Thứ Năm, 26/12/2024
Giáo dục
Chủ Nhật, 11/1/2015 23:40'(GMT+7)

Đôi điều suy nghĩ về quy định cụm thi THPT quốc gia

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân Trí

Ảnh minh họa. Nguồn: Dân Trí



Sau khi tiếp thu ý kiến công chúng, Quy chế tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia (Quy chế) sẽ được hoàn thiện và ban hành kèm theo một Thông tư của Bộ GD&ĐT. Điều này, thể hiện quá trình thể chế hóa đường lối lãnh đạo của Đảng về
“đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học” [1]. Nói cách khác, việc xây dựng, ban hành Quy chế, Bộ GD&ĐT phải quán triệt, thể chế hóa, không thể chệch hướng lãnh đạo của Đảng.

Cùng với những ưu điểm, Dự thảo còn một số vấn đề cần bàn thảo, chỉnh sửa trước khi ban hành chính thức. Tác giả bài này tập trung góp ý đối với quy định về cụm thi trong Dự thảo vì đây là vấn đề nổi cộm, được xã hội đặc biệt quan tâm, liên quan trực tiếp đến sự lãnh đạo của Đảng, quyền lợi của thí sinh; nhằm đưa ra khuyến nghị trên tinh thần xây dựng.

Quy định về cụm thi có nhiều ưu điểm như Điều 4, Điều 6 và Điều 7, thể hiện vệc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm, tất cả các cụm thi do trường đại học (ĐH) chủ trì, gồm có 2 loại: cụm thi liên tỉnh (02 tỉnh), cụm thi tỉnh. Quy định cụm thi liên tỉnh để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ, thể hiện sự ưu việt hơn việc để thí sinh thi tốt nghiệp ở từng “trường phổ thông” rồi phải đến từng trường ĐH, cao đẳng (CĐ) (hoặc từng cụm thi ĐH) để dự thi. Bộ GD&ĐT thực hiện cụm thi ĐH ở một số thành phố lớn từ năm 2003, nay “mở rộng” ra nhiều tỉnh sẽ tốt hơn cho thí sinh có nguyện vọng thi ĐH, CĐ; giúp cho thí sinh có nhiều cơ hội để lựa chọn, đăng ký cụm thi thuận lợi nhất cho mình.

Tuy vậy, việc mở rộng này cũng còn khá nhiều hạn chế, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, là nội dung nổi cộm nhất, liên quan đến nhiều hạn chế của Dự thảo. Quy định và chú thích tại Điều 4 không lôgich với các điều (từ Điều 5 đến Điều 11). Bởi vì, quy định cụm thi nhưng không quy định chi tiết về Cụm thi mà quy định chi tiết về Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, Hội đồng thi (tỉnh/liên tỉnh). Vậy, có thể sửa đổi thuật ngữ “cụm thi” của Điều 4 thành “Hội đồng thi”.

Hơn nữa, Điều 4 chưa tối ưu trong việc sử dụng các phương pháp của kỹ thuật xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chưa hợp lý, hợp tình vì còn dài dòng, không rõ nghĩa, khó hiểu; phần cốt lõi nhất của quy định là tổ chức 2 loại cụm thi để làm gì? dành cho đối tượng (thí sinh) nào? quyền lợi của thí sinh ở các cụm thi này ra sao? không được thể hiện rõ ràng, cụ thể ở chính phần quy định mà thể hiện ở phần giải thích. Phần chú thích [2], [3] cũng còn thể hiện những điểm hạn chế sau đây:

+ Tất cả các loại cụm thi đều do trường ĐH chủ trì. Như vậy, mâu thuẫn với Khoản 8 Điều 1 Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, ngày 9-9-2014 của Bộ GD&ĐT quyết định phê duyệt phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 (Quyết định số 3538) vì không còn cụm thi do “sở GD&ĐT chủ trì”, đặt ra vấn đề tranh chấp hiệu lực pháp luật; thể hiện sự bất hợp lý ở Việt Nam hiện nay (không gắn trách nhiệm) đối với trường ĐH chủ trì cụm thi tỉnh nếu trường đó không tuyển sinh ĐH đối với thí sinh ở loại cụm thi này.

+ Theo chú thích [2], [3] và Điều 13 thể hiện việc phân loại cụm thi tỉnh/liên tỉnh là nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thí sinh khi đăng ký dự thi chứ không phải do tổ chức, bản chất, tính chất, v.v… khác nhau giữa 2 loại cụm thi. Cụm thi liên tỉnh chủ yếu dành cho thí sinh đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ – thí sinh 2 nguyện vọng, (có thể có thí sinh đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT – thí sinh 1 nguyện vọng). Cụm thi tỉnh chỉ dành cho thí sinh 1 nguyện vọng. Thậm chí, Bộ GD&ĐT còn khuyến khích thí sinh 1 nguyện vọng đến thi tại cụm thi liên tỉnh. Hơn nữa, điều đáng chú ý ở đây là “cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau” [2] nhưng quyền lợi của thí sinh ở cụm thi tỉnh bị phân biệt, ít hơn so với thí sinh ở cụm thi liên tỉnh (có đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ) kể cả khi họ thi số lượng, tên môn thi như nhau. Mặc dù sự bất hợp lý này có hệ lụy chính từ việc đăng ký nguyện vọng (xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ hoặc chỉ xét tốt nghiệp THPT) của thí sinh theo Phiếu đăng ký dự thi khi đăng ký thi THPT quốc gia theo quy định tại Điều 13 chứ không phụ thuộc việc thí sinh đó thi ở cụm thi nào.

Mặc dù ở chú thích [1], Bộ GD&ĐT muốn tạo cơ hội vào học ĐH, CĐ cho thí sinh 1 nguyện vọng nhưng quy định như vậy vẫn thiếu công bằng vì nó phó thác cho sự may rủi (phụ thuộc vào “Đề án tự chủ tuyển sinh” của các trường ĐH, CĐ) vì sau khi tốt nghiệp THPT và xét thấy điểm, các điều kiện khác phù hợp với quy định tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ, thí sinh 1 nguyện vọng mới có quyền đăng ký tham gia xét tuyển vào các trường đó. Do vậy, quy định đăng ký thi để (1) xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ và (2) chỉ để xét tốt nghiệp THPT được quy định tại Điều 13 Dự thảo sẽ là sự phân biệt, tạo ra bất bình đẳng về quyền lợi giữa thí sinh 2 nguyện vọng và thí sinh 1 nguyện vọng mặc dù họ thực hiện nghĩa vụ như nhau hoặc việc đăng ký này sẽ trở nên vô nghĩa khi có nhiều trường ĐH, CĐ chấp nhận xét tuyển thí sinh 1 nguyện vọng.

Đặc biệt, điều đáng bàn ở đây là trong số những thí sinh 1 nguyện vọng đó có số lượng không nhỏ thí sinh chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) nên từ góc độ nhân quyền, vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhóm xã hội này như thế nào? Theo Dự thảo, các thí sinh 1 nguyện vọng phải chấp nhận “cuộc chơi may rủi” khi đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia. Vậy, Bộ GD&ĐT có nên đặt ra một quy định không công bằng như thế để rồi nhiều cơ quan, xã hội lại phải tốn biết bao nhiêu sức người, sức của để giải quyết?

+ Hơn nữa, Điều 6, Điều 7 không thể hiện rõ số lượng điểm thi nên chú thích [2], [3] Điều 4: “Tổ chức các cụm thi… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh”, “Bộ GD&ĐT chủ trương thành lập các cụm thi tỉnh… mà không phát sinh thêm chi phí gây tốn kém” sẽ trở thành hiện thực nếu mỗi cụm thi (Hội đồng thi) thành lập nhiều điểm thi ngay tại những “trường phổ thông” mà thí sinh vừa học lớp 12. Ngược lại, nếu mỗi cụm thi tỉnh/liên tỉnh tổ chức ít điểm thi, dẫn tới thí sinh phải di chuyển xa, ở trọ nhiều, ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe, tâm lý, an toàn giao thông, v.v… thì chú thích trên đây là võ đoán vì:

(1) Việc Bộ GD&ĐT “mở rộng” cụm thi ĐH không phải là sự gia tăng đơn thuần về số lượng cụm thi, sự mở rộng này làm thay đổi về lượng dẫn tới sự thay đổi về chất của cụm thi ĐH, làm nó trở thành “cụm thi liên tỉnh”. Trường hợp thí sinh 2 nguyện vọng phải ở trọ thì thời gian lưu trú để thi ở cụm thi liên tỉnh sẽ dài hơn thời gian lưu trú để thi ở cụm thi ĐH trước đây ít nhất là 01 đêm vì số lượng môn thi nhiều hơn ít nhất là 01 môn. Đó là chưa kể đến thí sinh 2 nguyện vọng sau thi xong những môn bắt buộc mà những môn mình đăng ký thêm để thi lại thi vào cuối đợt thì thời gian lưu trú để chờ đợi còn dài hơn.

(2) Trước đây, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT tại trường mình đang học, sau đó những thí sinh nào có nhu cầu thi ĐH, CĐ thì đến tận trường ĐH, CĐ hoặc cụm thi ĐH để dự thi. Như vậy, chỉ có số thí sinh này phải di chuyển nhưng nay số lượng thí sinh phải di chuyển là rất lớn vì thí sinh chỉ có 1 nguyện vọng cũng phải di chuyển tới các cụm thi. Vậy, điều này không thể “không phát sinh thêm chi phí gây tốn kém” và rất có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội cần phải giải quyết.

Thực sự, nếu thành lập ít Điểm thi, dẫn đến thí sinh phải di chuyển xa, ở trọ nhiều, nhất là đối với những thành phố lớn như Thành phố Hồ chí Minh, Hà Nội; những tỉnh lớn như Thanh Hóa, Nghệ An, Đồng Nai, An Giang, v.v… sẽ làm cho hiệu quả Kỳ thi THPT quốc gia giảm đi rất nhiều.

Nếu thành lập nhiều điểm thi sẽ đặt ra vấn đề cần phải giải quyết đối với các trường ĐH chủ trì cụm thi. Do vậy, Bộ GD&ĐT nên dựa trên cơ sở khoa học khi quy định về số lượng hội đồng thi, điểm thi trong mỗi cụm thi, chú ý khoảng cách từ địa chỉ thường trú của thí sinh đến điểm thi sao cho tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với thí sinh, giúp cho thí sinh không phải ở trọ, không phải di chuyển xa[3].

+ Theo đoạn 2 của chú thích [3] Điều 4 mặc dù Bộ GD&ĐT vẫn khẳng định “sẽ đáp ứng yêu cầu tổ chức thi tại tỉnh” nhưng Bộ GD&ĐT cũng đã thể hiện “mong muốn … giảm bớt khối lượng công việc cho Bộ và các trường ĐH” và việc bỏ cụm thi do “sở GD&ĐT chủ trì” đã toát lên ý nghĩa của việc xây dựng những quy định trong Dự thảo phần nào vẫn mang tính chủ quan của Bộ GD&ĐT, xuất phát từ lợi ích của chủ thể quản lý nhà nước chứ chưa hẳn là từ lợi ích của thí sinh.

Để khắc phục những hạn chế như đã phân tích trên đây, chúng tôi muốn đưa ra một số khuyến nghị: Bộ GD&ĐT cần chỉnh sửa quy định tại Điều 4, Điều 6, Điều 7, Điều 13  theo hướng không phân biệt cụm thi, thí sinh vì sau khi có kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, trên cơ sở nguyện vọng, điều kiện của mình, “thông tin tuyển sinh” của từng trường ĐH, CĐ, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Chỉ nên quy định làm rõ thí sinh chưa tốt nghiệp với thí sinh đã tốt nghiệp THPT và đăng ký điểm thi trong Phiếu đăng ký dự thi của mỗi thí sinh sao cho phù hợp nhất với họ. Đặc biệt, phải xuất phát từ góc độ lợi ích của thí sinh để quy định rõ về số lượng Điểm thi trong mỗi cụm (Hội đồng) thi. Do vậy, Điều 4 nên sửa đổi như sau: “1. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định số lượng Hội đồng thi tại mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 2. Chủ tịch Hội đồng thi thành lập các Điểm thi ở mỗi trường phổ thông để thực hiện tổ chức thi cho thí sinh đã đăng ký thi để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ theo quy định của Quy chế này và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ”./.

TS. Phạm Văn Đạt
Vụ GD và ĐT, N - Ban Tuyên giáo Trung ương
ThS. Lừ Văn Tuyên


1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Từ đây gọi tắt là Nghị quyết số 29. 

2. Do vậy, không có cơ sở khoa học để phân ra thành 2 loại cụm thi: cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh.

3. Vấn đề này đã được Phạm Văn Đạt đưa ra trong phần 3.1 bài "Đường lối của Đảng và thể chế hóa trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở Việt Nam hiện nay", đăng trên Tạp chí Giáo dục và Xã hội, số 45(106)/2014; đã được thể hiện một phần trong Dự thảo này nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất