Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 23/9/2015 8:56'(GMT+7)

Đổi mới hoạt động giám sát

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII. Ảnh VGP

Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIII. Ảnh VGP

Giám sát là một trong ba chức năng của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp. Những năm gần đây, dư luận trong nước và quốc tế đặc biệt hoan nghênh và đánh giá cao hoạt động giám sát của Quốc hội, nhất là giám sát tối cao thông qua hình thức chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Nội dung giám sát đã tập trung vào những vấn đề bức xúc trên mọi lĩnh vực của cuộc sống; thể hiện được vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước. Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát cũng đã được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch, có sự tham gia, phối hợp giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận. Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp đã phát huy tính chủ động, tích cực của các cơ quan thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua giám sát đã đưa ra nhiều kiến nghị đóng góp vào hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và của địa phương .

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp vẫn chưa đạt được kết quả như mong đợi. Một số quy định về nội dung, đối tượng, hình thức giám sát của Quốc hội, HĐND còn trùng lặp, chưa rõ ràng, cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện; phạm vi giám sát quá rộng với nhiều chủ thể, nhưng lại chưa phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi chủ thể với từng đối tượng chịu sự giám sát cũng như sự phối hợp giữa các chủ thể giám sát dẫn tới sự chồng chéo trong thực hiện. Một số quy định về hình thức giám sát chưa được thực thi hoặc tính khả thi còn thấp…

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội đã và đang là đòi hỏi tất yếu của tiến trình đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp có liên quan mật thiết đến chất lượng các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; đến bộ máy phục vụ hoạt động giám sát và cơ chế, chế tài xử lý hậu giám sát. Vì vậy, trong tiến trình đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, cần có thêm những quy định bảo đảm tính độc lập, khách quan trong thực hiện quyền giám sát và hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND. Nâng cao năng lực và bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội, HĐND; các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Đề cao trách nhiệm của các đại biểu trước cử tri và phải thường xuyên nâng cao năng lực của đại biểu trong hoạt động giám sát.

Cử tri hy vọng tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, dự thảo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND sẽ được thông qua, tạo cơ sở pháp lý để đổi mới hoạt động giám sát, nâng cao hiệu quả trong hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử.

Theo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất