Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 29/4/2010 6:21'(GMT+7)

Đổi mới công tác nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng ở Phú Thọ

Đ/c Tô Huy Rứa, UV BCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW thăm và làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Thọ - năm 2009 (Ảnh minh hoạ).

Đ/c Tô Huy Rứa, UV BCT, Bí thư TW Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TW thăm và làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Phú Thọ - năm 2009 (Ảnh minh hoạ).

Nghị quyết của Đảng  là những định hướng chính trị cho sự phát triển của Đất nước phù hợp với thực tiễn trong từng giai đoạn cách mạng; đồng thời là cơ sở để cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Vì vậy, việc nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Đảng nhằm tạo được sự đồng thuận, nhất trí giữa nhận thức và hành động của hệ thống chính trị; cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng ở đảng bộ tỉnh Phú Thọ đã được triển khai khá nghiêm túc, bài bản và có những bước đổi mới, góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện hiệu quả các Nghị quyết. Tuy vậy, nhìn nhận một cách nghiêm túc, chúng tôi thấy vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là, việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của một số chi, đảng bộ cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ theo Kế hoạch của Tỉnh uỷ; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác, tham gia học tập chiếu lệ, "đánh trống ghi tên", chủ yếu nghe truyền đạt ít nghi chép, chưa tích cực tham gia thảo luận; báo cáo viên còn có hiện tượng "đọc chậm" đề cương, bài giảng thiếu tính thuyết phục, hoặc chưa gắn với thực tế địa phương, đơn vị; trong học tập chưa giành thời gian thoả đáng cho việc thảo luận; việc xây dựng chương trình hành động còn chung chung, hình thức; sao chép của cấp trên hoặc thiếu tính khả thi khi tổ chức thực hiện trong thực tiễn; công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, nhất là trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; việc động viên, khen thưởng; góp ý, phê bình các tổ chức cơ sở Đảng trong việc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết nhiều lúc chưa kịp thời.

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này, Tỉnh uỷ Phú Thọ đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết theo hướng: làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, tinh thần cơ bản của từng nghị quyết; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cần đi sâu, phân tích kỹ... đảm bảo phù hợp với từng đối tượng và tình hình, nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng, của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường thảo luận, đối thoại. Coi trọng việc xây dựng, thảo luận để thông qua chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết.

Theo thông lệ mỗi khi Trung ương có Nghị quyết và Hướng dẫn tổ chức thực hiện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh uỷ Phú Thọ sớm có Kế hoạch chỉ đạo việc triển khai nghiên cứu, quán triệt và tổ chức tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ. Nhìn chung, các cấp uỷ Đảng đã chỉ đạo triển khai Nghị quyết nghiêm túc, đạt chất lượng chất lượng, đảm bảo mục đích, yêu cầu theo kế hoạch của Tỉnh uỷ. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập nghị quyết cao, tinh thần thái độ nghiêm túc hơn. Cán bộ, đảng viên tham gia học tập đều tập trung theo dõi và tiếp thu các nội dung cơ bản của Nghị quyết, tích cực tham gia thảo luận Kế hoạch, Chương trình hành động của đơn vị. Đội ngũ báo cáo viên đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản đề ra. Công tác tuyên truyền học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết được chú trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng đã kịp thời tuyên truyền Nghị quyết đông đảo các tầng lớp nhân dân và biểu dương, phản ánh những địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết của Trung ương. Qua học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng đã giúp cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng; những nội dung cơ bản, chủ trương, giải pháp lớn nêu trong các Nghị quyết. Vì vậy, tạo được sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội và sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Công tác nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng đã nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân; nâng cao sức chiến đấu, năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng vững mạnh.

Từ việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng trong những năm qua ở Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu như sau:

Thứ nhất, Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp uỷ các cấp trong việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng, đứng đầu là đồng chí Bí thư cấp uỷ, tránh tình trạng "khoán trắng" cho Ban Tuyên giáo. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc tinh thần Thông báo Kết luận 169-TB/TW, ngày 02/8/2008 của Bộ Chính trị khóa X, phát huy tính năng động, sáng tạo hơn cho các cấp uỷ Đảng địa phương, đơn vị trong việc tổ chức triển khai nghiên cứu, học tập các Nghị quyết của Đảng. Đồng chí Bí thư cấp uỷ các cấp trực tiếp giới thiệu Nghị quyết tại hội nghị cán bộ chủ chốt cấp mình, đơn vị mình. Phương thức mới này sẽ có điều kiện để người truyền đạt nghị quyết có điều kiện liên hệ sát thực tiễn địa phương từng nội dung nghị quyết. Các học viên sẽ có điều kiện tự liên hệ Nghị quyết với địa phương mình trong quá trình triển khai, giới thiệu nghị quyết ở cấp mình, đơn vị mình.

Thứ hai: Xây dựng Kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Nghị quyết phải bám sát hướng dẫn của Trung ương và gắn với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Xác định rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa , tầm quan trọng của Nghị quyết; thành phần, tài liệu và nội dung học tập, trọng tâm, trọng điểm đối với từng cấp, từng ngành; thời gian học tập, thời gian hoàn thành việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng. Kế hoạch phải được cấp uỷ Đảng quyết định, phân công rõ trách nhiệm cá nhân từng đồng chí cấp uỷ chỉ đạo, phụ trách.

Thứ ba: Về vấn đề xây dựng Chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết, đây là yêu cầu chung, bắt buộc phải làm để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Việc xây dựng chương trình hành động là để tập trung sức mạnh tổng hợp của địa phương, đơn vị, tập trung các nguồn lực cho thực hiện Nghị quyết. Vì vậy, việc xây dựng chương trình hành động phải bám sát những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo nêu trong Nghị quyết và phải thực sự thiết thực, phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị mang tính khả thi cao khi đi vào tổ chức thực hiện. Chương trình thực hiện Nghị quyết phải được chuẩn bị công phu, chú ý đến những mặt mạnh và những mặt còn yếu kém; căn cứ trên tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị để đề ra chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và thời gian thực hiện, trước mắt tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc cần được tháo gỡ. Quá trình tổ chức thực hiện có sự phân công lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của các cấp uỷ và các ngành; quy định về chế độ định kỳ đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện chương trình.

Thứ tư: Về Báo cáo viên truyền đạt, giới thiệu Nghị quyết, thực hiện theo tinh thần Thông báo Kết luận 169-TB/TW, ngày 02/8/2008 của Bộ Chính trị (khóa X), bí thư các cấp uỷ sẽ trực tiếp giới thiệu Nghị quyết. Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện, nhất là đối với cấp cơ sở xã, phường, thị trấn có không ít đồng chí bí thư do hạn chế về khả năng thuyết trình nên bài giảng không sinh động, thiếu tính thuyết phục. Vì vậy, cần phải bố trí đội ngũ báo cáo viên đảm bảo về phẩm chất chính trị, có uy tín, trình độ và phương pháp sư phạm truyền đạt ở những đơn vị này. Trong truyền đạt Nghị quyết người Báo cáo viên vừa phải bảo đảm đúng tinh thần, quan điểm, nội dung cơ bản, điểm mới trong Nghị quyết của Đảng vừa phải đảm bảo tính thực tiễn sinh động, liên hệ, phân tích được tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị và dành thời gian trao đổi, thảo luận với các đại biểu để đi tới thống nhất.

Thứ năm: Đối với cán bộ, đảng viên cần phải quán triệt, xác định rõ việc học tập, nghiên cứu và tiên phong trong tổ chức thực hiện vừa là quyền lợi vừa là trách nhiệm. Trong học tập cần phát huy tinh thần tự giác, chủ động, tích cực; tập trung nghe, ghi chép nội dung báo cáo viên truyền đạt và tích cực trong thảo luận.

Thứ sáu: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đảm bảo cung cấp sâu rộng các chủ trương của Đảng nêu trong Nghị quyết cho các tầng lớp nhân dân hiểu, tạo được sự đồng thuận trong xã hội và tích cực thực hiện chủ trường đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu đặt ra là các cơ quan thông tin đại chúng khi tuyên truyền nội dung Nghị quyết cần thật cô đọng, rõ ràng và tuyên truyền thường xuyên, liên tục.

Thứ bảy: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ trong việc triển khai học tập, nghiên cứu quán triệt các Nghị quyết của Đảng. Từ đó, đánh giá đúng tình hình triển khai, học tập Nghị quyết, có biện pháp chỉ đạo kịp thời những khó khăn, vướng mắc, những nhận thức lệch lạc, khắc phục tình trạng "làm lướt", hình thức.

Thứ tám: Cần động viên khen thưởng các chi, đảng bộ tổ chức tốt việc học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết và chấp hành đúng kế hoạch của Tỉnh uỷ; đồng thời góp ý, phê bình kịp thời các chi, đảng bộ, cấp uỷ thực hiện sai quy định về học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết của Đảng./.

Hà Kế San
UVBTV Tỉnh uỷ - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ Phú Thọ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất