Theo Thứ trưởng GD và ÐT Nguyễn Vinh Hiển, đổi mới giáo dục là nhiệm vụ đã được toàn ngành triển khai từ những năm gần đây. Tuy nhiên, năm học 2011-2012 là năm đầu triển khai thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, cho nên nhiệm vụ đổi mới được ngành GD và ÐT triển khai mạnh mẽ với những giải pháp đồng bộ. Trong đó, Bộ GD và ÐT tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học thông qua công tác bồi dưỡng, dự giờ, thăm lớp của giáo viên; tổ chức hội thảo, hội giảng từ cấp trường, cụm trường, phòng, sở. Ðổi mới việc sinh hoạt tổ chuyên môn theo hướng tăng cường trao đổi, thảo luận về các chủ đề, nội dung giảng dạy, rút kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giảng dạy... Toàn ngành khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, viết sáng kiến kinh nghiệm phục vụ giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng. Mặt khác, các nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động tập thể bổ ích, thu hút đông đảo học sinh tham gia, trong đó có nhiều nội dung, hình thức hoạt động mới như: ngày hội đọc sách, thi hùng biện ngoại ngữ, hội thi tin học, ý tưởng, sáng tạo khoa học - công nghệ... nhằm thúc đẩy rèn luyện kỹ năng sống, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Trong năm học 2011-2012, ngành GD và ÐT triển khai nhiều đợt bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, vì thế chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng cao. Xây dựng và triển khai đề án quy hoạch đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục các cấp của địa phương bám sát Quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục. Toàn ngành thực hiện tích cực việc chuyển đổi loại hình trường, trong đó, có 1.583 trường mầm non bán công trên cả nước được chuyển đổi sang trường mầm non công lập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục.
Ðáng chú ý, cùng với các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng nói chung, trong năm học 2011-2012, Bộ GD và ÐT cũng điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông các môn học theo hướng tinh giản. Ðiều đó đã giúp cho các địa phương chủ động chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch dạy học, phân phối chương trình chi tiết theo khung thời gian năm học, vừa không quá tải với học sinh, vừa bảo đảm được kiến thức và chất lượng giáo dục. Mặt khác, đây cũng là năm học đầu Bộ GD và ÐT tổ chức việc đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh lớp 11 và tham gia Chương trình quốc tế đánh giá kết quả học tập của học sinh (PISA) tại 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố với 4.959 học sinh THCS; tham gia khảo sát đánh giá đầu ra lớp 2 và lớp 5 (PASEC) với 180 trường thuộc 55 tỉnh, thành phố... qua đó, tạo lập được phương pháp đánh giá chất lượng học sinh hiệu quả. Vì vậy, chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học được nâng lên rõ rệt.
Mặc dù việc đổi mới đã bước đầu đạt được một số kết quả góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Kết thúc năm học 2011-2012, việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp còn hạn chế, nhất là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ở một số địa phương còn khó khăn. Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, nhất là việc quản lý, chỉ đạo kiểm tra đánh giá kết quả học tập và thi tốt nghiệp chưa bảo đảm tính chính xác, chặt chẽ. Tình trạng thiếu giáo viên kéo dài ở một số địa phương chậm được khắc phục, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên tiếng Anh. Ðáng chú ý, việc quản lý, chỉ đạo đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng nói chung, đối với loại hình trường có yếu tố nước ngoài, trường ngoài công lập nói riêng còn hạn chế, thậm chí gây bức xúc cho xã hội. Chất lượng và hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ở các địa phương chưa cao, chưa hoàn thành nhiệm vụ, có nơi còn sai sót...
Các chuyên gia giáo dục cho rằng, cần có thêm những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc đổi mới để nâng cao chất lượng giáo dục. Ðổi mới từ mỗi cán bộ, giáo viên đến đổi mới trong toàn ngành, nhất là hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và đa dạng hóa, bảo đảm tính phân luồng rõ rệt và liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Theo Bộ GD và ÐT, trong thời gian tới, toàn ngành đẩy mạnh hoạt động khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục, coi đây là một công cụ để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đổi mới đồng bộ công tác kiểm tra, đánh giá và thi tốt nghiệp THPT theo hướng bảo đảm yêu cầu đánh giá kết quả và phát huy năng lực, sở trường của học sinh, góp phần bảo đảm chất lượng giáo dục.
Ngành GD và ÐT thực hiện tốt việc tự đánh giá trong đối với các trường, từ mầm non đến phổ thông, trung tâm GDTX. Từng bước thực hiện đánh giá ngoài đối với một số đơn vị có đủ điều kiện theo quy định, gắn với kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý giáo dục và chính quyền địa phương đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn. Mặt khác, toàn ngành thực hiện tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục, gắn với việc thực hiện công khai chất lượng và điều kiện bảo đảm chất lượng. Ðẩy nhanh việc đánh giá thường xuyên chương trình, sách giáo khoa, bảo đảm nội dung dạy học đạt yêu cầu cơ bản, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế của nhà trường. Ðồng thời, triển khai thực hiện các giải pháp xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển giáo dục... nhằm tạo những bước ngoặt trong đổi mới, nâng cao chất lượng GD và ÐT.
- Kết thúc năm học 2011-2012, cả nước có 59/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 3.714/9.349 xã, phường được công nhận đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi.
- Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn mầm non 96,28%, tiểu học 99,46%, THCS 98,84%, THPT 99,14%.
- Cả nước có gần 42 nghìn trường học mầm non và phổ thông, tăng 1.394 trường so với năm học trước.
- Các học sinh thuộc đội tuyển học sinh giỏi dự thi Ô-lim-pích quốc tế Toán, Lý, Hóa và Sinh đều đoạt huy chương gồm: Bốn Huy chương vàng, bảy Huy chương bạc và tám Huy chương đồng. (Bộ GD và ÐT)
|
Theo Nhân Dân