Thứ Sáu, 27/12/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 3/1/2015 20:45'(GMT+7)

Kỳ thi THPT quốc gia - điểm nhấn của đổi mới giáo dục

Năm 2014, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong thi, kiểm tra, đánh giá của ngành giáo dục.

Năm 2014, đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong thi, kiểm tra, đánh giá của ngành giáo dục.

Thay đổi nhiều kỹ thuật của kỳ thi

Một trong những thay đổi rõ nhất là về số lượng các môn thi trong kỳ thi này. Theo đó, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Bên cạnh 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đặc biệt, thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD - ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ. 

Bộ GD - ĐT cho biết, quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 đã hoàn thiện và sớm công bố. Tính kỹ thuật của kỳ thi đã giải đáp được những băn khoăn của dư luận. Đến nay đại đa số các trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh. Có 428 trường ĐH, học viện gửi thông tin tuyển sinh và đề án tự chủ tuyển sinh về Bộ. Đặc biệt ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, các đại học vùng, các trường đại học trọng điểm, khối trường Y - Dược, Công an, Quân đội đều sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển.
 
Thông tin mới nhất được Bộ GD - ĐT công bố là về cơ bản sẽ tổ chức tại các cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Trường nào chủ trì phải có điều kiện nhất định, đã từng có hàng chục nghìn thí sinh dự thi rồi mới đủ khả năng tiếp cận cách thi mới này, đảm bảo tính an toàn nghiêm túc. Bộ GD - ĐT đã làm việc với những trường ĐH dự kiến giao chủ trì cụm thi liên tỉnh. Theo đó mỗi cụm thi có ít nhất 2 tỉnh nhưng chỉ trường lớn đủ điều kiện triển khai mới được thực hiện nhằm tránh xáo trộn so với hàng năm và đảm bảo an toàn hơn cho kỳ thi.
Việc sử dụng kết quả thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT vẫn ổn định như năm 2014 với kết quả được lấy từ 50% điểm bài thi của học sinh và 50% kết quả từ quá trình học tập ba năm THPT của các em, có cộng thêm điểm khuyến khích nếu có theo quy định.

Một điểm mới nữa là thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh ĐH sau. Điểm thi của thí sinh trong kỳ thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Do vậy, thí sinh sẽ thi quốc gia trước, đăng ký tuyển sinh vào ngành và trường ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi quốc gia.

Trong kỳ thi này cả địa phương và trường đại học cùng tổ chức thi. Về tổ chức thi, để đảm bảo tính nghiêm túc, tính chính xác, khách quan và độ tin cậy của kết quả thi sẽ bố trí tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi tập trung. Công tác coi thi, chấm thi sẽ có sự tham gia của cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ cùng với giáo viên các trường THPT.

Đánh giá về sự thay đổi này, những ý kiến ủng hộ đều cho rằng, một kỳ thi đã giảm được áp lực về hồ sơ ảo cho thí sinh. Kỳ thi sẽ không bỏ sót những em đạt điểm số rất cao nhưng vẫn trượt - tình trạng không hiếm ở những năm trước đây. Bên cạnh đó, việc biết điểm của kỳ thi phổ thông quốc gia xong thì mới lựa chọn trường phù hợp với số điểm, năng lực, sẽ thêm nhiều cơ hội đỗ cho thí sinh.

Một điểm dễ nhận thấy nữa là quyền tự chủ của các trường trong tuyển sinh được khẳng định rõ. Các trường có thể thực hiện phương thức tuyển sinh riêng hoặc thi thêm một hình thức khác như: phỏng vấn, kiểm tra chỉ số thông minh... bên cạnh lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia.

Vẫn còn đó những lo ngại

Trước khi quyết định một kỳ thi THPT quốc gia được phê duyệt thì đã có hai luồng ý kiến: ủng hộ, không ủng hộ. Nhiều vấn đề được đặt ra trong đó, nhiều chuyên gia lo ngại nhất là việc tổ chức một kỳ thi ra sao để đảm bảo tính minh bạch cũng như là cơ sở tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Việc tổ chức thi ở địa phương là lo ngại đầu tiên khiến nhiều trường ĐH e ngại khi chỉ dựa trên kết quả của một kỳ thi. Bởi những gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT trong những năm gần đây do địa phương tổ chức đã khiến cho những lo ngại này là có thực. Tính trung thực của kỳ thi sẽ ra sao và không ít trường ĐH top đầu đã tự tổ chức kỳ thi riêng hoặc bên cạnh kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, trường sẽ có những buổi phỏng vấn, bài kiểm tra đầu vào. Cụ thể, trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương, xét tuyển bổ sung như Trường Luật TP Hồ Chí Minh và Học viện Báo chí Tuyên truyền xét tuyển dư ra sẽ có phỏng vấn hoặc bài viết năng lực. Trường ĐH Kiểm sát 85% điểm bài thi và 15% điểm phỏng vấn để xét tuyển.

Phân tích về mối lo ngại này, ông Văn Phúc, Vụ Giáo dục đào tạo, dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết, trước đây, các trường đại ĐH, CĐ đứng ra coi thi và kết quả tốt hơn, nghiêm túc hơn. Nhưng đây có thể là con dao hai lưỡi vì có khả năng, kết quả thi của cụm thi này sẽ thấp hơn rất nhiều so với cụm thi do Sở GD - ĐT tổ chức. Và liệu chúng ta có thể xét công nhận tốt nghiệp THPT cho những em có điểm số thấp đó được không? Có thể do áp lực của một số trường ĐH, CĐ không tin tưởng vào kết quả nên trường ĐH, CĐ muốn trực tiếp đứng ra tổ chức coi thi và chấm điểm nên phát sinh hai loại cụm thi. Đây thực sự trở thành lỗ hổng của phương án này.

Bên cạnh đó, mối lo của nhiều chuyên gia cho rằng, với cơ hội đỗ nhiều hơn của thí sinh cũng đồng nghĩa với việc một số trường ngoài công lập, những ngành khó tuyển sinh sẽ có tình trạng “vơ bèo vạt tép” cho đủ chỉ tiêu. Do đó, chất lượng đầu vào sẽ giảm sút.

Tuy nhiên, trước những băn khoăn này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT cho rằng, nhằm đảm bảo tính nghiêm túc và độ tin cậy của kết quả thi sẽ tổ chức coi thi, chấm thi theo các cụm thi do các trường đại học chủ trì. Với các cụm thi tại địa phương, cùng với tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương trong tổ chức thi sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, đồng thời phát huy vai trò giám sát của xã hội. Thay vì chỉ có cán bộ, giáo viên của Sở Giáo dục như trước đây, sẽ tăng cường cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ tham gia các khâu tổ chức thi.

Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh: “Đề thi tiếp tục được đổi mới theo hướng đánh giá năng lực người học, tăng dần các câu hỏi ở mức độ vận dụng, các câu hỏi mở; nội dung câu hỏi của đề thi sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu cơ bản và nâng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Hiện nay Bộ đã bước đầu xây dựng được ngân hàng đề thi, trong những năm tới ngân hàng đề sẽ được phát triển, hoàn thiện nhờ áp dụng các giải pháp hiện đại của khoa học đánh giá chất lượng giáo dục”.

Bộ GD - ĐT cũng cho biết, tại kỳ thi này, Bộ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thi, xử lý kết quả thi và quản trị cơ sở dữ liệu của kỳ thi một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính bảo mật và an toàn. Phần mềm máy tính sẽ hỗ trợ công tác truy vấn kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp và nhất là hỗ trợ công tác tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.

Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tăng cường, nhất là ở khâu coi thi, chấm thi để kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm xảy ra. Đặc biệt, Bộ sẽ cương quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy chế thi đối với cán bộ, giáo viên và thí sinh.

Có thể nói, điểm nhấn trong đổi mới thi cử này nhận được khá nhiều phân tích từ công chúng, các chuyên gia. Với những gì còn “trên giấy” và cam kết về một kỳ thi với nhiều ưu điểm mà ngành giáo dục đặt ra vẫn còn ở phía trước.

Theo Báo Tin tức

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất