Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu
Thứ Hai, 21/2/2022 16:20'(GMT+7)

Đổi mới định hướng dư luận xã hội để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đổi mới công tác dư luận và định hướng dư luận xã hội (DLXH) theo hướng đa dạng, thiết thực, hiệu quả, gần dân hơn. Theo đó, công tác định hướng DLXH đã không ngừng được đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp; góp phần tạo đồng thuận trong nhận thức, thái độ, hành vi của nhân dân; đóng góp tích cực vào quá trình đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tăng cường niềm tin, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tình trạng cán bộ chưa hiểu và làm chưa đúng định hướng DLXH; có nơi còn lúng túng, thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo định hướng DLXH; còn không ít cơ quan tuyên truyền, báo chí chậm đổi mới, chưa kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của nhân dân... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn không ngừng lợi dụng mọi sơ hở để công kích, chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây bất ổn về chính trị - xã hội...

Trên cơ sở tiếp cận lý luận và thực tiễn, xin đề cập đến những vấn đề liên quan đến đổi mới, sáng tạo trong định hướng DLXH như sau:

ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO VỀ NỘI DUNG ĐỊNH HƯỚNG DLXH

Nhìn chung, nội dung định hướng DLXH tập trung chủ yếu vào tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Qua đó nhằm chuyển hoá thành sức mạnh vật chất, tổ chức thành những phong trào sôi nổi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời tìm hiểu, nắm bắt, phản ánh và đề xuất kịp thời các giải pháp “gỡ rối vấn đề”, tham mưu ban hành những quyết sách phù hợp với tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Thực tiễn cho thấy, DLXH bao gồm cả chính thốngphi chính thống với nhiều luồng ý kiến khác nhau, có thể tích cực hoặc tiêu cực, tiến bộ hay lạc hậu; thể hiện ở các mức độ: rất ủng hộ, ủng hộ hoặc phản đối gay gắt, phản đối… Điều này đòi hỏi quá trình đổi mới, sáng tạo về nội dung định hướng DXLH cần có tiếp cận đa chiều cạnh, đa cấp độ, không chỉ phê phán mà còn kiến thiết, xây dựng, bổ sung, phát triển; đồng thời phải phân biệt được thông tin chính thốngthông tin phi chính thống (tích cực và tiêu cực), tin đồn, tin giả mạo và thông tin phản động... Qua đó phát hiện “đúng và trúng” vấn đề để cung cấp nội dung thông tin, đưa ra những gợi ý, đề xuất “giải quyết vấn đề”. Bên cạnh những thông tin chính thống “diện rộng”, công tác DLXH cần quan tâm hơn tới việc nghiên cứu, “chắt lọc” vấn đề từ những ý kiến tranh luận, phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, thông qua những kênh thông tin đáng tin cậy, để kiến nghị các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng cùng với Đảng, Chính phủ đưa ra những chủ trương, chính sách “hóa giải vấn đề”, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, vì mục tiêu phát triển đất nước.

Đổi mới nội dung định hướng DLXH, góp phần tạo đồng thuận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là thể hiện sự thống nhất giữa Nhu cầu - Mục tiêu - Lợi ích của DLXH trong xây dựng Đảng gắn với phát triển xã hội lành mạnh, bền vững. Nhân dân luôn luôn có nhu cầu thống nhất nhận thức, ý chí và hành động để giải quyết công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đảng, Nhà nước luôn có nhu cầu nắm bắt lòng dân, để điều tiết, định hướng, quản lý xã hội. Những vấn đề như tranh chấp chủ quyền Biển Đông, Dự án Luật Đặc khu... đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần đổi mới, sáng tạo hơn nữa về nội dung định hướng, nắm bắt DLXH trên cơ sở “dĩ bất biến, ứng vạn biến” - đảm bảo lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân.

Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hóa nó thành cách chỉ đạo nhân dân”(2).

Việc đổi mới nội dung định hướng DLXH trên mạng xã hội, bên cạnh sử dụng dư luận tích cực của công chúng, độc giả, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước với thông tin của nhân dân; đảm bảo sự phối kết hợp trong công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước với sự tham gia tích cực của Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội, doanh nghiệp, đồng thời không ngừng nâng cao ý thức của người dân, nhất là thế hệ trẻ.

ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO VỀ HÌNH THỨC ĐỊNH HƯỚNG DLXH

Những hình thức định hướng DLXH hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng tuyên truyền trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các hình thức văn bản, hội nghị hoặc phương tiện thông tin đại chúng, viễn thông và mạng xã hội. Các hình thức định hướng DLXH được sử dụng phù hợp, tích cực không chỉ góp phần giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân cập nhật nhanh, đúng về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, mà còn tạo sức “đề kháng” trước những dư luận tiêu cực, phản động, tin đồn thất thiệt; tăng cường luận cứ trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Thực tế thời gian qua cho thấy, việc định hướng DLXH trên nhiều ấn phẩm, cơ quan báo chí nhìn chung còn chậm đổi mới, ít sáng tạo. Nhiều bài báo, chương trình phát thanh-truyền hình với mục đích tuyên truyền nghị quyết thường sa vào lối mòn, kém hấp dẫn; còn hạn chế về tính tranh luận, phản biện để đưa ra những đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước; còn khiên cưỡng, thiếu tính sinh động trong nhiều tác phẩm phản ánh gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm hiệu quả. Việc đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch chưa bài bản, thiếu tính hệ thống, trong khi phản ánh các vụ việc tiêu cực nhiều khi lại phiến diện, sai lệch, sa vào những tình tiết “rẻ tiền”, dễ thành “cái cớ” để các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá...

Trong cuộc sống, DLXH xuất hiện từ tình huống có vấn đề nảy sinh do sự mâu thuẫn giữa cái cũ-cái mới, cái biết-chưa biết, đặc biệt là mâu thuẫn lợi ích giữa cái mong muốn và tình trạng hiện hành, nghĩa là ở đâu và khi nào có vấn đề thì ở đó xuất hiện DLXH. Đây là bài toán cần tìm lời giải trước hết từ phía cán bộ lãnh đạo, thông qua gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe để có phương án hóa giải trên cơ sở định hướng DLXH. Muốn có định hướng DLXH đúng, các cấp ủy đảng, chính quyền - bằng những hình thức phù hợp - cần kịp thời cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ cho người dân; đồng thời không ngừng nâng cao kỹ năng định hướng, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên.

Những đổi mới, sáng tạo hình thức định hướng DLXH cần phải căn cứ vào cả quan điểm chính thống và phi chính thống, tôn trọng các thông tin từ thực tiễn, để từ đó sàng lọc, giúp đối tượng tiếp nhận phân biệt tin đúng với tin giả, tin đồn, dư luận tiêu cực nhằm thay đổi, điều chỉnh trong nhận thức, thái độ, hành vi; giúp Đảng, Nhà nước kịp thời điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Việc đổi mới, sáng tạo hình thức định hướng DLXH cũng cần quan tâm đến phân tích, dự báo tình hình; thường xuyên lắng nghe ý kiến của người dân; không bỏ qua những dư luận trái chiều; nhận định đúng “tầm mức” các quan điểm sai trái, phản động... để xây dựng được những kịch bản và biện pháp ứng phó - xử lý kịp thời.

Đối với cấp cơ sở, đặc biệt là ở những địa bàn dân trí chưa cao, cán bộ làm công tác tuyên truyền - định hướng DLXH cần đặc biệt quan tâm, phân biệt đúng những thông tin phản động với thông tin phản biện. Cần hiểu đúng, phản biện không phải là chống phá, thậm chí “nghịch nhĩ” nhưng lại là “trung ngôn” vì mục tiêu xây dựng, phát triển, bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước. Vì vậy, việc đổi mới, sáng tạo hình thức định hướng DLXH cần tuyệt đối tránh “dập khuôn” “máy móc” “ăn theo nói leo” dẫn đến xóa bỏ, triệt tiêu nhưng ý kiến phản biện thực chất, tiến bộ.

DLXH tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân và chính những người làm công tác định hướng dư luận. Nhân dân là người phản biện có uy tín đối với các quyết định của cơ quan Đảng, Nhà nước. Đổi mới, sáng tạo hình thức định hướng DLXH cần quan tâm hơn nữa tới cơ chế đảm bảo, khuyến khích quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu ý kiến của người dân, bởi đây là một trong những yếu tố để hình thành, xuất hiện DLXH đúng, tích cực, khắc phục tình trạng “lan tỏa” tin đồn thất thiệt.

Trong những chừng mực nhất định, tin đồn cũng có thể trở thành DLXH và DLXH cũng có thể trở thành tin đồn. Vấn đề đặt ra là làm sao phân biệt được thật-giả, đúng-sai giữa DLXH và tin đồn để có những phương án, cách thức giải quyết thích hợp. Sự lẫn lộn giữa DLXH và tin đồn là điều mà các thế lực thù địch thường triệt để lợi dụng để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Mục đích của định hướng DLXH của các cơ quan tuyên truyền và truyền thông là nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành động và điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân, nhóm xã hội hướng tới người dân, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì vậy, cần chú trọng hơn nữa việc xây dựng mô hình phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong định hướng, tuyên truyền, nắm bắt, điều tra, thăm dò DLXH; việc định hướng DLXH thông qua các phong trào thi đua cần chú trọng đến tính thực chất, tránh hình thức, bề nổi, làm cho có, cho xong.

ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH HƯỚNG DLXH

Hiện nay trong xã hội có nhiều vấn đề nảy sinh, tạo ra nhiều luồng tâm trạng, nhiều thái độ xã hội khác nhau, thường bị các thế lực thù địch lợi dụng, thêm bớt, xuyên tạc, bóp méo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước. Điều này đòi hỏi các cấp, ngành, cơ cơ quan chức năng không ngừng đổi mới phương pháp định hướng DLXH để dự báo, nắm bắt đúng trọng tâm, giúp Đảng, Nhà nước đưa ra các quyết sách phù hợp.

Trước hết, cần vận dụng sáng tạo phương pháp xã hội học trong định hướng DLXH: 1) Phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu sẵn có; 2) Phương pháp thu thập thông tin sơ cấp bằng các kỹ thuật chuyên nghiệp như quan sát, nghiên cứu định lượng, nghiên cứu định tính, nghiên cứu tổng hợp định tính và định lượng, lý thuyết và thực nghiệm, tổng quát và chuyên biệt; 3. Phương pháp tổng hợp và kỹ thuật xử lý bằng các phần mềm phân tích số liệu SPSS...

Bên cạnh đó, cần chú trọng sử dụng nguồn thông tin đại chúng để định hướng DLXH, trong đó, cần đặc biệt quan tâm đổi mới phương pháp định hướng DLXH của các cơ quan báo chí nhằm cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, tạo lập DLXH tích cực trong nhân dân; hướng đến nhận thức đúng về bản chất các sự kiện, hiện tượng, những vấn đề nảy sinh; phân tích, lý giải khoa học trên cơ sở quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước các chuẩn mực giá trị truyền thống; đưa ra những luận cứ thuyết phục trong đấu tranh chống lại cái sai, cái xấu, cái tiêu cực, góp phần tạo đồng thuận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Các cơ quan truyền thông, báo chí cần thường xuyên đổi mới cách thức truyền tải, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nhiều nguồn thông tin DLXH cả chính thống và phi chính thống, qua đó đánh giá khách quan các vấn đề.

Đổi mới, sáng tạo về phương pháp định hướng DLXH cũng là đổi mới về cách thức tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, hướng về cơ sở, thăm dò, trưng cầu ý kiến, điều tra DLXH, đánh giá, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Quan tâm tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc đối thoại trực tiếp với dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.

Công tác DLXH nếu được thực hiện đúng và khoa học sẽ tổng hợp được những ý kiến đánh giá cũng như những đề xuất “đúng và trúng”, giúp giải quyết có hiệu quả “tận gốc” các vấn đề đang đặt ra. Trước mỗi chủ trương, chính sách, quyết định của Đảng, Nhà nước liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộccác tầng lớp nhân dân, việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân không chỉ nhằm thể hiện bản chất dân chủ của chế độ, mà còn thể hiện sự cầu thị, lắng nghe những tiếng nói phản biện. Vì vậy, việc quan tâm đổi mới tổ chức hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề lấy ý kiến các các chuyên gia, nhà khoa họcđại diện các tầng lớp nhân dân cũng là một trong những nội dung quan trọng liên quan đến đổi mới phương pháp định hướng DLXH.

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NỘI DUNG, HÌNH THỨC, PHƯƠNG THỨC ĐỊNH HƯỚNG DLXH

Những đổi mới, sáng tạo trong định hướng DLXH đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo đồng thuận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện, cần tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Thứ nhất, định hướng DLXH lành mạnh góp phần tạo đồng thuận trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, cần phải tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức định hướng DLXH trong tình hình mới; gắn với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hợp tác quốc tế, với từng giai cấp, tầng lớp nhân dân; chủ động, tích cực, thường xuyên nắm bắt DLXH trước khi đưa ra các chủ trương, định hướng, quy định, kế hoạch thực hiện; các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, địa phương, đơn vị cần thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt công tác định hướng DLXH, chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tình hình, tư tưởng, tâm trạng để có giải pháp xử lý đúng đắn, kịp thời những vấn đề nảy sinh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Thứ hai, DLXH thường gắn liền với các sự kiện, hiện tượng xã hội, quan tâm tới việc ban hành và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tác động đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền. Vì vậy, để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tham gia quản lý của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, vai trò làm chủ của nhân dân, nhằm đảm bảo Nhu cầu - Mục tiêu - Lợi ích của DLXH trong xây dựng Đảng gắn với phát triển xã hội lành mạnh, bền vững, tất cả vì lợi ích của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Thứ ba, định hướng DLXH góp phần tạo đồng thuận xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là thể hiện sự thống nhất giữa yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhu cầu của quần chúng nhân dân. Dư luận và định hướng DLXH là một phương tiện và phương thức quan trọng trong việc khơi nguồn, tập hợp và phát huy nguồn sức mạnh, niềm tin của người dân vào chế độ xã hội, vào thể chế chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị. DLXH như một cơ chế, cách thức mà người dân tham gia giải quyết vấn đề xã hội, theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ tư, xây dựng mô hình gắn kết “3 nhà”: Lý luận - Khoa học - Truyền thông trong định hướng DLXH. Mở rộng dân chủ và bảo đảm, khuyến khích tự do ngôn luận thực sự, tránh hình thức, chống độc quyền của nhóm lợi ích.

Thứ năm, định hướng DLXH cần dựa vào quá trình Hiện đại hóa - Việt Nam hóa - Lành mạnh hóa(3), kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, tinh hoa bản sắc dân tộc, vận dụng tiếp thu có chọn lọc công nghệ truyền thông đại chúng và những “thủ pháp”, kinh nghiệm, thành tựu từ các nước phát triển.../.

PGS. TS. Võ Thị Mai  - TS. Trần Văn Huấn
Học viện Chính trị khu vực II

________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr.181.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Sự thật, H, 1981,t.2, tr.520-521.

(3) Theo Tô Duy Hợp, Viện trưởng Viện Trí Việt (IVM) thuộc Liên Hiệp Hội Việt Nam (VUSTA).

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất