Trong phát triển giáo dục, việc đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng, quyết định việc nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Tuy nhiên, trong phát triển các trường, khoa sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế.
Những hạn chế, bất cập
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) cả nước có 133 cơ sở đào tạo sư phạm, trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 49 trường đại học có khoa hoặc ngành sư phạm và 39 trường cao đẳng sư phạm... đào tạo hàng nghìn sinh viên mỗi năm. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, hệ thống các cơ sở đào tạo vẫn còn yếu kém, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Nội dung đào tạo sư phạm chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, chậm đổi mới phương pháp và kiểm tra đánh giá. Tính đến năm học 2010-2011, tổng số giảng viên của các trường đại học sư phạm là gần 4.400 người, cao đẳng sư phạm là 4.462 người nhưng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của giáo dục đại học.
Mặt khác, số cơ sở đào tạo sư phạm trên cả nước khá nhiều nhưng hiện nay chưa có quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm và quy hoạch đội ngũ giáo viên. Vì vậy, quá trình đào tạo sư phạm chưa dựa trên nhu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu, nhu cầu thực tiễn. Sự phát triển này phần lớn do nhu cầu của các cơ sở giáo dục đại học, thiếu những nghiên cứu, khảo sát nhu cầu của từng địa phương hoặc chung cả nước. Trưởng phòng đào tạo Trường đại học sư phạm (Ðại học Huế) Tôn Thất Dũng cho rằng, hiện nay chưa có một thống kê nhu cầu của cả nước hoặc của từng địa phương cần bao nhiêu nhân lực sư phạm để các trường có hướng đào tạo phù hợp. Trong khi đó, tình trạng không được đào tạo sư phạm nhưng đi học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để giảng dạy là chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các bậc học. Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hải Dương Ðoàn Thị Minh Công nêu thực tế ở địa phương: Mặc dù thiếu nhiều giáo viên mầm non nhưng khi tuyển dụng giáo viên đào tạo liên thông, liên kết lại rất lo lắng về chất lượng. Thí dụ học trung cấp chỉ phải xét tuyển thì được đào tạo một tuần/tháng, trong khi học liên thông, liên kết đại học chỉ học hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Vì vậy thời gian học tập, thời gian trải nghiệm cũng như kiến thức hạn hẹp cho nên ra trường dù có bằng đại học nhưng năng lực còn hạn chế.
Ðổi mới "công nghệ" đào tạo
Ðào tạo đội ngũ nhà giáo không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành GD và ÐT mà còn là tiền đề nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, trong phát triển ngành sư phạm cần đổi mới quản lý đồng bộ từ Bộ GD và ÐT, các địa phương đến các cơ sở đào tạo giáo viên. Trong đó, cơ sở đào tạo giáo viên phải thực hiện "ba công khai", công bố chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành đào tạo, cam kết chất lượng và xây dựng chương trình hành động đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo. Ðổi mới công tác tuyển sinh vào các trường, khoa sư phạm nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào. Triển khai phân cấp quản lý các cơ sở đào tạo giáo viên theo các quy định về quản lý các trường đại học, cao đẳng trên cơ sở tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Nhà nước, của xã hội và của các cơ sở.
Ðể nâng cao chất lượng, phương pháp và chương trình của các cơ sở đào tạo sư phạm cần có sự đổi mới nhiều hơn nữa, các cơ sở đào tạo sư phạm cần xem lại "công nghệ" đào tạo và từ đó hệ thống hóa lại phương pháp. Bộ GD và ÐT cần ban hành và thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực của ngành mình đồng thời với việc quy hoạch ở từng địa phương. Từ quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giáo dục cần rà soát quy hoạch nhân lực các trường sư phạm, khoa sư phạm. Xem xét lại mối quan hệ giữa trường và khoa đào tạo sư phạm với các trường phổ thông, nhất là trong công tác thực tập, thực hành của sinh viên. Xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên khi có các chương trình mới.
Theo Nhân Dân