Thứ Hai, 30/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 19/12/2013 14:0'(GMT+7)

Đổi mới công tác thị trường nước ngoài, nâng cao vai trò các cơ quan thương vụ

Doanh nghiệp Việt Nam đang được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Doanh nghiệp Việt Nam đang được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài.

Trong khuôn khổ chuỗi các sự kiện Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2013, các tham luận tại phiên khai mạc sáng ngày 18/12 tập trung vào việc trao đổi các biện pháp đổi mới công tác thị trường nước ngoài, nâng cao vai trò và đặt ra các yêu cầu đối với Thương vụ trong thời kỳ mới. Trong đó, tham luận "Chính sách và tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, kiến nghị đối với Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài về gắn kết xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư” nhấn mạnh: Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài là hoạt động phổ biến và có quá trình lịch sử trong quan hệ kinh tế quốc tế, nhưng là hoạt động khá mới ở Việt Nam những năm vừa qua. Đây là hoạt động có tiềm năng lớn trong việc giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tránh những hàng rào bảo hộ thương mại của nước nhận đầu tư, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao, đồng thời học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, kinh nghiệm quản lý, từ đó nâng cao năng lực của mình. Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam, nâng vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài bắt đầu phát triển từ đầu những năm 90 và gia tăng mạnh mẽ trong thời gian vừa qua, bất chấp ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Một trong những lý do khiến đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài được đẩy mạnh là nhờ những tháo gỡ về mặt chính sách của Nhà nước ta, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị định mới như Nghị định số 78/2006/NĐ-CP ngày 09/8/2006 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, Nghị định số 121/2007/NĐ-CP ngày 25/7/2007 quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí và Nghị định số 17/2009/NĐ-CP ngày 16/02/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 121/2007/NĐ-CP. 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3/2013 đã có 742 dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 15,5 tỷ USD. Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tập trung phần lớn vào ngành công nghiệp khai khoáng với 99 dự án, tổng vốn đầu tư 4,6 tỷ USD, (chiếm 13,3% về số dự án và 46% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là ngành nông, lâm, thủy sản  chế biến với 80 dự án, tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD (chiếm 10,8% số dự án và 12,6% tổng vốn đầu tư); công nghiệp điện đứng thứ ba với 1,8 tỷ USD vốn đầu tư, chiếm 12,1%. 

Về địa bàn đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tập trung vào đầu tư ở các nước láng giềng hay đối tác quen thuộc như Lào, Campuchia hay Nga mà phát triển ra những khu vực xa hơn như các nước khu vực Châu Phi, Châu Mỹ, thậm chí cả những nước kinh tế phát triển như  Ô-xtrây-li-a, Mỹ, Singapore, Nhật Bản…  với tổng số là 59 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó, Lào đứng vị trí thứ nhất với  227 dự án với tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD (chiếm 30,6% số dự án và 27,1% vốn đầu tư), Campuchia đứng vị trí thứ 2 với 129 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 17,4% số dự án và 17,6% vốn đầu tư). Tiếp theo là Liên bang Nga (chiếm 15,2% vốn đầu tư), Venezuela (11,8% vốn đầu tư) và các quốc gia khác. 

Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn, thể hiện khá rõ nét qua sự đa dạng về thị trường, về ngành đầu tư, về quy mô, hình thức đầu tư, về các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư. Các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài đã mang lại doanh thu ngoại tệ cho đất nước và nâng cao vị thế hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là một số dự án đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, bưu chính viễn thông… Các hoạt động này cũng đã giúp cho việc hình thành một đội ngũ doanh nhân Việt Nam có năng lực đàm phán trong đấu thầu quốc tế (ngành dầu khí, xây dựng), trong liên doanh với nước ngoài để tổ chức thực hiện các dự án hợp tác đầu tư,  và đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội cho địa bàn nước sở tại, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương làm việc cho dự án.

Bên cạnh những thành công nêu trên, hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định, trong đó có cả từ phía quản lý nhà nước. Mặc dù có sự hoàn thiện dần về hành lang pháp lý đối với hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, tuy nhiên, thể chế chính sách chưa thực sự hoàn chỉnh, thường đi chậm so với thực tế, do đó chưa phát huy tác động một cách mạnh mẽ đến sự phát triển của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài còn nhiều bất cập từ khâu quản lý tiền đầu tư đến khâu hậu kiểm. Công tác xúc tiến đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng chưa thực hiện có hiệu quả do thiếu thông tin về chính sách đầu tư của các thị trường tiềm năng. Chưa tổ chức thường xuyên việc tổng kết, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài để rút bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý và đề xuất những biện pháp thúc đẩy hơn nữa hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Các cơ quan đại diện của Nhà nước ở nước ngoài như Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán, cơ quan Thương vụ chưa thực sự tham gia có hiệu quả trong việc hỗ trợ xúc tiến các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Chiến lược tổng thể về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam vẫn chưa được xây dựng, trừ ngành dầu khí đã có những kế hoạch dài hạn về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Việc thu thập các thông tin về môi trường đầu tư ở nước ngoài chưa được coi trọng, đặc biệt công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, chưa cơ quan nào được giao nhiệm vụ thông tin về môi trường đầu tư, cơ chế pháp lý, đặc điểm môi trường đầu tư, và cơ hội đầu tư ở các nước... Chính vì vậy, việc triển khai dự án đầu tư chậm còn vì nguyên nhân là do chủ đầu tư thiếu vốn, tìm hiểu môi trường đầu tư chưa kỹ lưỡng, nên gặp nhiều khó khăn và chậm tiến độ trong triển khai thực hiện dự án sau cấp phép.

Để đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, ngành công thương cần phải đẩy mạnh công tác quản lý ngành và hỗ trợ phát triển hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, trong đó, vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đối với hoạt động đầu tư cần được đặt ra và quan tâm đúng mực như thể hiện vai trò của ngành trong việc nắm bắt thông tin doanh nghiệp, đưa ra giải pháp và tư vấn chính sách hỗ trợ và phát triển cho ngành, đồng thời phổ biến chính sách cũng như môi trường đầu tư, kinh nghiệm, thông tin thị trường, địa bàn hoạt động cho doanh nghiệp. Đặc biệt, các cơ quan thương vụ cần có các hoạt động kết nối các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài trở thành cộng đồng để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, liên kết, mở rộng cơ hội đầu tư, phát triển kinh doanh và đưa ra các kiến nghị cần thiết với chính quyền nước sở tại nhằm hỗ trợ cho các dự án đầu tư của Việt Nam tại đây.

Tuy nhiên, hiện nay, theo Quyết định số 4376/QĐ-BCT ngày 8/ 8/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thương vụ tại các nước và vùng lãnh thổ, nhiệm vụ của Thương vụ về việc giúp lãnh đạo Bộ quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của ngành công thương chưa được đề cập rõ nét. Chính vì vậy, để hoàn thành những trọng trách này, cũng cần phải xây dựng cơ chế và sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan để hỗ trợ cho các cơ quan thương vụ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình./.

Duy Hưng

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất