Những vấn đề đặt ra
Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh là nơi có số lượng chi bộ cơ sở, chi bộ trực thuộc tương đối lớn, đa dạng về loại hình, nhiều chi bộ có nhiều đảng viên. Đến nay, Đảng bộ Thành phố có 12.367 chi bộ và 11.120 chi bộ trực thuộc. Trong nhiều nghị quyết, chỉ thị, Đảng ta đã chỉ rõ, chi bộ có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng, là tế bào của Đảng; là nơi rèn luyện, giáo dục, quản lý, phát triển và sàng lọc đội ngũ đảng viên; có nhiệm vụ lãnh đạo cán bộ, đảng viên thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng ngay trong chi bộ, thì không thể không phát huy công tác kiểm tra, giám sát, vì nó là chức năng, phương thức, nội dung lãnh đạo quan trọng của Đảng.
Với nhận thức sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, trong nhiều năm qua Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh luôn xem trọng công tác kiểm tra, giám sát nói chung và của chi bộ nói riêng. Bởi vì, nếu chi bộ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát thì chính là giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn ngay từ khi mới manh nha sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ vừa là chức năng lãnh đạo, nhiệm vụ thường xuyên của chi bộ, vừa là biện pháp hữu hiệu trong việc đấu tranh ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên tại chi bộ.
Từ năm 2009 - 2011, trước khi có Nghị quyết Trung ương 4 thì có 1.374 đảng viên bị thi hành kỷ luật, trong đó có 1.250 trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Trong 3 năm (2012 - 2014), giai đoạn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI thì toàn Đảng bộ Thành phố đã xem xét, kỷ luật 1.728 đảng viên (tăng 354 trường hợp), trong đó có 1.458 trường hợp (tăng 208 trường hợp) suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Riêng năm 2016, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 17 đoàn kiểm tra, giám sát đối với 76 tổ chức Đảng và 10 đảng viên; cấp ủy các cấp kiểm tra 2.700 tổ chức đảng và 2.078 đảng viên; giám sát 1.763 tổ chức đảng và 1.945 đảng viên. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Thành phố; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế dân chủ cơ sở; thực hiện chương trình cải cách hành chính; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng... Qua đó, kỷ luật 4 đảng viên, cấp ủy các cấp, kỷ luật 8 tổ chức đảng và 431 đảng viên.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã nghiêm túc, thẳng thắn nhận định “chưa ngăn chặn và khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; một số nơi còn yếu kém, phương thức lãnh đạo và sinh hoạt đảng còn lúng túng, có nơi, có lúc vẫn còn tình trạng mất dân chủ, thiếu kỷ luật, kỷ cương. Một số cán bộ và cấp ủy chưa tôn trọng và thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; bệnh quan liêu, cục bộ địa phương, kèn cựa… vẫn diễn ra khá phức tạp; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ nói chung và chi bộ trực thuộc Đảng bộ Thành phố nói riêng còn nhiều hạn chế như: nhận thức của một số cấp ủy chi bộ, cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát chưa đi vào nền nếp; nhiều cán bộ phụ trách công tác kiểm tra, giám sát chưa được tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ; tình trạng nể nang, né tránh, sợ mất thành tích vẫn còn xảy ra; vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên còn nhiều phức tạp cần biện pháp giải quyết.
Tính chất, nguyên nhân của sự suy thoái
Nhận định, đánh giá về tính chất, mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên (khi đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4), tại các hội nghị chuyên đề, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng những vấn đề này được biểu hiện thông qua nhiều hành vi: Thiếu trách nhiệm, không thực hiện nhiệm vụ của đảng viên; không hoàn thành trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị, buông lỏng công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; nói hoặc làm trái Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; kèn cựa địa vị; thiếu ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương; làm những việc mà pháp luật không cho phép cán bộ, công chức làm. Đáng chú ý, có một số ít đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, viết, phát tán, trả lời phỏng vấn các trang mạng internet, báo nước ngoài với những nội dung sai sự thật, xuyên tạc một số chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Còn đối với mức độ suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm như: tổ chức, tham gia đánh bạc, số đề, cá cược; vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; tha hóa về đạo đức như tham gia tà đạo; vi phạm đạo đức nghề nghiệp; có hành vi bạo lực gia đình; nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Cũng theo Ban Thường vụ Thành ủy, qua công tác kiểm tra, giám sát và phân tích, đánh giá cho thấy, nguyên nhân chủ quan dẫn tới sự suy thoái là do:
Đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là do bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng. Những cán bộ, đảng viên này thiếu ý thức kỷ luật; không chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nói chưa đi đôi với làm hoặc làm qua loa, chiếu lệ, quên đi trách nhiệm đối với Đảng, đối với nhân dân.
Đối với tổ chức đảng, chi bộ, là do việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định, nghị quyết, chỉ thị ở một số đơn vị chưa đầy đủ; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm. Có hiện tượng buông lỏng việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở một số tổ chức đảng. Công tác quản lý, sử dụng cán bộ thiếu chặt chẽ, không kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu năng lực, uy tín giảm sút... trong khi đó, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống chưa đi vào chiều sâu. Công tác kiểm tra, giám sát tại chi bộ chưa thường xuyên, thiếu kịp thời trong phát hiện dấu hiệu vi phạm, thiếu quan tâm thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sai phạm. Đáng nói là, trong những nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân bắt nguồn từ vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị. Tại nhiều chi bộ, bí thư, cấp ủy chưa làm tốt vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức, chưa thể hiện sự bao quát, toàn diện trong lãnh đạo công tác xây dựng Đảng; đảng viên giữ nhiệm vụ lãnh đạo đơn vị thực hiện chưa đúng, chưa đủ quy chế làm việc, thiếu tinh thần trách nhiệm; người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, độc đoán, gia trưởng, thậm chí lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm trái các quy định của Đảng, Nhà nước nhằm trục lợi cho bản thân, gây mất đoàn kết nội bộ.
Về nguyên nhân khách quan là do: Một số tổ chức đảng thiếu giáo dục bồi dưỡng tư tưởng, lập trường cho cán bộ, đảng viên trước những tác động tiêu cực của đời sống xã hội khi đất nước tiến hành cải cách, mở cửa, hội nhập quốc tế sâu rộng. Một số tổ chức giao cho một bộ phận cán bộ, đảng viên lãnh đạo, quản lý, nắm giữ nhiều tài sản, nguồn vốn lớn của Nhà nước, của tập thể, nhưng thiếu cơ chế kiểm soát có hiệu quả nên đã tạo điều kiện để chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi, thực dụng phát triển. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu hoạt động diễn biến hòa bình, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gây chia rẽ trong nội bộ đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng.
Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát ngay từ chi bộ - giải pháp hữu hiệu
Để ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên từ khi mới manh nha, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29-02-2016 về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ góp phần ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên”, theo đó sẽ tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các vấn đề trọng tâm sau:
Trước hết, tăng cường triển khai công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong đó, các cấp ủy, ban tuyên giáo, các trung tâm bồi dưỡng chính trị xây dựng kế hoạch mở lớp, hình thức bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với điều kiện, đặc điểm, trình độ của từng nhóm cán bộ, đảng viên thuộc từng loại hình chi bộ để việc học mang lại hiệu quả. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc sinh hoạt chi bộ định kỳ, đồng chí bí thư, cấp ủy cần nắm vững nội dung khi triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng để chủ trì, định hướng cho từng đảng viên tham gia góp ý, thảo luận; việc thảo luận, góp ý phải gắn với thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, qua đó giúp nâng cao nhận thức, tăng “sức đề kháng” và kỹ năng phản bác của đảng viên đối với những thông tin không đúng với quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ động phòng tránh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ hai, nâng cao nhận thức của từng chi ủy chi bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ. Để làm tốt vấn đề này, đảng ủy cấp trên cơ sở phải tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai cho chi ủy chi bộ và đảng viên phụ trách công tác kiểm tra của chi bộ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời tổ chức các buổi giao ban để triển khai các văn bản của Đảng có liên quan đến thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của chi bộ. Bên cạnh đó, ủy ban kiểm tra đảng ủy phải tham mưu, giúp đảng ủy về các nội dung cần triển khai quán triệt; việc theo dõi kết quả và những chuyển biến trong thực hiện kiểm tra, giám sát của chi bộ từ sau khi được quán triệt để báo cáo với đảng ủy.
Thứ ba, chú trọng đổi mới việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ. Theo đó, chi ủy chi bộ cần quan tâm đến việc phân công cán bộ trực tiếp tham mưu, thực hiện kiểm tra, giám sát ở chi bộ mình, bắt buộc một trong các đồng chí trong chi ủy phải trực tiếp phụ trách công tác kiểm tra, giám sát của chi bộ; nếu không bố trí được thì chi ủy cần lựa chọn đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, có năng lực, uy tín, bản lĩnh, dũng khí để thực hiện nhiệm vụ này. Song song đó, chi ủy phải chủ động, kịp thời xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng năm, cả nhiệm kỳ, nội dung tập trung vào việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên, giám sát sự gương mẫu về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ quan và nơi cư trú.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên làm công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ. Các cấp ủy đảng cần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho chi ủy chi bộ, cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ hoặc tạo điều kiện cho chi ủy chi bộ, cán bộ làm công tác này được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, các cấp ủy đảng cũng nên quan tâm, xem xét việc thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ khác đối với cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát ở chi bộ để động viên, khích lệ những đồng chí này yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Thứ năm, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm những đảng viên có sai phạm. Để thực hiện có hiệu quả nội dung này, đòi hỏi chi ủy chi bộ, nhất là đồng chí bí thư chi bộ phải nắm rõ tình hình tư tưởng của đảng viên, phân công chi ủy viên, cụ thể là đồng chí phụ trách công tác kiểm tra, giám sát chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình đảng viên thông qua đảng viên, quần chúng, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị, tổ trưởng tổ dân phố. Nêu cao ý thức phê bình và tự phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; đảng viên ít tuổi, cấp dưới không dám góp ý, phê bình đảng viên lớn tuổi, cấp trên và người chủ trì sinh hoạt chi bộ phải chủ động gợi ý vấn đề cần góp ý; đề nghị đảng viên có vấn đề giải trình, làm rõ. Đối với chi bộ có nhiều đảng viên, công tác phân tán thì chi bộ cần tiến hành giám sát chuyên đề, kết quả sau khi giám sát phải được thông báo cho đảng viên được giám sát biết để thực hiện. Còn đối với đảng viên có khuyết điểm, hạn chế thì yêu cầu đảng viên đó xây dựng biện pháp khắc phục, sửa chữa với sự theo dõi của đồng chí bí thư hoặc phó bí thư chi bộ và định kỳ báo cáo kết quả với chi ủy, chi bộ. Nếu phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm thì kịp thời đề nghị ủy ban kiểm tra đảng ủy có thẩm quyền tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định./.
Đức Thuận/TCCS