Thông tin tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 31/7, Bộ trưởng Nguyên Văn Nên cho biết, sức mua trong tháng Bảy đã có chuyển biến tích cực trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giữ ở mức thấp, điều này sẽ giúp hoàn thành các mục tiêu kinh tế, xã hội đề ra từ đầu năm.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 7 ước đạt 271,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ tăng mạnh nhất kể từ đầu năm điều này cho thấy khả năng tiêu dùng của người dân đang mạnh lên.
Đáng chú ý, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 9,2 nghìn tỉ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước trong khi khu vực kinh tế nhà nước đạt 205,3 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.845,8 nghìn tỉ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2014 (loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%).
"Từng ngành và địa phương căn cứ vào tình hình cụ thể để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội, nếu không có những yếu tố bất ngờ thì khả năng sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm," Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Trước đó, báo cáo sơ kết về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của Bộ Công Thương cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tổ chức thực hiện được 50 đề án, trong đó phần lớn là các đề án phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa như: Bắc Kạn, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Tĩnh… Mỗi phiên chợ có khoảng 15-25 doanh nghiệp tham gia với 20-40 gian hàng, doanh số đạt trên 500 triệu đồng.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2015, các địa phương đã tổ chức 101 đợt bán hàng về nông thôn với 1.355 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút 600.000 lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu hơn 8.000 tỉ đồng...
Hoạt động bán hàng khuyến mãi cũng tiếp tục diễn ra sôi động, đặc biệt tập trung vào những ngày lễ lớn và Tết Nguyên đán. Hàng hóa chủ yếu là đồ gia dụng, mỹ phẩm, dược phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, thực phẩm, đồ uống, điện thoại… Đặc biệt, chương trình giảm giá cho các hộ nghèo nhằm kích cầu tiêu dùng đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho xã hội. Tùy theo từng mặt hàng đều được giảm giá 10-40%.
Bộ Công Thương cho biết, qua nửa đầu năm, đã có 27 đợt khuyến mại với 27.000 lượt khách hàng tham quan, mua sắm với tổng giá trị khuyến mại hơn 11.000 tỉ đồng; tiếp nhận, theo dõi hơn 9.000 đợt khuyến mại, thu hút khoảng 11.000 doanh nghiệp tham gia với tổng giá trị khuyến mại là hơn 90.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nhờ các hoạt động bình ổn thị trường nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua./.
TG