Thứ Tư, 25/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 8/2/2012 22:9'(GMT+7)

Đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp

Tại hội thảo, các nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học lớn đã nêu thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay, những kinh nghiệm thực tiễn trong việc đổi mới giáo dục đại học tại các trường, kinh nghiệm các trường quốc tế. Từ đó rút ra các bài học, nêu các giải pháp mới để đổi mới giáo dục tại Việt Nam.

Theo GS Vũ Minh Giang - Phó Giám đốc ĐHQGHN, thực trạng giáo dục đại học hiện nay của Việt Nam nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Đỉnh cao nhất của giáo dục Việt Nam vẫn thua xa khu vực với nhiều tệ nạn như chạy theo bằng cấp, học ảo, bằng giả, luận văn sao chép...; đội ngũ giảng viên còn thiếu và yếu, lòng tin của xã hội vào chất lượng giáo dục đang mất dần. Tuy nhiên, cũng có những điểm sáng như quy mô đào tạo tăng hơn 13 lần, đầu tư cho giáo dục đại học tăng nhanh, cung cấp hàng triệu nhân lực có trình độ cao. Nguyên nhân của các điểm yếu trong giáo dục của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là bậc đại học là do xuất phát điểm xã hội thấp, hậu quả lịch sử nặng nề, đặc biệt là triết lý giáo dục chưa rõ ràng...

GS.TS Mai Trọng Nhuận - Giám đốc ĐHQGHN khẳng định, đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững và hội nhập của đất nước. Hiện nay, kinh tế xã hội Việt Nam phát triển nhanh, sự tác động của toàn cầu hóa và sự phát triển của nền kinh tế tri thức khiến giáo dục Việt Nam bắt buộc phải đổi mới, đổi mới đem lại lợi ích bền vững và hài hòa cho cộng đồng, xã hội, đất nước và cho chính những người thực hiện đổi mới. Theo GS.TS Mai Trọng Nhuận, xu hướng phát triển của Giáo dục đại học thế giới hiện nay đang đi theo hướng học tập để trở thành những nhà sáng tạo, đổi mới, công dân có trách nhiệm, phát triển tầm nhìn, năng lực, kỹ năng người học. Giáo dục hoàn toàn tự chủ, trách nhiệm xã hội cao, nhà nước và xã hội giám sát giáo dục.

Các đại biểu đề xuất, muốn đổi mới cần đánh giá đúng thực trạng hiện nay của giáo dục đại học. Từ đó, xác định đúng giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực, phải đa dạng, phân tầng. Lấy đầu ra làm tiêu chí để xác định mục tiêu đào tạo. Dạy và học theo phương châm biết cách tìm kiến thức, biết cách làm chứ không phải là biết nhiều thứ cụ thể. Thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phân định rõ tự chủ đại học và quản lý nhà nước. Coi trọng năng lực và phẩm chất người thầy.

GS. TS Lâm Quang Thiệp, trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) đề xuất, có thể thực hiện phân tầng giáo dục đại học. Theo đó, hệ thống các trường đại học tiên tiến tại Mỹ là giáo dục đại học phân tầng đã phát triển có tính ổn định cao, tồn tại và phát huy tác dụng cho tới tận ngày nay, do vậy, Việt Nam có thể lưu ý tới hệ thống này để rút kinh nghiệm, học tập. Các cơ sở giáo dục đại học chia thành 3 tầng: tầng trên cùng gồm 9 viện đại học tuyển hơn 12% tốp trên của học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học, đào tạo tất cả bằng cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ. Tầng giữa tuyển khoảng 33% học sinh tốt nghiệp PTTH, đào tạo bằng cử nhân, thạc sỹ và các bằng nghề nghiệp khác. Tầng dưới cùng gồm hơn 100 trường cao đẳng cộng đồng nhận toàn bộ học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học còn lại vào học theo các chương trình bổ túc, đào tạo nghề và các chương trình giáo dục nhận bằng á cử nhân để chuyển tiếp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận khẳng định, đổi mới giáo dục đào tạo là vấn đề lớn, không chỉ quan tâm tới quá trình đào tạo mà còn cần quan tâm tới hậu đào tạo. Vấn đề căn bản là sinh viên sau khi đào tạo có thể làm được gì. Hiện nay, giáo dục đại học không chỉ nhằm đào tạo theo nhu cầu xã hội mà còn đào tạo theo đặt hàng của nhà nước. Do vậy, cần tập trung giải quyết những vấn đề trọng điểm, chiến lược trước./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất