Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 22/9/2015 16:44'(GMT+7)

Nền tảng của thi đua

(Ảnh minh họa: laodong.com.vn)

(Ảnh minh họa: laodong.com.vn)

Hơn 67 năm qua, kể từ ngày Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc (27-3-1948) và ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948), phong trào thi đua yêu nước đang tiếp tục được triển khai rộng khắp với quan điểm xuyên suốt là lấy kết quả công việc hằng ngày làm nền tảng cho các phong trào thi đua.

Qua các phong trào thi đua từ đó đến nay đã nổi lên rất nhiều tấm gương điển hình hoàn thành xuất sắc công việc hằng ngày của mình, trong đó có nhiều người được lưu danh sử sách. Tiêu biểu là những tấm gương: Cù Chính Lan, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, Giáp Văn Khương, Tôn Thất Tùng, Lương Định Của… Hay những tấm gương trực tiếp lao động, có nhiều cố gắng hoàn thành xuất sắc công việc, như người thợ Châu Văn Huy nghiên cứu và áp dụng thành công việc bơm hơi khô vào dây cáp điện thoại, thợ mỏ Huỳnh Văn Tiến có sáng kiến cải tiến quy trình khai thác nâng năng suất khai thác lên gần gấp 3 lần; tài xế tàu hỏa Lý Văn Du đưa ra sáng kiến về phương pháp lái xe kéo vượt tải trên đường dốc… Trong nông nghiệp, các phong trào thi đua cũng rất sôi nổi với những kết quả ngày càng cao trong việc nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất, từ “cánh đồng 5 tấn” nay trở thành “cánh đồng trang trại 50 triệu đồng/ha/năm”... Đó là biểu hiện rất cụ thể của việc lấy kết quả công việc hằng ngày làm thước đo cho thành tích thi đua…

Rõ ràng, nhờ việc lấy nền tảng của thi đua là công việc hằng ngày, các phong trào thi đua yêu nước đã và đang mang lại hiệu quả rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển ở tất cả các ngành, các lĩnh vực của nước ta ngay từ những ngày đầu cách mạng thành công cho đến hôm nay.

Nhưng, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, ngày nay, vẫn còn những nơi, những lúc, những ngành, những cơ quan phát động phong trào thi đua còn mang tính hình thức, nặng về khoa trương bề ngoài mà ít quan tâm đến nội dung và hiệu quả thực sự, làm giảm sút ý nghĩa của các phong trào thi đua, khiến người lao động không mấy hứng thú với các đợt phát động thi đua. Cá biệt, có trường hợp phát động thi đua xong rồi… bỏ ngỏ, không có phương pháp cụ thể để khuấy động phong trào, dẫn tới phong trào thi đua nào cũng bình bình như nhau, không tạo ra được không khí thi đua thực sự sôi nổi và có hiệu quả cao.

Để các phong trào thi đua thực sự có hiệu quả, chúng tôi cho rằng, điều nên làm là khi phát động mỗi cuộc thi đua đều phải nêu rõ hình thức thi đua; công bố hệ thống tiêu chí cụ thể để đánh giá, chấm điểm cho từng cá nhân, tập thể tham gia phong trào thi đua; cập nhật thường xuyên và công khai, minh bạch điểm thi đua của từng cá nhân, tập thể; công khai, minh bạch quá trình bình xét thi đua để mọi người trong cơ quan, đơn vị, tổ chức biết và đóng góp ý kiến…

Nếu điểm thi đua được cập nhật thường xuyên theo kết quả công việc, thì công việc hằng ngày chắc chắn sẽ trở thành nền tảng thực sự của thi đua như mong muốn của Bác Hồ cũng như chủ trương của Đảng ta. Đó cũng là cách để khuấy động phong trào thi đua thường xuyên, như công việc mỗi ngày vậy./.

Chiến Thắng (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất