Kiểm lại các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực
chất lượng cao thành phố thực hiện từ năm 2001 đến nay, đã có kết quả
bước đầu. Chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ
tuổi đã có trên 1.500 cán bộ, Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã
trình làng 87 tiến sĩ và 755 thạc sĩ, phần lớn đang làm việc ở các cơ sở
và cơ quan trong hệ thống chính trị thành phố. Nhìn chung, các cán bộ
trẻ được đào tạo đều có ý thức học tập, rèn luyện đạo đức, có khát vọng
đóng góp, tạo sự chuyển biến thiết thực, được đánh giá là có chiều hướng
phát triển tốt.
Chính sách thu hút chuyên gia đã được triển khai thí điểm ở một số đơn
vị theo Quyết định 5715 năm 2014, với mức thù lao chi trả theo thỏa
thuận có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng, đã thu hút được 15 chuyên gia
(trong đó có 5 chuyên gia người nước ngoài, 2 chuyên gia người Việt Nam
và 8 người Việt Nam ở nước ngoài). Cùng với đó, nhiều trường hợp thành
phố mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học công tác ở các trường đại học
trên địa bàn về các cơ quan thành phố làm việc. Nhiều trường hợp không
có chế độ thù lao đặc biệt nhưng đã rất tâm huyết và đóng góp tích cực
cho thành phố.
Với các chương trình, đề án đã thực hiện, thành phố cần có sự tổng kết,
đánh giá để làm cơ sở cho đề án mới đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.
Góp ý cho đề án lần này, về chính sách đào tạo, bồi dưỡng, có lẽ cần tập
trung hơn với những ngành, lĩnh vực mũi nhọn thật sự cần thiết. Quan
tâm đào tạo những chuyên gia đầu ngành, có thể có thời gian làm việc ở
nước ngoài một số năm để có thêm kinh nghiệm và những mối quan hệ để
thuận lợi cho công việc. Còn lại, cứ để xã hội đào tạo theo hệ thống
giáo dục hoặc đi du học, cần thiết, chính quyền thành phố có chính sách
thu hút. Không nên đầu tư đào tạo một cách dàn trải.
Đối với các lĩnh vực cần thu hút theo đề án là tập trung cho những ngành
có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao mang tính cạnh tranh quốc
tế và những nhóm lĩnh vực đặc thù của thành phố. Lĩnh vực thu hút bao
gồm các nhóm khoa học và công nghệ; hoạch định chính sách và xây dựng hạ
tầng đô thị; dịch vụ công và các nhóm có nhu cầu thu hút. Đối tượng thu
hút là những người có năng lực vượt trội, xuất sắc, có tư duy đổi mới,
có khả năng lao động sáng tạo, có uy tín cao, được giới chuyên môn và
cộng đồng công nhận…
Đối với các tài năng đặc biệt, thành phố cần chủ động tìm, mời vào những
vị trí có nhu cầu thay vì thông báo chờ ứng viên đến đăng ký và thông
qua kỳ tuyển chọn. Đối với người trẻ, sớm bộc lộ khả năng xuất sắc, hoặc
có sáng kiến có thể đáp ứng yêu cầu thành phố trong tương lai cần được
tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng.
Ngoài chính sách thu hút, nên quan tâm đến cơ chế “đặt hàng” các cơ
quan, đơn vị, cá nhân thông qua dự án, đề tài giúp lãnh đạo quyết định
vấn đề có tầm chiến lược, những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm thúc
đẩy sự phát triển và xử lý những vấn đề đặt ra của thành phố. Sự lắng
nghe, cầu thị để quyết định, chọn lựa giải pháp đúng đắn, khả thi và tổ
chức thực hiện có kết quả của lãnh đạo đối với những góp ý, hiến kế là
thật sự có ý nghĩa trong quá trình phát triển như nhiều nhà lãnh đạo
thành phố trước đây, đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người dân.
Việc có chế độ đãi ngộ, tiền lương, thu nhập… dành cho người tài là cần
thiết nhưng không quyết định tất cả. Muốn thu hút, “giữ chân”, phát huy
người tài quan trọng là yếu tố tinh thần, môi trường làm việc, yếu tố
đánh giá, cơ hội thăng tiến… Môi trường làm việc có cả điều kiện làm
việc (máy móc thiết bị, phòng thí nghiệm…) và tập thể, người lãnh đạo
quan tâm, chia sẻ, đánh giá khách quan, công tâm, công bằng. Việc đánh
giá là cần thiết nhưng định kỳ 3 tháng là quá ngắn. Ít nhất, có thể là 6
tháng hoặc theo đề tài, theo công đoạn của công việc, hay theo sản phẩm
nghiên cứu, sáng tạo…
Đề án của thành phố lần này có chính sách thu hút không quá lệ thuộc vào
học hàm, học vị mà cái chính là năng lực nhân tài được khẳng định qua
thực tiễn. Hy vọng với tư duy mới và cơ chế chính sách đặc thù, TPHCM sẽ
thu hút nhiều nhân tài đáp ứng cho nhu cầu phát triển nhanh và bền
vững.
Phạm Phương Thảo (SGGP)