“Chợ quê ngày hội” diễn ra từ ngày 13 đến 16-4, là một điểm nhấn trong
kỳ Festival Huế lần thứ tám này. Lễ hội đã được đưa về làng quê, người
nông dân không chỉ là đối tượng được phục vụ, thưởng thức mà đã trở
thành chủ thể của lễ hội.
Hôm nay 13-4, bên cầu ngói Thanh Toàn, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên-Huế), Lễ hội "Chợ quê ngày hội" chính thức khai mạc. Đây là một trong những điểm nhấn của Festival Huế 2014.
“Chợ quê ngày hội” diễn ra từ ngày 13 đến 16-4, là một điểm nhấn trong kỳ Festival Huế lần thứ tám này. Lễ hội đã được đưa về làng quê, người nông dân không chỉ là đối tượng được phục vụ, thưởng thức mà đã trở thành chủ thể của lễ hội. “Chợ quê ngày hội” tạo ra một không gian, hoạt cảnh chợ quê với các hoạt động đua ghe truyền thống, tham quan các di tích lịch sử trên địa bàn, tham quan nhà trưng bày nông cụ, tham quan và dự các hội thi như: chằm nón, làng vui chơi làng ca hát, các trò chơi dân gian, thưởng thức các món ăn đặc sản truyền thống đậm chất quê mà chính những người nông dân ở Thủy Thanh làm… diễn viên.
Bà Trần Thị Loan (68 tuổi), người làng Vân Thê (xã Thủy Thanh), một “diễn viên” tái hiện lại khung cảnh người nông dân tất bật bên cối gạo, cho biết: “Ngày xưa làm ruộng chưa có máy móc hiện đại như bây chừ, tất cả các công đoạn từ khi làm đất, gieo cấy, gặt rồi xay ra gạo đều hoàn toàn thủ công, đôi tay người nông dân là chủ yếu. Tui làm ruộng từ nhỏ đến lớn, lúc mười mấy tuổi đầu đã biết sàng, xay một cách thuần thục rồi. Giờ tuổi đã cao, đã nghỉ việc đồng áng nhưng miềng vẫn nhớ như in những khổ cực của bà con khi làm nên hạt gạo”.
Đôi tay thuần thục đổ lúa vào cối xay, xay rồi dên, chốc chốc, bà Loan lại cất lên tiếng hò giã gạo: “Vô đây, mời bạn vô đây/Vô đây bàn đặt ghế xây sẳn sàng/Tội chi đứng xá ngồi đàng/Sương sa muỗi cắn, cảm thương hàn ai nuôi?”…
Bên khung cảnh tái hiện cảnh tất bật giã gạo của người nông dân là từng tốp chị em say sưa với những đường chằm nón. Nghề chằm nón vốn nổi tiếng ở Thủy Thanh từ xưa, nay làng nghề này vẫn duy trì được sản phẩm nổi tiếng một thời của mình. Dưới bàn tay của các mẹ, các chị là những “diễn viên” của làng nghề chằm nón Phan Thê, khung cảnh của một làng nghề với sản phẩm đã theo người nông dân đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh mấy chục năm qua dường như được tái hiện lại một cách sinh động.
Bà Nguyễn Thị Mùi (53 tuổi, làng Vân Thê) chia sẻ: “Tui biết làm nón khi còn là con gái, nghề này do mẹ ở nhà truyền lại. Làng nón Phan Thê năm xưa có cả trăm hộ làm, giờ chỉ còn lại một nửa thôi, làm nón chỉ lấy công làm lãi. Tuy thế, bà con trong làng vẫn quyết tâm giữ lấy nghề. Cứ đến kỳ Festival, tui đều bảo con cháu của mình, ai biết làm nón xin đăng ký tham gia. Vì đây cũng là cách để cho du khách về với lễ hội biết đến nghề truyền thống của làng”.
Bên cạnh những “diễn viên” là nông dân, tại lễ hội “Chợ quê ngày hội”, du khách còn được chiêm ngưỡng ký ức về ruộng đồng thông qua nhà trưng bày các sản phẩm nông cụ đa dạng, gắn với người nông dân một thời.
“Chợ quê ngày hội” được tổ chức hai năm một lần, cùng với thời gian tổ chức Festival Huế thu hút du khách gần xa. Đây cũng là một địa điểm nằm trong tour du lịch cộng đồng, nơi có cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng, là cầu vồng bằng gỗ, có chiều dài 17m, chiều rộng 4m, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm bảy gian. Nhiều du khách đến cầu ngói không chỉ vào dịp có lễ hội mà liên tục quanh năm, đặc biệt là khách quốc tế.
Từ năm 2012, Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đã hợp tác với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên - Huế triển khai dự án xây dựng một mô hình phát triển du lịch nông thôn dựa vào cộng đồng ở cầu ngói Thanh Toàn, góp phần tạo ra một sản phẩm du lịch có thương hiệu, vừa có điều kiện để người dân hợp tác tham gia nhằm cải thiện sinh kế.
Theo Nhân dân