Thứ Sáu, 22/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 17/5/2021 10:13'(GMT+7)

Vài ý kiến về đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lý luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021; phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021; phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lý luận trong giai đoạn tới là chủ đề khá rộng.khung khổ có hạn, bài viết này xin tập trung vào nội dung nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, qua đó trình bày vài nét khát quát những thành tựu đạt được, những hạn chế và bài học rút ra từ những kết luận của Đảng qua các văn kiện chính thức.

NHỮNG THÀNH TỰU CƠ BẢN

Đại hội VI của Đảng (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện - đổi mới từ tư duy đến đổi mới tổ chức, cán bộ và phong cách lãnh đạo; từ kinh tế đến chính trị và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Đường lối đổi mới toàn diện được đề ra là kết quả việc tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận trong một thời kỳ dài, trực tiếp là 10 năm sau ngày nước nhà thống nhất, đồng thời cũng mở ra một trang mới cho việc phát triển công tác lý luận của Đảng.

Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta đã trải qua 7 kỳ Đại hội mà đại hội nào cũng ghi thêm một dấu ấn phát triển của công tác lý luận. Đại hội XIII của Đảng (2021) khẳng định: Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá,…

Đạt được những thành tựu trên là do công tác lý luận của Đảng đã nghiêm chỉnh thực hiện những định hướng nghiên cứu được Trung ương Đảng vạch ra. Cụ thể và rõ ràng gần đây nhất là Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khoá XI về “Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030” với những định hướng lớn như: nghiên cứu sâu hơn về tính chất, đặc điểm mới của thời đại, về tình hình thế giới và khu vực, cục diện, quan hệ giữa các nước lớn, các nước láng giềng, các lực lượng trên thế giới tác động đến Việt Nam, những trào lưu tư tưởng, học thuyết, lý thuyết mới. Tiếp tục nghiên cứu toàn diện hệ thống lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, làm rõ cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (hệ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội; chặng đường, bước đi trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội…).

Bốn định hướng sau đề ra cho những lĩnh vực cụ thể như: tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về những vấn đề văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và môi trường; về những vấn đề trọng yếu thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại; những vấn đề về Đảng cầm quyền, Nhà nước pháp quyền, đổi mới chính trị và hệ thống chính trị,…

Có thể nói, những định hướng này đã được tuân thủ trong suốt cả nhiệm kỳ Đại hội XII và đến nay, sau Đại hội XIII, vẫn còn có tính thời sự nóng hổi.

HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác lý luận của Đảng vẫn còn không ít hạn chế khuyết điểm đã được Đảng thẳng thắn chỉ rõ trong các văn kiện Đại hội Đảng cũng như trong những nghị quyết chuyên đề của Trung ương các khoá.

Đó là: Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta (Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng, năm 2011).

Chất lượng hiệu quả của công tác lý luận chưa cao. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới (Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng, năm 2016).

Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu; một số vấn đề mới khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ (Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng, tháng 1/2021).

BÀI HỌC

Về công tác lý luận nói chung, tuỳ từng góc nhìn, có thể rút ra những bài học khác nhau. Riêng về công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xin nêu lên một số bài học chủ yếu.

Bài học nhận thức

Nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là bộ phận cấu thành quan trọng nhất của công tác lý luận nói chung. Để làm tốt công tác này, trước hết, cần nhận thức rõ mối quan hệ biện chứng giữa lý luận, nghiên cứu lý luận với thực tiễn và tổng kết thực tiễn. Lý luận đạt tầm khoa học phải phản ánh đúng hiện thực khách quan trong những điều kiện lịch sử nhất định. Sự phát triển của hiện thực trong các điều kiện lịch sử thay đổi là cơ sở của đổi mới và phát triển lý luận. Vì vậy không nên biến các nguyên lý lý luận thành các giáo điều khô cứng, máy móc và coi là khuôn mẫu bắt hiện thực phải vận động một cách duy ý chí. Tổng kết thực tiễn phải nắm vững những vấn đề lý luận cơ bản, có quan điểm tiếp cận thực tiễn đúng đắn, có phương pháp luận khoa học khi đánh giá thực tiễn về giải quyết các vấn đề.

Không nên biến các nguyên lý lý luận thành các giáo điều khô cứng, máy móc và coi là khuôn mẫu bắt hiện thực phải vận động một cách duy ý chí.

Tiếp theo, phải coi nghiên cứu lý luận là một khoa học, không nên đồng nhất lý luận với chính trị. Nếu đồng nhất công tác lý luận với công tác chính trị thì sẽ làm mất tính khách quan, khoa học, và như vậy, nội dung nghiên cứu lý luận chỉ là tìm cách minh họa các nghị quyết có sẵn, thiếu đột phá, sáng tạo. Mặt khác, cũng phải tránh rơi vào một khuynh hướng cực đoan khác là tách rời, hoặc đối lập lý luận với chính trị. Bởi lý luận của ta là lý luận chính trị, cách mạng, cho nên phải gắn bó chặt chẽ với chính trị, cách mạng, với đường lối của Đảng.

Bài học về xây dựng và phát huy môi trường dân chủ

Chỉ trong môi trường dân chủ thì nghiên cứu lý luận mới có thể tìm tòi, khám phá, phát hiện ra những vấn đề đòi hỏi phải tổng kết thực tiễn để kiểm chứng, chứng minh, khẳng định hay bác bỏ. Cũng chỉ trong môi trường dân chủ thực sự thì tổng kết thực tiễn mới nhìn thẳng vào mọi sự thật, mới dám rút ra những kết luận trái với mong muốn của các chủ th nhưng khách quan, trên cơ sở đó, giải đáp và trả lời được về mặt lý luận.

Ngày 25/4/2015, Bộ Chính trị khoá XI đã ban hành Quy định số 285-QĐ/TW về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó khẳng định: Dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị là đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân được tự do sáng tạo, độc lập suy nghĩ, kiến nghị, được tôn trọng, tiếp thu ý kiến, vận dụng, sử dụng kết quả nghiên cứu trong các hoạt động nghiên cứu chính trị, phù hợp với pháp luật hiện hành”. Đây là một bước tiến trong nhận thức của Đảng, tạo cơ sở chính trị quan trọng để phát huy dân chủ, tính sáng tạo trong nghiên cứu lý luận. Dẫu sao, trên thực tế, vẫn còn có những biểu hiện như: trong nghiên cứu, nhiều nhà nghiên cứu thường nghiêng về thuyết minh, minh chứng cho những quan điểm chính trị có sẵn, ít phê phán, tìm tòi, khám phá, do sợ phạm quy. Trong công tác tổng kết thực tiễn cũng vậy, những kết luận rút ra dường như chỉ ở mức chứng minh, làm sáng tỏ thêm những luận điểm chính trị đã có.

Ngoài hai bài học nêu trên, còn có những bài học khác về xây dựng tổ chức, bộ máy, xây dựng đội ngũ những người làm công tác lý luận… Nhưng vì giới hạn của chủ đề, tôi xin khép lại bài viết này bằng trích dẫn một định hướng quan trọng về những nhiệm vụ chủ yếu của công tác lý luận trong thời gian tới đã được nêu lên trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, định hướng chính sách. Thực hiện Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân. Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ, phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”./.

Với những người làm công tác tư tưởng - lý luận, thực tiễn và lý luận là hai thành tố có quan hệ gắn bó hữu cơ với nhau như hình với bóng. Tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận trong tinh thần dân chủ, khoa học, sáng tạo là khâu cơ bản cũng là nguồn lực nội sinh quan trọng thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của công tác tư tưởng - lý luận nói chung./.

Hà Đăng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất