Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 20/4/2010 22:0'(GMT+7)

Sứ mệnh thông tin ngay thẳng và trung thực

Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí HN Cấp cao ASEAN 16

Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí HN Cấp cao ASEAN 16

Hội Nhà báo Việt Nam với tên ban đầu là Hội những người viết báo Việt Nam, được thành lập ngày 21/4/1950 tại chiến khu Việt Bắc, theo chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. 60 năm qua, không chỉ là người thư ký trung thành trong mọi thời khắc lịch sử quan trọng, Hội Nhà báo và những người làm báo Việt Nam còn trực tiếp đóng góp xương máu, công sức và trí tuệ vào sự trưởng thành của đất nước và dân tộc. khoảng gần 200 hội viên lúc mới thành lập, đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã qui tụ một đội ngũ đông đảo lên tới 16.800 người, trong đó có 15.000 người làm báo chuyên nghiệp. Họ gần như có mặt từng giây, từng phút, ở mọi khoảnh khắc, mọi lĩnh vực và từng ngóc ngách của đời sống để kể lại một cách trung thực những gì đã và đang diễn ra. Không phải chỉ 60 năm qua mà kể từ khi báo Thanh niên ra số đầu tiên, ngày 21/6/1925, những người làm báo cách mạng và yêu nước Việt Nam đã hoạt động như vậy. Cho dù với phương tiện thô sơ hay hiện đại, ở trong thời chiến hay thời bình, các nhà báo chân chính luôn bất chấp mọi hiểm nguy để thực hiện sứ mệnh cao cả mà họ đã chọn: Sứ mệnh thông tin.

Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong các cuộc chiến đấu  ác liệt ở chiến trường biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, nhiều nhà báo đã hy sinh vì nhiệm vụ. Trong chiến tranh, các nhà báo không chỉ chiến đấu bằng ngòi bút mà khi cần họ còn cầm cả vũ khí ra trận. Đây là điều rất đặc biệt của lịch sử báo chí Việt Nam. Cho đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam đã vinh danh được 400 nhà báo liệt sĩ ngã xuống trên khắp các chiến trường. Báo chí nói riêng hay mặt trận thông tin tuyên truyền nói chung thực sự là một lực lượng có sức mạnh ghê gớm. Bằng thông tin, báo chí đã cổ vũ, động viên, củng cố và truyền niềm tin vào chiến thắng cho đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Với truyền thống đó, cũng bằng sự nhạy cảm với thời đại, Báo chí Việt Nam và Hội nhà báo Việt Nam đã đi đầu trong sự nghiệp đổi mới. Sự mạnh dạn và can đảm của báo chí là đã sớm nói lên những bất cập của cơ chế lỗi thời, cổ vũ cho những nhân tố đổi mới. Cuộc đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, thúc đẩy mở rộng dân chủ đã góp phần tạo ra bầu không khí ngày càng cởi mở trong xã hội, tạo không khí rất thuận lợi cho Đại hội Đổi mới năm 1986, đưa đất nước chuyển sang một giai đoạn phát triển mới có tính lịch sử.

Đương nhiên trong quá trình phát triển, cũng có nơi, có lúc, có nhà báo và cơ quan báo chí mắc phải sai lầm, khuyết điểm, bị xử lý. Nhưng điều đó không thể phủ nhận những đóng góp nổi bật và quan trọng của báo chí với lịch sử dân tộc cũng như sự nghiệp đổi mới hôm nay.

Bài học phát triển của Báo chí Cách mạng Việt Nam cho thấy, để thực hiện đúng chức năng của mình, các nhà báo và các cơ quan báo chí cần luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; Suy nghĩ và tường thuật vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì sự đổi mới và phát triển của đất nước. Đây cũng là nguyên tắc chi phối toàn bộ sự nghiệp cầm bút của nhà báo Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh.

Mặc dù có sự hậu thuẫn mạnh mẽ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ,  nhưng ngày nay, để thực hiện được sứ mệnh thông tin trung thực của mình, báo chí đã và đang phải đối diện với không ít khó khăn thách thức. Nhiều tổ chức, nhiều cơ quan, nhiều cá nhân vì muốn che đậy sự thật có hại cho mình đã bất hợp tác với báo chí, ngăn cản các nhà báo hành nghề, thậm chí là hành hung phóng viên khi tác nghiệp. Nhiều vụ việc đã xảy ra nhưng chưa có hành vi vi phạm nào được sự lý thực sự nhiêm minh. Đây là một bất hợp lý rất khó chấp nhận. Do vậy, bảo vệ hiệu quả hơn quyền hành nghề hợp pháp của các phóng viên, cần được coi là một trọng tâm hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, Hội Nhà báo và mỗi cơ quan báo chí cũng cần hoàn thiện cơ chế thanh lọc những người cầm bút thoái hóa biến chất, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi bất chính, nhũng nhiễu các tổ chức, doanh nghiệp. Cả hai phương diện xây và chống này, báo chí đều cần sự ủng hộ, giúp đỡ, giám sát, phản biện của cả xã hội. Được như vậy, những người làm báo Việt Nam chắc chắn sẽ  đảm nhận xuất sắc thiên chức là thư ký trung thành của thời đại, của đất nước và dân tộc./.

Phạm Kinh Bắc - VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất