Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Tư, 3/2/2010 15:45'(GMT+7)

Đổi mới công tác nghiên cứu lý luận của Đảng trong gần 20 năm đổi mới- thành tựu và kinh nghiệm

Hội thảo khoa học  “Đảng Cộng sản Việt Nam- 80 năm xây dựng và phát triển” do Học viện Chính trị- Hành chính quốc ra tổ chức ngày 26/1/2010. Ảnh TDT

Hội thảo khoa học “Đảng Cộng sản Việt Nam- 80 năm xây dựng và phát triển” do Học viện Chính trị- Hành chính quốc ra tổ chức ngày 26/1/2010. Ảnh TDT

I. THÀNH TỰU

Ở trang đầu tiên trong cuốn sách Đường cách mệnh (1927), Hồ Chí Minh dẫn lại quan điểm của V.I.Lênin trong tác phẩm Làm gì?: "Không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có theo lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong" (1). Lý luận cách mệnh ấy, theo V.I.Lênin là chủ nghĩa Mác. Điều này được Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định trong tác phẩm Đường cách mệnh: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin" (2). Trong quá trình hoạt động, tuy có lúc đậm nhạt khác nhau, Đảng Cộng sản Việt Nam còn bổ sung thêm tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt, kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh và khẳng định: chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Sự nghiệp đổi mới của Đảng diễn ra gần 25 năm qua đánh dấu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng ( 12- 1986). ...25 năm là khoảng thời gian không dài so với lịch sử 80 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng, lại càng rất ngắn so với chiều dài lịch sử dân tộc. Nhưng 25 năm ấy, đất nước Việt Nam đã tiến những bước dài, thần kỳ, trong lịch sử dân tộc và đã vượt qua nhiều thử thách nghiệt ngã của thời cuộc tưởng chừng như không thể vượt qua. Sở dĩ như vậy là vì công tác lý luận của Đảng đạt được những thành tựu rất quan trọng.

1. Khẳng định sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin

Sự nghiệp đổi mới của đất nước diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Tất cả các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, không trừ một nước nào, từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, bị lâm vào khủng hoảng. Có nước thì khủng hoảng toàn diện cả chính trị, kinh tế, xã hội; có nước thì bị khủng hoảng kinh tế - xã hội (như ở Việt Nam). Trong tình hình đó, chủ nghĩa Mác-Lênin càng bị thử thách một cách gay gắt. Không phải hiện nay, mà Ngay từ khi mới ra đời chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị các thế lực thù địch phê phán và phủ nhận kịch liệt. Cứ qua mỗi bước thử thách, chủ nghĩa Mác-Lênin càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của mình. Lần này, chủ nghĩa Mác-Lênin bị đả kích một cách gay gắt hơn bởi chất "xúc tác" là sự khủng hoảng và sau đó là sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô - một Đảng đã lãnh đạo Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại giành thắng lợi năm 1917, thành lập một nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới; mở ra thời đại mới trong lịch sử tiến hóa của nhân loại: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; một Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, cứu cả loài người thoát khỏi thảm họa diệt vong, tạo điều kiện cho sự ra đời của cả hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới; một Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước Xôviết, trụ cột của hệ thống xã hội chủ nghĩa, của nền hòa bình thế giới. Cùng với sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô là sự tan rã của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết và của các đảng cộng sản cầm quyền và chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu.

Trong tình hình ấy, chủ nghĩa Mác-Lênin không những bị các thế lực tư sản đả kích mà nghiêm trọng hơn là bị một số phần tử vốn là cộng sản, cộng sản nòi, phản bội chủ nghĩa cộng sản đả kích.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng vững trước cơn biến động chính trị dữ dội đó, trước hết bằng cách khẳng định, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, cho rằng, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới nhất quyết không phải là sự sụp đổ của lý luận Mác-Lênin mà chỉ là sự sụp đổ của mô hình không phù hợp về chủ nghĩa xã hội, là kết quả của đường lối cải tổ sai lầm, là do tác động từ sự phản bội của một số nhân vật lãnh đạo trong đảng cộng sản và nhà nước ở những nước đó. Lý luận Mác-Lênin vốn mang bản chất khoa học và cách mạng, trang bị cho các tổ chức cộng sản thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp biện chứng duy vật trong hành động. Lý luận đó là sự kết tinh những gì tinh túy của thực tiễn cách mạng. Và đó là học thuyết "mở", nghĩa là nó luôn được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống, nó ngày càng phát triển, được bồi đắp thêm sức sống mới .

Chính vì thế, trong lúc không ít cán bộ, đảng viên có những biểu hiện hoang mang, dao động, Đảng đã kịp thời khẳng định những giá trị bất diệt của chủ nghĩa Mác-Lênin. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa VI đã nêu lên những nguyên tắc của đổi mới, trong đó tiếp tục nhấn mạnh sự đổi mới của Việt Nam là vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin; trước hết là đổi mới kinh tế và từng bước kết hợp đổi mới chính trị; không chấp nhận đa nguyên chính trị và đa đảng đối lập; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, v.v. Đáng chú ý là, sự khẳng định đó đã trở thành chiến lược lâu dài của Đảng ta, không phải là biện pháp giải quyết tình huống mặc dù lúc đó đất nước thực sự đang lâm nguy. Khẳng định về mặt kiên trì lý luận chính trị chính là sự sáng suốt, làm cái gốc cho mọi hoạt động khác của Đảng, là thể hiện bản lĩnh chính trị của một Đảng mácxít-lêninnít, Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, một Đảng đã kinh qua nhiều thử thách ngặt nghèo của các tình thế, trước các khúc quanh của tình hình trong nước và thế giới. Điều đặc biệt là Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ phải trải qua tình huống như lúc đó: tình huống phải nhìn lại cơ sở lý luận cách mạng của mình là chủ nghĩa Mác-Lênin.

Nói tới bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin tức là nói đến sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa ấy trong suốt cả thời gian tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng ta đã kiên trì những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, phát triển và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của đất nước, phát triển nó, không mắc phải bệnh giáo điều thường thấy ở không ít đảng cộng sản trước đây. Sự nghiệp đổi mới của Việt Nam trong gần 25 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cống hiến nhiều vấn đề lý luận không những có tác dụng bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin mà còn bổ sung vào kho tàng lý luận đó nhiều vấn đề. Đó là những vấn đề về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu lại phải chịu hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh và những vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là những vấn đề xây dựng hệ thống chính trị trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó đáng chú ý nhất là tự đổi mới, tự chỉnh đốn đảng cầm quyền trong điều kiện xã hội chỉ có một đảng duy nhất (Đảng Cộng sản Việt Nam) mà Đảng đó đóng vai trò cầm quyền lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội, Đảng đó vẫn bảo đảm và phát huy dân chủ trong toàn xã hội; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những vấn đề đối nội, đối ngoại trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đang như những dòng xoáy tác động đến mọi quốc gia - dân tộc.

Hiện nay, một số người vẫn phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác-Lênin và cho rằng, sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa chính là sự sụp đổ cả lý luận Mác-Lênin; rằng, cái sai ở đây không phải là chỉ là sai về mô hình mà sai "cả gói" lý luận; rằng, chủ nghĩa Mác đã tồn tại trăm năm nay, trong khi đó cuộc sống biến đổi rất nhanh chóng, vì thế lý luận Mác-Lênin đã bị lạc hậu,... Thực tế đã chứng minh rằng, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam trong gần 25 năm qua là rất to lớn và có ý nghĩa lịch sử bắt nguồn từ việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin trong điều kiện mới.

2. Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh

Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kết tinh lý luận Mác-Lênin, tinh hoa văn hóa của dân tộc và của nhân loại, là học thuyết về giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp, giải phóng con người. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được vũ trang bằng tư tưởng Hồ Chí Minh với các văn kiện có tính chất cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930. Tư tưởng Hồ Chí Minh có cơ sở từ chủ nghĩa Mác-Lênin, do đó nó mang bản chất khoa học và cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành tài sản tinh thần rất quý báu của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi đường, chỉ lối cho Đảng và dân tộc Việt Nam tiến lên giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), đã nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh, coi tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin làm thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thấy rõ tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ ra cho cách mạng Việt Nam những vấn đề rất cơ bản:

- Con đường giải phóng dân tộc theo chủ nghĩa Mác-Lênin, theo con đường Cách mạng vô sản. Xây dựng một xã hội mới: xã hội cộng sản, mà giai đoạn đầu là xã hội xã hội chủ nghĩa, một xã hội không còn chế độ người bóc lột người, mọi người đều được ấm no, tự do, hạnh phúc, một xã hội bảo đảm dân chủ, phúc lợi xã hội được bảo đảm, một xã hội có tình đoàn kết, hợp tác, hữu nghị với các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhau. Đó là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết đi lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chủ nghĩa xã hội là điều kiện bảo đảm sự bền vững của độc lập dân tộc.

- Những quan điểm về xây dựng lực lượng cách mạng, đó là đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh chứa đựng những quan điểm về chủ nghĩa nhân văn mác xít, đấu tranh giải phóng con người.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh là hiện thân của những tư tưởng giải quyết những vấn đề toàn cầu: những vấn đề bảo vệ hòa bình, về sự phát triển bền vững của thế giới, về giải phóng toàn diện con người, trong đó có vấn đề bảo đảm quyền con người, về bảo vệ môi trường con người sống và hoạt động, về tình hữu ái toàn thế giới, v.v…

Nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh trong những năm đổi mới, dân tộc Việt Nam không những đã đứng vững trước các thử thách ngặt nghèo, mà còn phát triển nhanh trên con đường dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin đã trở thành nhân tố lý luận chính trị cơ bản hướng dẫn hành động cho toàn xã hội. Tư tưởng đó đã được kiểm chứng trong suốt quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam 80 năm qua và còn phát huy tác dụng soi đường, chỉ lối cho dân tộc phát triển trong thời gian tới.

Như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công trong việc nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh, biết gắn với nguồn lý luận quý báu để hướng cho dân tộc phát triển. Có thể nói rằng, với việc nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh đã qụy tụ cả xã hội Việt Nam, dù nhóm cộng đồng nào, từ trong Đảng, ngoài Đảng, từ người Việt Nam ở trong nước hoặc đang sinh sống ở nước ngoài, đoàn kết dưới ngọn cờ đại nghĩa Hồ Chí Minh vì mục tiêu chung. Kết quả bước đầu của Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay do Đảng phát động đã thể hiện rõ điều đó.

Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thấy rõ rằng, không nên và không thể tách biệt, càng không được phép đối lập giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin. Một số người có quan điểm không đúng khi cho rằng ở Việt Nam, chỉ cần nêu tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ, không cần nêu chủ nghĩa Mác-Lênin. Dù rằng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã có chủ nghĩa Mác-Lênin, hay nói cách khác tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Song tư tưởng Hồ Chí Minh không thể thay thế chủ nghĩa Mác-Lênin vì chủ nghĩa Mác-Lênin là một hệ thống lý luận bao quát hơn. Nếu phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin tức là phủ nhận cả cơ sở lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Một tổ hợp đúng đắn, hoàn chỉnh nhất cho lý luận cách mạng của Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

3. Quan tâm đến tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ lý luận

Cần khẳng định rằng, trong suốt 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam có những nhà lý luận xuất sắc. Nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục chú trọng tổ chức nghiên cứu lý luận chính trị. Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Trung ương Đảng đã lập ra Hội đồng Lý luận Trung ương với nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lý luận để tư vấn cho Trung ương trong việc hoạch định đường lối. Ngoài Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiều cơ quan nghiên cứu lý luận có từ trước, đặc biệt là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, được kiện toàn lại và đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu.

Tình hình trong nước và thế giới biến động nhanh chóng sẽ dẫn tới lý luận bị lạc hậu so với thực tế. Nhận định trên đã được Đảng ta thấy rõ ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (1981). Chính thực tế là nguồn sống của lý luận; lý luận là những vấn đề được đúc rút từ sự vận động của thực tiễn. Lý luận soi đường cho thực tiễn, thực tiễn kiểm nghiệm cho những vấn đề lý luận và tạo chất để đúc rút lý luận. Đó là cả một quá trình có quan hệ khăng khít nhân - quả.

Những kết quả nổi bật trong những năm đổi mới trên phương diện này là:

- Xác định và triển khai hàng loạt các chương trình, dự án, đề tài khoa học lý luận. Đó là các chương trình khoa học cấp nhà nước, trong đó đặc biệt là Chương trình khoa học cấp nhà nước giai đoạn 1991 - 1995 "Nghiên cứu Hồ Chí Minh", mã số KX.02 (do Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chủ trì) và Chương trình nghiên cứu những vấn đề lý luận chính trị giai đoạn 2006-2010, mã số KX.04/06- 10 (do Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì). Đó là Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa IX, trong Thông báo Kết luận số 101 -TB/TW ngày 26-3 -2003 , đã chủ trương tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới ở nước ta. Theo đó, Bộ Chính trị đã ra Quyết định số 72-1 QĐ/TW ngày 28-4-2003 thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết; Ban Bí thư ra Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 12-5-2003 về vấn đề này; Quyết định số 02-BCĐTK ngày 28-5-2003 của Ban Chỉ đạo về thành lập Tổ Biên tập tổng kết; Thông báo của Bộ Chính trị, số 189-TB/TW ngày 10-8-2005 về việc công bố Báo cáo tổng kết 20 năm đổi mới. Đó là nhiều đề tài các cấp khác nghiên cứu những vấn đề lý luận chính trị. Những kết quả đó đã đóng góp tích cực vào việc làm luận cứ khoa học - thực tiễn cho quá trình hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, trong thời gian tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng , công tác nghiên cứu lý luận đã triển khai và đóng góp một loạt vấn đề về bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng và phát triển đất nước trong thơi kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020; những vấn đề phát triển đất nước sẽ được thể hiện trong các văn kiện của đại hội XI.

- Nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổng kết thực tiễn, rút ra những vấn đề lý luận, giải đáp những vấn đề bức xúc của đất nước đặt ra. Có thể kể ra là: vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân; vấn đề kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; vấn đề sở hữu; vấn đề Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; vấn đề quan hệ đối ngoại trong điều kiện mở cửa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế,... Những vấn đề đó đã được đúc rút qua nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổng kết thực tiễn. Nói cách khác, nếu không có sự nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổng kết thực tiễn thì không thể có những kết luận mới trong các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam những năm đổi mới, vì những vấn đề đó khó có thể tìm thấy từ sự chỉ dẫn cụ thể trong chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận đã được Đảng ta chú ý xây dung để trở thành một đội ngũ ngày càng được nâng cao về mặt tri thức và tư duy sáng tạo, có phẩm chất đạo đức tốt. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lý luận chính trị đã được quan tâm chú ý hơn. Đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện làm việc của đội ngũ nghiên cứu lý luận, đặc biệt là đội ngũ giảng viên các môn lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong cả nước đã được Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Trên đây là một số thành tựu cơ bản của công tác nghiên cứu lý luận của Đảng trong gần 25 năm đất nước tiến hành đổi mới. Tuy nhiên công tác trên vẫn còn tồn tại những hạn chế của công tác đó vẫn còn không ít. Vẫn còn nhiều vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam chưa được làm sáng tỏ, do đó chức trách soi đường của lý luận đang còn bị hạn chế. Tình hình đó đặt ra cho Đảng ta phải tổ chức nghiên cứu sâu sắc hơn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có như thế mới thúc đẩy nhanh hơn, tốt hơn sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

II KINH NGHIỆM

Từ những kết quả đạt được trong gần 25 năm đổi mới trong lĩnh vực nghiên cứu lý luận của Đảng, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

1. Kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng không giáo điều mà cần vận dụng sáng tạo và phát triển trong điều kiện mới.

Kinh nghiệm cho thấy, cần phòng và chống cả hai sự lệch lạc: cả giáo điều và xa rời những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Mình. Giáo điều là con đường chết trong hoạt động của đảng chính trị. Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã trả giá cho một số sai lầm giáo điều trong lịch sử hoạt động của mình, rõ nhất là trong tiến hành cải cách ruộng đất.

Bản thân những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học - C.Mác, Ph.Ăng ghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh - đều nhấn mạnh đến việc vận dụng sáng tạo những vấn đề lý luận vào điều kiện thực tế từng lúc, từng nơi. Sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô và các đảng cộng sản cầm quyền trong những năm cuối thế kỷ XX có nguyên nhân sâu xa từ sự giáo điều của các đảng đó. Thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong những năm đổi mới là do chúng ta không giáo điều trong việc vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà phủ nhận những nguyên lý cơ bản, những giá trị đúng đắn của lý luận và tư tưởng đó thì cũng sẽ dẫn đến thất bại của cách mạng. Thực tế quá trình nghiên cứu lý luận của Đảng ta trong những năm qua cho thấy rất rõ vấn đề. Chúng ta muốn có cả hai: vừa không giáo điều lại vừa sáng tạo và phát triển lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính như thế mới chế định cái khó khăn của bản thân công tác lý luận. Công tác nghiên cứu lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn còn nhiều chông gai và khó khăn ở phía trước mà Đảng ta cần phải lãnh đạo để vượt qua.

2. Chú trọng đặc biệt nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổng kết thực tiễn để đúc rút những vấn đề lý luận

Thực tế gần 25 năm qua đã đặt ra rất nhiều vấn đề cần có lời giải đáp từ Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng có thể tìm thấy lời giải đáp trong kho tàng lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhưng, thực ra những vấn đề lý luận trong kho tàng đó chủ yếu là những vấn đề có tính chất phương pháp luận. Chính bản thân các vị sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học cũng không ít lần dặn lại hậu thế rằng, chủ nghĩa xã hội là thực tế của hàng triệu triệu người khi họ bắt tay vào hành động. Không có một mô hình dựng sẵn, không có công thức nào như một chiếc đũa thần hễ vung lên là mọi việc sẽ như ý muốn. Mọi việc, chỉ có kết hợp lý luận - thực tiễn mới giải quyết được vấn đề. Thực tiễn của Việt Nam và thế giới trong hơn vài chục năm qua có những biến động khó lường; có những sự biến mà không có một bộ óc trác việt nào có thể dự kiến một cách chính xác được.

Kinh nghiệm cho thấy, những đợt nghiên cứu, khảo sát, tổng kết thực tiễn đã giúp Đảng giải quyết được nhiều vấn đề có tính chất lý luận về xây dựng đảng cầm quyền trong điều kiện mới để giữ vững bản chất của Đảng, vừa làm cho Đảng thích hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế; về phát triển nền kinh tế; về giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới về chính trị; về tăng trưởng kinh tế gắn liền với giải quyết tốt những vấn đề chính sách an sinh xã hội; về phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm an ninh - quốc phòng; và nói chung là về phát triển bền vững; về xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt, . .

Đảng ta đã tìm được đáp số cho quá trình phát triển của đất nước thời gian trong những năm đổi mới vừa qua là từ quá trình tổng kết thực tiễn, vì sự nghiệp đổi mới của nước ta do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo chưa có tiền lệ trên thế giới. Trung Quốc là một nước láng giềng có nhiều điểm, nhiều điều kiện giống nước ta, song không phải là cứ rập khuôn từ kinh nghiệm của Trung Quốc. Do vậy, cần chú trọng tiếp tục nghiên cứu lý luận từ nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổng kết thực tiễn. Đó là một kinh nghiệm quý qua gần 25 năm Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tiến hành công cuộc đổi mới .

3. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu lý luận

Sự nghiên cứu gắn với tư duy của bộ óc con người. Con người là sự tổng hòa của tất cả yếu tố để thúc đẩy sự phát triển của tự nhiên và xã hội. Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là lý luận về giải phóng con người khỏi mọi sự áp chế của tự nhiên và áp bức của xã hội, để giải phóng tư duy, để con người phát triển toàn diện, con người vươn tới cái tất yếu của tự do. Kinh nghiệm thực tế của gần 25 năm đổi mới cho chúng ta thấy những điểm chủ yếu sau đây:

- Giải phóng tư tưởng cho những người làm công tác nghiên cứu lý luận Đó là tự do tư tưởng. Có tự do mới có sáng tạo. Lao động khoa học lý luận là lao động sáng tạo. Tự do là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu sự tự do đó gắn liền với trách nhiệm công dân, là lòng yêu nước, ý thức xây dựng. Vấn đề tự do tư tưởng vẫn còn nhiều điều để bàn. Song, từ thực tế những năm qua, nếu không có tự do tư tưởng thì không thể đa ra những kết luận về lý luận chính trị mà trước đây không thể chấp nhận được, chẳng hạn: cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân; thực thi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền… Có giải phóng tư tưởng cho những người nghiên cứu lý luận thì mới nâng cao được chất lượng phản biện xã hội, điều này đặc biệt quý đối với chế độ một đảng.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của đất nước, phối hợp các ngành, các cấp tổ chức tốt nghiên cứu, khảo sát thực tế, tổng kết thực tiễn. Những vấn đề thực tế thường diễn ra ở các địa phương, do vậy, vai trò phối hợp của các địa phương là rất quan trọng. Sự phối hợp này làm sao để có một chiến trường thực mà trên đó sự thật phơi bày ra cho người nghiên cứu, tránh được sự che giấu, bị biến dạng, nhiễu thông tin. Người nghiên cứu cần sự thật, từ đó mới tiến hành nghiên cứu có kết quả tốt. Do vậy, công tác phối hợp tổ chức phải được coi trọng đặc biệt.

- Chú trọng tạo mọi điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu lao động sáng tạo. Cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học không chỉ tạo ra môi trường, cơ chế làm việc thuận lợi mà còn phải chăm lo cho cuộc sống hàng ngày của họ.

- Chú trọng kiện toàn, sắp xếp tổ chức các cơ quan nghiên cứu lý luận, đặc biệt là Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam.Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phải mạnh dạn "đặt hàng" cho các tổ chức, hướng các tổ chức này nghiên cứu những vấn đề thiết thực phục vụ cho sự phát triển của đất nước, cho việc hoạch định quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó, chú trọng đặc biệt đến các đơn vị trực tiếp nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức các đơn vị này thành các tổ chức cấp quốc gia.

GS, TS Mạch Quang Thắng*
------------------
(*) Bài viết tham gia Hội thảo khoa học  “Đảng Cộng sản Việt Nam- 80 năm xây dựng và phát triển” do Học viện Chính trị- Hành chính quốc ra tổ chức ngày 26/1/2010, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2010).

(1), (2) Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2002, t2, tr.259, 268

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất