh cho khoa học và công nghệ, công ty đã lai tạo thành công
hàng trăm cặp lai mới, khảo nghiệm hàng ngàn giống cây trồng mới. Việc
đầu tư mạnh cho khoa học và công nghệ đã góp phần đưa Thaibinh Seed trở
thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành giống cây trồng ở
Việt Nam.
Đây là những minh chứng cho thấy, một khi doanh nghiệp nhận thức đúng về
vai trò của khoa học và công nghệ và biến nhận thức đó thành hành động
cụ thể, khoa học và công nghệ sẽ phát triển mạnh, sẽ đóng góp thiết thực
cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và cho sự phát triển kinh
tế-xã hội nói chung.
- Như Bộ trưởng đã nói, vai trò của doanh nghiệp và sự đầu tư của doanh
nghiệp cho khoa học và công nghệ là rất quan trọng. Nhưng hiện nay,
doanh nghiệp của Việt Nam hầu hết là vừa và nhỏ, họ lấy đâu tiền để đầu
tư đổi mới công nghệ? Bộ Khoa học và Công nghệ có thể hỗ trợ họ như thế
nào?
Bộ trưởng Nguyễn Quân: Chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp,
trước hết bằng chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp
đầu tư đạt hiệu quả, và đứng ở góc độ của cơ quản lý được Chính phủ
giao, chúng tôi có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Từ năm 1999, chúng tôi đã trình Chính phủ Nghị định 199 về hỗ trợ doanh
nghiệp đổi mới công nghệ theo hình thức, doanh nghiệp muốn đổi mới công
nghệ sẽ được Nhà nước hỗ trợ tới 30% tổng vốn của dự án đổi mới công
nghệ.
Gần đây nhất, chúng tôi đã trình Chính phủ và đã được Chính phủ quyết
định cho triển khai Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và cho phép
thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia (vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và
năm nay bắt đầu đi vào hoạt động).
Mục đích của Quỹ là kế tiếp Nghị định 119 trước đây, hỗ trợ doanh nghiệp
có nhu cầu đổi mới công nghệ, có dự án khả thi và tạo ra được sản phẩm
mới. Chúng tôi đã đi khảo sát và hiện nay hàng trăm doanh nghiệp đã nộp
hồ sơ, sắp tới sẽ có một số doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ.
Nhưng cái khó hiện nay đối với doanh nghiệp Việt Nam là nguồn hỗ trợ của
Nhà nước chỉ là một phần nhỏ, họ phải huy động được phần vốn đối ứng để
có thể triển khai dự án. Doanh nghiệp phần lớn là vừa và nhỏ, khả năng
tiếp cận nguồn vốn vay cũng không dễ. Chúng ta cũng phải giải quyết vấn
đề đó thì doanh nghiệp mới đổi mới công nghệ được.
- Như vậy có thể thấy, song song với việc đẩy mạnh truyền thông để nâng
cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của khoa học và công
nghệ, vẫn rất cần những biện pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước, cùng với đó
là sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Có như vậy, khoa học và công
nghệ mới thực sự đứng ở vị trí đúng tầm. Rất cảm ơn Bộ trưởng đã trả lời
phỏng vấn./.
Quỳnh Liên (Vietnam+)