Thứ Tư, 9/10/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 4/8/2015 15:19'(GMT+7)

Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo (Ảnh DP)

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo (Ảnh DP)

Sáng ngày (4/8) tại Vĩnh Phúc, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam”.

Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy viên Thường trực Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đồng chí Nguyễn Văn Trì, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc. Cùng dự có hơn 100 đại biểu đại diện cho các ban, bộ ngành Trung ương, đại diện các tỉnh; các KCN, KCX tham dự Hội thảo.

Hội thảo tập trung vào việc đánh giá thực trạng công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực các KCN, KCX trong thời gian qua; xác định rõ nguyên nhân về kết quả; đề xuất những giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của các KCN, KCX. Qua đó các báo cáo tập trung vào 4 nội dung lớn: Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực ở Việt Nam; Thực trạng nhu cầu và yêu cầu nhân lực ở các KCN, KCX; Vai trò và trách nhiệm của tổ chức chính trị và xã hội trong việc bảo đảm và nghĩa vụ của người lao động trong các KCN, KCX; Đổi mới cơ chế, chính sách đối với giáo dục nghề nghiệp được xác định là 4 nhóm vấn đề cấp bách tác động mạnh đến quá trình đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng nhân lực trong các KCN, KCX.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Trì nhấn mạnh, với phương châm lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Vĩnh Phúc luôn tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp trên địa bàn. Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho các nhà đầu tư tại các khu công nghiệp, tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp như: Tập trung hỗ trợ về kinh phí cho người học nghề; kinh phí đào tạo cán bộ, giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề; hỗ trợ cho các doanh nghiệp tự tổ chức đào tạo nghề; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh; xây dựng thông tin về cung, cầu lao động để nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình lao động, việc làm tại các khu công nghiệp để có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
 
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH điện tử Canon Việt Nam

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo đồng chí Phạm Vũ Luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ủy viên Thường trực Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho rằng, chất lượng và cơ cấu lao động ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập; chất lượng nguồn nhân lực nước ta đang rất thấp, là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển, khoảng cách về chất lượng nguồn nhân lực của nước ta còn khá xa so với các nước phát triển trong khu vực, nhiều đại biểu đề nghị cần nghiêm túc đánh giá thực trạng, nhu cầu, yêu cầu nguồn nhân lực tại các khu công nghiệp ở các địa phương.

Đồng thời, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc đào tạo công nhân tại các khu công nghiệp; vấn đề đổi mới cơ chế chính sách tài chính đối với giáo dục và đào tạo nghề. Đại diện một số doanh nghiệp, tập đoàn cũng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác đào tạo nghề và đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp.

Kết luận Hội thảo, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, dự báo đến năm 2020, thị trường lao động trong nước thiếu 400.000 lao động. Trong khi đó, công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa bám sát yêu cầu đầu ra; việc kết nối giữa đào tạo với doanh nghiệp còn hạn chế.

Đồng chí Vũ Ngọc Hoàng để nghị, để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp, sau Hội thảo, các cấp, ngành liên quan cần tổ chức tốt công tác thông tin về nhu cầu, yêu cầu lao động, dự báo quan hệ cung - cầu, cơ cấu, khu vực, số lượng lao động; cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề một cách hợp lý, hiệu quả. Các địa phương, doanh nghiệp cần tổ chức tốt việc tiếp xúc giữa doanh nghiệp và người lao động; có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo nghề.

Đồng thời, cần định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau THCS. Các cơ sở đào tạo nghề cần đổi mới nội dung, phương thức đào tạo và dành 2/3 thời gian cho học sinh tham gia thực hành nghề. Các cơ sở đào tạo nghề cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để khâu đào tạo có địa chỉ, sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp./.

Duy Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất