Thứ Năm, 10/10/2024

Đổi mới chính sách thu hút đầu tư nước ngoài gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đổi mới chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là một trong những yêu cầu, giải pháp quan trọng để thực hiện có chất lượng, hiệu quả quan điểm của Đại hội XIII của Đảng: “Tổ chức, triển khai đồng bộ, thống nhất việc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh”(1).      

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠI HỘI XIII

Trong trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác”(2). Theo đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Đảng và Nhà nước ta coi là một trong động lực quan trọng để phát triển kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Kinh tế có vốn đu tư nước ngoài là một bộ phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong thu hút vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu”(3).

Quán triệt quan điểm của Đảng, trong những năm qua, Nhà nước đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo khung khổ hợp tác và quan hệ quốc tế. Đến nay nước ta đã ký kết nhiều hiệp định FTA với các nước và các khu vực, thực sự “dọn tổ đón đại bàng” tạo “đòn bẩy” để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các đối tác, tập đoàn kinh tế lớn. Việc thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài góp phần tác động thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, sản phẩm, dịch vụ; thúc đẩy cải cách thể chế, chính sách kinh tế, môi trường đầu tư; tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế. Đầu tư nước ngoài cũng tạo thuận lợi cho Việt Nam mở rộng thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, thành công trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tạo ra lợi ích đan cài giữa Việt Nam với các đối tác, các nền kinh tế lớn. Do đó, “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển  kinh tế - xã hội của đất nước”(4).

Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong GDP, tác động trực tiếp đến nền kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước. Tuy nhiên, quyền tự chủ của các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài theo cam kết quốc tế đã trở thành rào cản đối với công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng Việt Nam, dẫn đến việc các nhà đầu tư thiếu minh bạch trong hoạt động khai báo, nộp thuế. Bên cạnh đó, hình thức sáp nhập và mua lại (M&A) đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trong quá trình nước ta thực hiện thoái vốn, cổ phần các doanh nghiệp nhà nước, điều này dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp nước ngoài “chiếm quyền kiểm soát” các lĩnh vực, khu vực kinh tế quan trọng, các địa bàn có vị trí chiến lược tác động trực tiếp đến quốc phòng, an ninh nếu không được thẩm định chặt chẽ. Do đó, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã và đang đặt ra những yêu cầu mới cần phải nhận thức và giải quyết.

Đặc biệt, khi “Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn và sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”(5). Trong điều kiện có tình huống về quốc phòng, an ninh xảy ra, việc Nhà nước thực hiện quyền điều tiết nền kinh tế phục vụ quốc phòng, an ninh sẽ gặp những khó khăn nhất định. Đại hội XIII nhận định: “Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thiếu chọn lọc; sự kết ni, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế”(6). Một số dự án còn tiêu tốn năng lượng, thâu dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; mức độ kết nối, thu hút và chuyển giao công nghệ của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp; khu vực đầu tư nước ngoài chủ yếu gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, năng lực nội sinh của công nghệ chưa được kiến tạo và phát huy. Trong khi đó, “Một số địa phương còn để xảy ra hiện tượng người nước ngoài đứng sau các nhà đầu tư Việt Nam để đầu tư vào các khu vực trọng yếu, địa bàn chiến lược ảnh hưởng không tốt đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn của khu vực”(7). Vì lợi ích trước mắt và chủ quan trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, một số ngành, địa phương thiếu thẩm định, đánh giá năng lực nhà đầu tư nước ngoài, còn dễ dãi trong các chính sách thuê đất, nộp thuế và yêu cầu công nghệ. Cá biệt, một số vị trí, địa bàn chiến lược có giá trị về quốc phòng, an ninh đã cho các doanh nghiệp nước ngoài thuê, sử dụng với thời gian vượt ra khỏi quy định của pháp luật. Đặc biệt, một số nước đã sử dụng các nhà đầu tư trá hình, là “công cụ” để thực hiện chi phối, tác động đến quốc phòng, an ninh nước khác trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Đây là vấn đề tác động rất lớn đến bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, xây dựng khu vực phòng thủ địa phương và thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có tình huống xảy ra.

Một số địa phương còn để xảy ra hiện tượng người nước ngoài đứng sau các nhà đầu tư Việt Nam để đầu tư vào các khu vực trọng yếu, địa bàn chiến lược ảnh hưởng không tốt đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn của khu vực.

Trước tình hình đó, Đại hội XIII của Đảng đã nhận định: “An ninh trên một số địa bàn, lĩnh vực chưa thật sự vững chắt, nhất là an ninh mạng, an ninh có vốn đầu tư nước ngoài”(8); “Việc kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh ở một số địa phương, đơn vị thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác, nặng về lợi ích kinh tế đơn thuần, trước mắt”(9).  Do vậy, cần phải “Xử trí tốt những bất cập của cơ chế trị trường, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái”(10).

Từ thực tiễn đặt ra, trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Chuyển chính sách trọng tâm thu hút hợp tác, đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, … Xây dựng các tiêu chí thu hút đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn”(11). Trong đó cần quan tâm các tiêu chí về tác động của các dự án, các đối tác đến bảo đảm quốc phòng, an ninh; kiên quyết không lựa chọn, không cấp giấy phép cho những dự án gây bất lợi cho bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các lực lượng về đổi mới chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh nói chung và thu hút đầu tư nước ngoài gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam trong tình hình mới. Do đó, cấp ủy các cấp, các cơ quan, bộ ngành và địa phương cần phải nhận thức rõ: trong quá trình xây dựng các chính sách, quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước cũng như lĩnh vực, khu vực của cơ quan, địa phương mình. Đây là quá trình cụ thể hóa quan điểm của Đảng về kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Theo đó, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và chiến lược quân sự, quốc phòng, chiến lược an ninh quốc gia, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Đặc biệt, cần quán triệt và nhận thức đầy đủ Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về “Định hướng toàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, trong đó, cầnNghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp”(12).

Đối với các bộ, ngành, địa phương có liên quan, cần nhận thức đấy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo Nghị quyết 58-NQ/CP ngày 27/4/2020 v“Ban hành chương trình hành động của chính phủ thực hiện nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của BChính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Làm tốt công tác tham mưu với Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và trực tiếp phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trong thẩm định, đánh giá những tác động đến quốc phòng, an ninh của các dự án, lĩnh vực, đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, lực lượng Quân đôi, Công an nhận thức đúng vị trí, vai trò của mình trong quá trình thẩm định, đánh giá, phản biện các chính sách, dự án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động đến quốc phòng, an ninh đất nước và trong từng địa bàn, lĩnh vực cụ thể.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thứ hai, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư và lập kế hoạch huy động vốn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cơ cấu lại và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của hệ thống các cơ quan xúc tiến, quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp nhằm “Thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực, nhất là các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước(13). Thiết lập quy hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn chặt chẽ gắn với chiến lược quốc phòng, an ninh và xây dựng khu vực phòng thủ địa phương. Thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng; phát huy vai trò năng động, sáng tạo và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, của cơ quan chuyên môn trong thẩm định đánh giá tác động đến quốc phòng, an ninh của các dự án, đối tác nước ngoài, đặc biệt là trên những địa bàn trọng yếu, quan trọng, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh. “Thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh xã hội, an ninh, trật tự tại các địa bàn chiến lược”(14). Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thống nhất một đầu mối tại các bộ, ngành, địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu, rà soát và điều chỉnh các thể chế, chính sách thiếu thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương. Xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết. Kiên quyết loại bỏ các dự án, đối tác đầu tư trực tiếp nước ngoài tác động tiêu cực đến lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xâm phạm đến an ninh quốc gia.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bảo đảm chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Đảng ta chỉ rõ: “Kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, ...đòi hỏi phải cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, tạo cơ hội mở rộng thị trường, đầu tư cho phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa”(15). Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Xây dựng chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cân đối, hợp lý giữa các vùng miền theo đúng định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển. Trong đó, cần “Chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, có mô hình quản trị hiện đại, có chuỗi cung ứng toàn cầu, có tác động lan tỏa và kết nốì chặt chẽ vối khu vực kinh tế trong nước; phát triển cụm”(16).

Xây dựng cơ chế đánh giá tác động đến quốc phòng, an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và danh mục hạn chế, không thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với các cam kết quốc tế. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài gia nhập thị trường ở những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam không có nhu cầu bảo hộ. Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Đặc biệt cần “xây dựng cơ chế đánh giá an ninh và tiến hành rà soát an ninh đối với các dự án, hoạt động đầu tư nước ngoài có hoặc có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”(17). Phát huy vai trò của Quân đội và Công an trong phản biện, thẩm định, đánh giá tác động của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đến các địa bàn, lĩnh vực quan trọng, những vị trí chiến lược.

Bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hoàn thiện chính sách bảo hộ và đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư về tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, vốn đầu tư, thu nhập và lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư và chủ thể có liên quan, phù hợp với các cam kết quốc tế. Tiếp tục hoàn thiện chính sách quản lý, giám sát đầu tư, chính sách an sinh xã hội, chính sách trợ cấp việc làm, trợ cấp thất nghiệp… phù hợp với những biến động mới của thị trường đầu tư nước ngoài và pháp luật Việt Nam. Thường xuyên rà soát và loại bỏ các văn bản, chính sách không phù hợp với thực tiễn; tăng cường thanh tra, kiểm tra và có những biện pháp xử lý kịp thời đối với các đơn vị, địa phương thực hiện không đúng, không nghiêm các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là những dự án tác động đến quốc phòng, an ninh đất nước./.

TS. NGUYỄN ĐÌNH TƯƠNG 
Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự

_____________________________

(1) (3) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (13) (14) (15) (16) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.130, 130, 107, 82, 76, 87, 88, 133, 125, 57, 91, 125.

(2) (4) (12) (17) Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị khóa XII (2019) về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

(11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.2 tr.127.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất