Chọn phương án đồng giá hay rút từ 6 bậc xuống còn 3 hoặc 4 bậc là dự
thảo về biểu giá điện mới do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lấy
ý kiến rộng rãi của cộng đồng.
Theo EVN, việc xây dựng biểu giá điện mới nhằm phù hợp với thị trường
điện cạnh tranh cũng như giúp tăng tính minh bạch, dễ kiểm tra và quản
lý cho ngành điện.
Tuy nhiên, tại hội thảo "Dự thảo đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ
điện" do EVN tổ chức sáng 22/9, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, các
phương án đưa ra vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế mà cần phải thay
đổi theo hướng bảo vệ số đông người tiêu dùng.
Bỏ qua quyền lợi của phần đông người tiêu dùng
Theo dự thảo mới do EVN đưa ra thì Phương án 1 vẫn giữ nguyên 6 bậc
thang như hiện hành. Phương án 2 sẽ quy định một mức biểu giá điện sinh
hoạt đồng giá 1.747 đồng/kWh và phương án 3 sẽ là rút gọn biểu giá điện
sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Ngô Trí Long, từ năm 2009 đến nay đã có 9
lần điều chỉnh giá điện và sau mỗi lần điều chỉnh giá như vậy đều không
tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Chỉ ra nguyên nhân theo vị chuyên gia này là do ngành điện vẫn còn đang
độc quyền, do vậy đối với EVN cần đảm bảo tính công khai minh bạch trong
hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nói về phương án biểu giá điện mới, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng,
việc duy trì giá điện bậc thang là hợp lý, tuy vậy các bậc thang không
nên cách nhau quá xa vì bậc 6 hiện tăng hơn 40% so với bậc 1.
"Mỗi bậc nên cách nhau 150 kWh và khi sử dụng trên 600 kWh trở lên mới cần quy định riêng," ông Long nói.
Đồng quan điểm chia bậc thang như hiện nay, nhưng theo Tiến sỹ Nguyễn
Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, số hộ sử dụng dưới
150 kWh hiện chiếm đa số nên nếu có biểu giá điện mới cần đảm bảo quyền
lợi cho số đông người tiêu dùng.
"Bao nhiêu bậc cũng được nhưng biểu giá điện mới phải đảm bảo được số
đông người sử dụng, hiện chính sách của Nhà nước là khuyến khích sử dụng
điện tiết kiệm, hiệu quả do vậy cũng cần chia điện theo bậc thang lũy
tiến," Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên nói.
Góp ý thêm với EVN, ông Kiên cho rằng, vấn đề người tiêu dùng hiện mong
mỏi là EVN cần cải thiện công tác quản trị, thay đổi việc ghi côngtơ qua
đó nâng cao năng suất lao động và hiệu quả sử dụng vốn trong các dự án
điện.
Thay đổi cách tính để dễ quản lý?
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa (đại diện đơn vị tư vấn), biểu giá điện 6 bậc
thang trước đây hiện không còn phù hợp cũng như gây khó khăn cho việc
ghi côngtơ, thậm chí nhiều trường hợp còn tạo ra bức xúc cho người tiêu
dùng khi giá điện tăng cao.
Do vậy, việc đưa ra 3 phương án về biểu giá điện mới nhằm mục tiêu ổn
định, tăng tính minh bạch và dễ quản lý, qua đó nhằm giảm bù chéo giữa
các đối tượng khách hàng.
Nói thêm về biểu giá điện, theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc
Tập đoàn Điện lực Việt Nam, việc thay đổi biểu giá điện mới nhằm đáp ứng
cho yêu cầu phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
Mặt khác, do có nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số côngtơ nếu không chú
ý cẩn trọng dễ dẫn đến sai sót khi tính toán số lượng tiền điện thanh
toán.
"Không có phương án nào phù hợp với tất cả mọi người. Bởi vì nguyên tắc
thiết kế giá bán lẻ bình quân, nếu bậc thang có giá cao mà giảm giá
xuống thì bậc thang đang có giá thấp phải tăng lên, để đảm bảo giá điện
bình quân, đảm bảo bên mua điện và sản xuất kinh doanh. Nếu như khách
hàng ở bậc cao giảm xuống thì ở bậc thấp lại tăng lên và ngược lại," ông
Tri nói.
Lãnh đạo EVN cũng nhấn mạnh, hiện bản dự thảo trên vẫn đang tiếp tục
được EVN lấy ý kiến của các chuyên gia và cộng đồng, cả 3 phương án đều
do đơn vị tư vấn đưa ra mới là tham khảo.
"Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến rộng rãi, tập đoàn này sẽ báo cáo Bộ
Công Thương thẩm định trước khi trình Chính phủ xem xét quyết định," ông
Đinh Quang Tri nói./.
(Vietnam+)