Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 26/12/2014 22:30'(GMT+7)

“Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS  Vũ Ngọc Hoàng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ: nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết 29, Hội thảo hướng đến tìm giải pháp đổi mới công tác đào tạo gắn với việc nâng cao chất lượng và tái cấu trúc nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từ đó khuyến nghị các cơ quan chức năng tham mưu với Đảng và Nhà nước tháo gỡ những khó khăn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Hịện nay, số người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số chiếm tỷ lệ cao (58% tổng số dân số - giai đoạn dân số vàng) nhưng số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chiếm tỷ lệ thấp (gần 16%); chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta thấp  và ngày càng lạc hậu; cơ cấu lao động bất hợp lý (1 đại học – 0,43TCCN – 0,56CNKT). Hiện Việt Nam có hơn 24 nghìn tiến sĩ, hơn 100 nghìn thạc sĩ, hơn 62 nghìn người làm việc tại các tổ chức nghiên cứu và phát triển. Tuy vậy, theo đánh giá của một số tổ chức trong và ngoài nước, lực lượng lao động Việt Nam đông nhưng không mạnh, năng suất lao động thấp, số phản phẩm khoa học được ứng dụng ít.

Trước sự bức xúc về thiếu hụt kỹ năng trình độ cao đang có nguy cơ trở thành điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, các chuyên gia cũng đã đưa ra những giải pháp, tập trung vào những nút thắt để tháo gỡ.

Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nếu hiểu chất lượng đào tạo là sự đáp ứng mục tiêu, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu thì điều kiện tiên quyết là GDĐH phải được tái cơ cấu tương thích với yêu cầu phát triển.

Ông cho rằng, cho đến nay, mối quan hệ giữa GDĐH Việt Nam với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, là một quan hệ lỏng lẻo, rất cần được phân tích thấu đáo để khắc phục. Nghiên cứu tình trạng này ở các nước Đông Á-Thái Bình Dương, báo cáo của Ngân hang Thế giới (World Bank 2012) cho biết lý do chính là các cơ sở GDĐH ở các nước này có thói quen xử sự như các cơ sở tách biệt, thiếu sự gắn kết với các tổ chức có liên quan. Phân tích sâu về giáo dục đại học đào tạo nhân lực ở Việt Nam, có 5 thiếu gắn kết căn bản là: Thiếu gắn kết với cơ quan tuyển dụng; thiếu gắn kết với các doanh nghiệp, nơi đặt hàng; thiếu gắn kết với các Viện nghiên cứu khoa học; thiếu gắn kết trong nội bộ các trường ĐH với nhau và các cơ sở giáo dục đại học khác; thiếu gắn kết với các nhà trường phổ thông. Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, có 4 “nút thắt” về quản lý giáo dục cần tái cơ cấu là: Một là, tái cơ cấu đầu tư công trong giáo dục đại học, kinh phí giáo dục đại học đầu vào có thể giảm dần để chuyển sang kết quả đầu ra. Thứ hai, cần gắn cơ chế tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, tạo môi trường thông tin minh bạch; Thứ ba, tái cơ cấu chuyển từ cung sang cầu; Thứ tư, tái cơ cấu xã hội hóa, tiếp cận theo hướng quan hệ công và tư bình đẳng như nhau trong việc cung ứng và quản lý giáo dục.

Hội thảo cũng đã tập trung vào nhóm vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm là nhu cầu và yêu cầu của các cơ sở sử dụng lao động qua đào tào. Hiện nay, lực lượng lao động qua đào tạo chủ yếu tập trung ở các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, nhưng chất lượng và cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát “Sự thiếu hụt  lao động kỹ năng ở Việt Nam” do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tập đoàn Manpower tiến hành mới đây tại 6.000 doanh nghiệp thuộc  9 lĩnh vực kinh tế tại 9 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá chất  lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm 10% thấp nhất của khu vực. Chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 điểm (xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB). Chỉ số năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng.

Các đại biểu đều nhận định, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức, việc chú trọng đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trở nên là nhu cầu bức thiết. Điều đó có nghĩa là ngay từ bây giờ phải thực hiện đổi mới hoạt động đào tạo nhân lực, nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có.

PV
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất