Cùng với việc khởi công xây dựng hạ tầng, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng
bắt đầu chiến lược thu hút đầu tư để đạt mục tiêu đề ra.
Hoàn thiện cơ chế đặc thù
Dự án phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc đã được triển
khai thực hiện với tổng vốn đầu tư khoảng 450 triệu USD, trong đó 400
triệu USD từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản còn lại là vốn đối ứng trong
nước. Dự án gồm 5 gói thầu chính về hạ tầng, sẽ được triển khai thực
hiện trong năm 2015 và hoàn thành vào năm 2018.
Theo yêu cầu năm 2018 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, Khu công
nghệ cao Hòa Lạc sẽ có diện mạo mới, điều kiện mới để phát triển vượt
bậc so với trước đây, phát triển theo đúng nghĩa là một khu đô thị thông
minh chuyên về nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, chuyển giao khoa học và
công nghệ.
Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng và đảm bảo thực hiện mục tiêu đề ra
của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ông Phạm Đại Dương, Trưởng Ban quản lý
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng: Để khu công nghệ cao Hòa Lạc đạt
được kết quả như kỳ vọng, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại,
đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư thì môi trường đầu tư thuận lợi với những cơ
chế chính sách ưu đãi, đặc thù rất quan trọng và là điều kiện tiên quyết
để thu hút đầu tư.
Trong chiến lược phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ trưởng Bộ Khoa
học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng nêu rõ đây là khu công nghệ cao chứ
không phải khu công nghiệp, nên không thu hút doanh nghiệp sản xuất công
nghiệp thông thường mà doanh nghiệp đầu tư vào phải đáp ứng điều kiện,
các tiêu chí của khu công nghệ cao mà Chính phủ đặt ra.
Cùng với những chương trình hỗ trợ của Chính phủ thông qua Bộ Khoa học
và công nghệ như Chương trình quốc gia về công nghệ cao, Quỹ phát triển
khoa học và công nghệ…Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã dự thảo cơ chế
đặc thù riêng để thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã tính toán đến việc
đề xuất ưu đãi về thuế, đất đai… để có được mức giá cho thuê đất, giãn
tiến độ đóng tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng… ở mức độ ưu đãi nhất so
với các khu vực của Hà Nội, cũng như các tỉnh khác để hỗ trợ tối đa cho
doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Dự kiến tháng 9 tới, sẽ hoàn thiện dự thảo cơ chế đặc thù để trình các
bộ, ngành lấy ý kiến hoàn thiện và sau đó trình Thủ tướng Chính phê
duyệt, phấn đấu cơ chế đặc thù được phê duyệt trong năm 2015, tạo môi
trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, ông Phạm Đại Dương nói.
Chiến lược thu hút và kêu gọi đầu tư
Ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh: Khu công nghệ cao đang bắt đầu chiến lược
thu hút đầu tư, nhưng không vì mục đích lấp đầy mà lựa chọn các nhà đầu
tư không đúng yêu cầu. Khu công nghệ cao có những điều kiện đặc thù
riêng nên doanh nghiệp vào khu công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí
nhất định.
Hiện số lượng các doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa
nhiều, mới có 67 dự án đã được cấp phép tại khu công nghệ cao này, trong
đó có 33 dự án đang hoạt động, gần 20 dự án đang trong quá trình xây
dựng, còn lại đang hoàn thiện thủ tục để triển khai.
Để thực hiện chiến lược thu hút và kêu gọi đầu tư của Khu công nghệ cao
Hòa Lạc, trong năm 2015, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đẩy mạnh công tác xúc
tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh của khu công nghệ cao đến năm 2018 với
vị thế sẵn sàng đón nhận nhà đầu tư khi mà cơ sở hạ tầng đồng bộ, chính
sách đã thông thoáng, thuận lợi, đảm bảo mục tiêu doanh nghiệp sẽ có
được chi phí vận hành cạnh tranh thấp nhất.
Bên cạnh đó, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ
giao thương, xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Sự kiện “Hội nghị kết nối giao thương các Khu khoa học châu Á 2015” là
một trong những điểm nhấn quan trọng để quảng bá, tìm kiếm cơ hội đầu tư
khi có tới 23 doanh nghiệp nước ngoài tham gia đến từ các nước Hàn
Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…
Theo ông Phạm Đại Dương, Hiệp hội các Khu khoa học châu Á (ASPA) là một
trong những Hiệp hội lớn và uy tín trên thế giới trong đó các thành
viên thuộc 19 quốc gia châu Á. ASPA được thành lập năm 1997 tại Nhật
Bản, với mục tiêu giúp các doanh nghiệp công nghệ cao trong khu vực
châu Á kết nối thương mại, chuyển giao công nghệ, giao thương và trao
đổi đa chiều.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã là thành viên ASPA từ năm 2008 và tích cực
tham gia các hoạt động của ASPA, trong đó Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã
phối hợp với ASPA tổ chức hội nghị giao thương giữa các doanh nghiệp Hàn
Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam tại Hà Nội.
Có thể nói hoạt động thu hút đầu tư của Khu công nghệ cao đã bắt đầu có
chuyển biến nhưng việc thu hút và kêu gọi đầu tư vào khu công nghệ cao
không thể nóng vội. Mục tiêu không phải lấp đầy khu công nghệ mà phải
thu hút cho chọn lọc, tìm được những nhà đầu tư thực sự có tiềm lực tài
chính, có năng lực về công nghệ để khoa học và công nghệ Việt Nam thực
sự bứt phá trong tương lai không xa./.
Theo TTXVN