Nhận lời mời của Thủ tướng Nội các Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng Bí thư Ban
Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm
chính thức Nhật Bản từ ngày 15 đến ngày 18/9. Trước chuyến thăm, Đại sứ Nhật Bản Fukada Hiroshi đã trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam.
- Ông có thể cho biết ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản của Tổng Bí thư
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng?
Đại sứ Fukada Hiroshi: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ
thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 15 tháng 9 tới theo lời mời của Chính
phủ Nhật Bản. Bản thân Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến Nhật Bản
tổng cộng 4 lần, gần đây nhất vào năm 2008 khi còn là Chủ tịch Quốc hội
nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và lần này là chuyến thăm đầu
tiên trên cương vị Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
Việt Nam sau khi nhậm chức vào năm 2011.
Đồng thời đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ chuyến thăm của nguyên Tổng Bí thư Nông Đức
Mạnh sáu năm về trước vào năm 2009.
Như các bạn đã biết, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương
Tấn Sang vào tháng 3 năm ngoái, hai bên đã nhất trí nâng cấp quan hệ
Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa
bình và phồn vinh ở châu Á.” Trên cơ sở đó quan hệ hai nước đã phát
triển một cách thực chất hơn nữa. Trong bối cảnh đó, hai nước hết sức
thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao.
Nhìn lại một năm vừa qua, Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác trong hai dự
án lớn và quan trọng là Nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế
Nội Bài và cầu Nhật Tân. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ
tầng, Giao thông vận tải và Du lịch Nhật Bản Akihiro Ohta đã tới Việt
Nam dự lễ khánh thành hai dự án này vào tháng 1.
Thêm vào đó, nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Nông Lâm Ngư nghiệp
Nhật Bản Hayashi Yoshimasa vào tháng 8 vừa rồi, hai bên đã tổ chức Hội
nghị cấp cao về Đối thoại Hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Nhật Bản.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sang Nhật Bản tham dự Hội
nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản vào tháng 7 và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ
trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đồng chủ trì Ủy ban hợp tác
Việt-Nhật diễn ra tại Nhật Bản vào cuối tháng 7. Bên cạnh đó, Phó chủ
tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã sang thăm Nhật Bản tham dự “WAW
(Hội nghị Hội đồng toàn cầu vì phụ nữ)”. Qua đây có thể thấy trong vòng
một năm nay, hai bên đã thường xuyên trao đổi nhiều đoàn cấp cao.
Trong thời điểm quan hệ hai nước đang được tăng cường một cách thực
chất, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà
lãnh đạo cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam sẽ mang ý nghĩa tổng hợp của
một chuỗi các hoạt động đối ngoại cấp cao giữa hai nước, đồng thời tôi
hy vọng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ
trao đổi ý kiến thẳng thắn và đạt được kết quả to lớn nhằm phát triển
quan hệ hai nước Nhật Bản-Việt Nam “hướng tới tương lai.”
Đặc biệt, năm nay Việt Nam kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh. Mặt khác, Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định
đường lối cơ bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong 5 năm tới sẽ được
tổ chức vào đầu năm 2016.
Trong thời điểm quan trọng như vậy, tôi cho rằng việc Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng tới thăm Nhật Bản và cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe điểm
lại quan hệ hai nước những năm qua, cũng như khẳng định phương hướng
phát triển hơn nữa quan hệ Nhật-Việt trong thới gian tới sẽ là điều hết
sức quan trọng.
Hiện nay, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển hết sức tốt
đẹp. Trong bối cảnh đó, nhân chuyến thăm lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ trao đổi ý kiến thẳng thắn về
rất nhiều lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế và hợp tác phát
triển, phối hợp hơn nữa tại các diễn đàn khu vực và quốc tế... Tôi hy
vọng hai bên sẽ đạt được nhiều kết quả cụ thể nhằm xây dựng quan hệ
Nhật-Việt hướng tới tương lai như tôi đã nói trước đây.
- Ông nhận định như thế nào về triển vọng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong thời gian tới và Nhật Bản hy vọng điều gì ở Việt Nam?
Đại sứ Fukada Hiroshi: Trong những năm gần đây, hai
nước đã cùng hợp tác và phát huy vai trò của mình một cách tích cực vì
hòa bình, an ninh và phồn vinh của khu vực châu Á và thế giới. Có thể
nói điều này là biểu hiện của việc cụ thể hóa quan hệ “Đối tác chiến
lược sâu rộng” giữa hai nước.
Tôi hy vọng trong thời gian tới, hai nước sẽ vừa phát triển quan hệ song
phương, đồng thời trên cơ sở đấy hai nước sẽ cùng phổ quát giá trị
chung ra khu vực và quốc tế, có nghĩa là hai nước sẽ trở thành đối tác
tốt nhất của nhau.
Cụ thể hơn, về mặt chính trị, tôi hy vọng thông qua hợp tác trong các
lĩnh vực như nâng cao thượng tôn pháp luật trong an ninh biển, đảm bảo
tự do và an toàn hàng hải và hàng không, hơn nữa nhìn tổng quan tình
hình châu Á, ví dụ như hòa bình và ổn định ở bán đảo Triều Tiên hoặc
rộng hơn nữa trên các diễn đàn quốc tế như hoạt động gìn giữ hòa bình
của Liên hợp quốc, hai nước sẽ giữ vai trò định hướng một cách tích cực
trong các trao đổi liên quan đến lĩnh vực khu vực và quốc tế. Tôi mong
rằng hai nước sẽ trở thành đối tác như vậy.
Về mặt kinh tế, những năm vừa qua, trong bối cảnh thực hiện quá trình
toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại thông qua cộng đồng kinh tế ASEAN
hay Hiệp định thương mại tự do TPP…, tôi hy vọng Việt Nam xúc tiến hơn
nữa cải cách kinh tế bao gồm hoàn thiện môi trường đô thị và cải cách
doanh nghiệp nhà nước, đồng thời phát triển hơn nữa kinh tế và công
nghiệp thông qua các ngành công nghiệp hỗ trợ, nông ngư nghiệp và công
nghệ thông tin, hướng tới phát triển kinh tế một cách bền vững và tự
chủ.
Trong bối cảnh nói trên, Nhật Bản đã hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực
cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực thông qua viện trợ ODA. Bên
cạnh đấy, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng tích cực đầu tư vào Việt Nam và
đóng góp cho sự phát triển nền kinh tế Việt Nam.
Trong thời gian tới, tôi hy vọng Việt Nam sẽ sử dụng một cách hiệu quả
những khuôn khổ hợp tác giữa hai chính phủ thông qua viện trợ ODA của
Nhật Bản, đồng thời cải thiện các môi trường nhằm xúc tiến đầu tư từ các
doanh nghiệp nước ngoài trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam
để đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Ngoài ra, tôi cho rằng trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản và Việt Nam cần
nâng cao hơn nữa quan hệ bổ trợ lẫn nhau về mặt kinh tế như cái gọi là
kết nối kinh tế, trên cơ sở đấy hai nước sẽ xây dựng quan hệ hai bên
cùng phát triển"./.
(TTXVN)